Phước Lộc giảm nghèo rất sâu

06:06, 05/06/2020

Xã Phước Lộc là một trong 3 xã đặc biệt khó khăn của huyện Đạ Huoai, lại là xã có đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên cao nhất huyện, với 80%. Thế nhưng,...

Xã Phước Lộc là một trong 3 xã đặc biệt khó khăn của huyện Đạ Huoai, lại là xã có đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên cao nhất huyện, với 80%. Thế nhưng, không những thoát khỏi xã nghèo vào năm 2017, mà cuối năm 2019 Phước Lộc còn là địa phương giảm nghèo sâu nhất huyện với 8,1% và về đích nông thôn mới sớm nhất trong số 3 xã nghèo.
 
Cơ sở vật chất giáo dục và y tế xã đều được đầu tư kiên cố và khang trang
Cơ sở vật chất giáo dục và y tế xã đều được đầu tư kiên cố và khang trang
 
Cùng với 2 xã Đoàn Kết và Đạ P’Loa, xã Phước Lộc đã trở thành hiện tượng “thoát xã nghèo ngoạn mục” như đánh giá của Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hồ Ngọc Hải khi trao đổi với chúng tôi. Để mục sở thị, chúng tôi vào ngay xã được Phó Chủ tịch UBND xã K’Vĩnh tiếp đón. Chia sẻ về thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững 5 năm gần đây của xã, các anh cho biết, đầu năm 2016, số hộ nghèo là 71 hộ, chiếm tỷ lệ 10,55%, cuối 2019 chỉ còn 17 hộ, chiếm tỷ lệ 2,45%. Còn hộ cận nghèo, đầu năm 2016 có 37 hộ, chiếm tỷ lệ 5,5% và cuối năm 2019 còn 18 hộ. Năm 2020 này, Phước Lộc tiếp tục phấn đấu đến cuối năm còn 14 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 1,96% và hộ cận nghèo còn 7 hộ. 
 
Để có tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, từ đầu năm 2016, Đảng ủy xã Phước Lộc đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/ĐU và UBND xã ban hành Kế hoạch số 22 chuyên đề. Trong kế hoạch dài hơi, Phước Lộc cụ thể hóa từng năm để phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo cấp xã, cấp thôn, ngành và đoàn thể. Tất cả đồng lòng tích cực tuyên truyền, vận động, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo, thoát cận nghèo. Có thực sự chuyển biến nhận thức từ cấp ủy đảng, chính quyền đến mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân thì mới đi đến kết quả. Thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, của các đoàn thể và các thôn theo 6 tháng một. 
 
Khi nhận thức và đồng thuận trong toàn xã thì việc bố trí vốn về Phước Lộc phát huy hiệu quả. Năm 2016, xã được hơn 1,024 tỷ đồng làm đường giao thông và hỗ trợ giống bò. Trong 5 năm, hàng trăm lượt hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ giống cây trồng và phân, thuốc bảo vệ thực vật để trồng trên diện tích hơn 40 hecta. Có vốn nhưng phải đảm bảo quy chế dân chủ, người dân được mời họp và bình xét. Cùng đó là duy trì thường xuyên và nghiêm túc khâu kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng, cơ quan thẩm quyền và HĐND xã. Đồng thời triển khai các dự án, chương trình, Phước Lộc còn thực hiện các mục tiêu về cấp thẻ BHYT đạt với 100% người nghèo và cận nghèo; đào tạo nghề với 5 lớp nghề cho 117 lao động, giải quyết việc làm cho 215 lao động; hỗ trợ xây mới, sửa nhà ở cho 23 hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ lĩnh vực giáo dục - đào tạo… Đến ngày 20/3/2020, tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội toàn xã trên 23,878 tỷ đồng với 578 hộ vay. 
 
Qua báo cáo của UBND xã, chúng tôi thực sự vui trước nhiều chỉ tiêu kinh tế và xã hội mà Phước Lộc đã đạt trong giai đoạn 2016-2020 
 
Ngoài tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,1%, đó còn là tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (so sánh 2010) tăng bình quân 11,8%/năm, đạt 79 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 2,6%/năm. 
 
Đó còn là, 35% lao động qua đào tạo; 98% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 3/3 trường đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; giá trị sản suất trên một đơn vị diện tích đạt 87,7 triệu đồng/ha, vượt so với Nghị quyết giao đầu nhiệm kỳ 17,7 triệu đồng. Với một địa bàn gần 6.219 ha rừng, nhưng kết quả quản lý và bảo vệ rừng của Phước Lộc đạt tỷ lệ độ che phủ rừng tới 73,1%, vượt kế hoạch giao của nhiệm kỳ 8,1%. 
 
Sau 5 năm, 4 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đảng bộ xã Phước Lộc đặt ra đều đạt và vượt kế hoạch. Bao gồm, giảm nghèo nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo; nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác; hoàn thành xây dựng nông thôn mới và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở đạt chuẩn. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ cận nghèo so với hộ nghèo hàng năm còn cao (năm 2016 bằng 65,96%; cuối năm 2019 bằng 105,88%). Để đạt được, Phước Lộc cần hạn chế tình trạng một số hộ thoát nghèo rơi xuống cận nghèo. Giải pháp căn cơ là người dân phải chuyển giao khoa học kỹ thuật và mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi trong sản xuất và chăn nuôi. Xóa dần tâm lý trông chờ, ỷ lại trong một bộ phận người dân. 
 
Với nhìn nhận nghiêm túc để xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp, tin rằng, đến cuối năm 2025, Phước Lộc sẽ đạt các chỉ tiêu trên đề ra như: tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,2%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 1,5%; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ về bảo hiểm y tế theo quy định; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh đều được vay vốn tín dụng ưu đãi từ ngân hàng; 100% lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu đều được hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm… Cùng đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giữ vững và vượt mốc nhiệm kỳ trước; tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân tăng 7%-8%/năm. Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 65-70 triệu đồng/người/năm; giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích đạt khoảng 178,5 triệu đồng/ha và hoàn thành vị thế “Nông thôn mới nâng cao”…
 
MINH ĐẠO