Việt Nam và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng

06:02, 25/02/2021

Năm 1945, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, khi ấy, chưa có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới công nhận Việt Nam. Ngay sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho người đứng đầu các cường quốc...

Năm 1945, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, khi ấy, chưa có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới công nhận Việt Nam. Ngay sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho người đứng đầu các cường quốc, trong đó có Mỹ, song thiện chí ấy của Việt Nam đã không được đáp lại. Đến nay, Việt Nam đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và có tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế.
 
Uy tín và vị thế của Việt Nam không ngừng được nâng lên trong bối cảnh thế giới có những biến động khó lường
Uy tín và vị thế của Việt Nam không ngừng được nâng lên trong bối cảnh thế giới có những biến động khó lường
 
Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa chính là nước đầu tiên đã công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 18/1/1950. Sau sự công nhận của CHND Trung Hoa, hàng loạt các quốc gia khác, nhất là các nước trong phe xã hội chủ nghĩa đã lần lượt công nhận Việt Nam. Năm 1946, trong Lời kêu gọi Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố “Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”. Trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, sau đó là chống chiến lược bao vây, cấm vận do Mỹ áp đặt, Việt Nam đã không thể hội nhập một cách đầy đủ với quốc tế. Sau khi nước nhà thống nhất năm 1975, đặc biệt là từ Đại hội VI của Đảng, đường lối hội nhập quốc tế của Việt Nam đã được thể hiện rõ nét. Kể từ Đại hội lần thứ VII, với quan điểm “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”, chủ trương này đã tiếp tục được tiếp nối cho tới hiện nay và giúp Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế.
 
Trước năm 1975, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa được kết nạp là thành viên Liên hợp quốc (LHQ). Nước nhà thống nhất, Việt Nam đã gửi đơn xin gia nhập và ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức đứng vào ngôi nhà chung của các quốc gia trên toàn thế giới. Hơn 40 năm gia nhập LHQ và hơn 75 năm sau ngày lập quốc, Việt Nam đã ngày càng khẳng định tiếng nói, uy tín và vị thế của mình trên các diễn đàn lớn toàn cầu, đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế lớn, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tham gia Lực lượng Giữ gìn hòa bình của LHQ để lại dấu ấn sâu đậm mỗi nơi đi qua. Từ một nước không có tên trên bản đồ thế giới, từ một nước mà khi nghĩ tới, các dân tộc trên thế giới nghĩ tới chiến tranh và đói nghèo, thì nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thành viên LHQ. Ngày 16/10/2007, Việt Nam đã được bầu đảm nhiệm vị trí Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008 - 2009 với 183/190 phiếu bầu, đạt 96%, trong khi chỉ cần 127 phiếu. Đặc biệt, ngày 7/6/2019, Việt Nam đã lần thứ 2 được bầu vào vị trí Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193). Năm 2019, với rất nhiều các địa điểm được đưa ra để cân nhắc cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2, Hà Nội của Việt Nam đã được lựa chọn. Đó là minh chứng hùng hồn nhất về vị thế của Việt Nam, về hình ảnh, môi trường hòa bình của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có 17 đối tác chiến lược (trong đó có 3 đối tác chiến lược toàn diện) và 13 đối tác toàn diện. 
 
Năm 2020 đã đi qua với muôn vàn những khó khăn, thách thức của toàn cầu trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Cũng trong năm 2020 này, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vị trí Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, đặc biệt là vị trí Chủ tịch trong tháng 1/2020, Chủ tịch luân phiên của ASEAN và để lại nhiều dấn ấn sâu sắc. Đại hội đồng LHQ đã thông qua sáng kiến của Việt Nam với nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh. Đảng Cộng sản Việt Nam, một chính đảng vốn bị thực dân Pháp đô hộ đặt ra ngoài vòng pháp luật thì nay được hiến định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ có quan hệ với các chính đảng cộng sản và công nhân quốc tế mà còn có mối quan hệ với rất nhiều các chính đảng khác. Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ với 228 đảng tại 112 nước trên thế giới, trong đó có 59 đảng cầm quyền và 39 đảng tham chính (số liệu đầu năm 2020). Đại hội lần thứ XII của Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được 253 bức điện chúc mừng của các chính đảng, các nhà lãnh đạo trên thế giới. Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhận được 369 thư, điện mừng gửi tới Ðại hội. Việt Nam và Mỹ từ hai nước cựu thù trở thành đối tác toàn diện từ năm 2013. Đặc biệt, tuyên bố chung giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Trương Tấn Sang trong chuyến thăm Mỹ 2013 đã khẳng định “Hai bên tôn trọng thể chế chính trị của nhau”. Như vậy, kể từ tuyên bố chung này, phía Mỹ chính thức công nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là đối tác.
 
Trong tác phẩm nổi tiếng với tựa đề Dagestan của tôi có câu nói nổi tiếng: “Dân tộc nhỏ cần phải có dao găm lớn” và “Dân tộc nhỏ cần phải có bạn bè lớn”. Chắc chắn, với chủ trương đường lối nhất quán về đối ngoại, Việt Nam sẽ ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, sẽ cùng chung sánh bước với các quốc gia trên thế giới vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
 
HỒNG PHÚC