Thanh niên Bảo Lâm giúp nhau đổi công thu hái cà phê

07:12, 10/12/2020

"Đổi công thu hái cà phê" là mô hình đang được triển khai rộng khắp, mang lại hiệu quả thiết thực và thu hút hàng trăm đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện Bảo Lâm tham gia...

“Đổi công thu hái cà phê” là mô hình đang được triển khai rộng khắp, mang lại hiệu quả thiết thực và thu hút hàng trăm đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện Bảo Lâm tham gia. Không chỉ đổi công giúp các gia đình tiết kiệm chi phí thu hoạch, đảm bảo đúng thời vụ, mà thông qua mô hình này còn góp phần giúp đỡ các hộ nghèo, gia đình chính sách và đảm bảo an ninh trật tự trong vụ mùa cà phê.
 
Mô hình “Đổi công thu hái cà phê” đã và đang thu hút đông đảo bạn trẻ tại Bảo Lâm tham gia.
Mô hình “Đổi công thu hái cà phê” đã và đang thu hút đông đảo bạn trẻ tại Bảo Lâm tham gia.
 
Thời điểm này, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng nói chung và huyện Bảo Lâm nói riêng đang bước vào vụ thu hoạch cà phê 2020 - 2021. Cùng với Di Linh, thì Bảo Lâm được xem là 1 trong 2 vựa cà phê lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, với tổng diện tích gần 40.000 ha đang cho thu hoạch. Năm nay, giá cà phê xem như “đang giậm chân tại chỗ” từ 31.500 - 32.000 đồng/kg cà phê khô. Trong khi đó, giá nhân công thuê thu hái lại ở mức cao từ 320 - 350 ngàn đồng/ngày công hoặc từ 1.100 - 1.200 đồng/kg (theo hình thức thuê công hái kg). Tính ra, với giá nhân công như hiện tại, mỗi ha cà phê người nông dân phải bỏ ra từ 20 - 22 triệu đồng để thuê nhân công thu hái. Ngoài việc phải đối diện với giá cà phê thấp, giá nhân công cao thì người nông dân còn có nhiều nỗi lo trong mùa thu hoạch cà phê, mà đặc biệt là nạn trộm cắp hoành hành.
 
Dự báo trước thực trạng trên, ngay từ đầu niên vụ cà phê năm nay, Huyện đoàn Bảo Lâm đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình “Đổi công thu hái cà phê” tới các đoàn cơ sở xã, thị trấn trên địa bàn cùng triển khai thực hiện. Ghi nhận tại xã Lộc Bảo, hơn 10 ngày qua, tại 2 thôn Hang Ka và Thôn 3 lúc nào cũng rôm rả tiếng cười đùa của những bạn trẻ địa phương tham gia mô hình “Đổi công thu hái cà phê”. Cứ thế, hàng ngày, mỗi vườn cà phê của các gia đình thanh niên nơi đây luôn có 12 - 15 bạn trẻ đổi công cho nhau cùng thu hái. Nói về mô hình này, chị Nguyễn Thị Thái - Bí thư Đoàn xã Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm), cho biết: “Lúc đầu, khi mô hình triển khai tại 2 thôn Hang Ka và Thôn 3, chỉ có 3 - 5 bạn/thôn tham gia đổi công cho nhau. Nhưng rồi, qua triển khai cho thấy mô hình ngày càng thu hút ĐVTN tham gia đổi công nhiều hơn. Việc tham gia mô hình này đã và đang giúp các gia đình thanh niên tiết kiệm được chi phí thuê nhân công nhưng vẫn đảm bảo thu hoạch cà phê đúng thời vụ. Qua đó, góp phần tập hợp ĐVTN, tạo sự đoàn kết để xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh ngay từ cơ sở. Đặc biệt, mô hình còn góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống trộm cà phê, đảm bảo an ninh trật tự trong mùa thu hoạch loại cây này trên địa bàn”.
 
Ngoài xã Lộc Bảo, thì Lộc Bắc cũng là một trong những địa phương điển hình thực hiện có hiệu quả mô hình này và thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia. Cùng với việc đổi công cho nhau, ĐVTN xã Lộc Bắc còn tập hợp lực lượng giúp đỡ thu hái cà phê miễn phí cho các gia đình chính sách, gia đình có thanh niên đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và các hộ nghèo, người già neo đơn thiếu lao động. Chị Ka Bộ - Bí thư Đoàn xã Lộc Bắc, chia sẻ: “ĐVTN địa phương đã và đang hăng hái tham gia giúp nhau đổi công hái cà phê và mang lại nhiều kết quả tích cực. Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy trong mùa vụ năm nay, 4 gia đình có thanh niên nhập ngũ và hơn 10 hộ nghèo, người già neo đơn đang thiếu lao động thu hái cà phê. Từ thực tế này, Đoàn xã đã huy động các bạn trẻ triển khai thu hái cà phê miễn phí cho bà con. Qua đó, được người dân ủng hộ và đánh giá cao tinh thần nhiệt huyết vì cuộc sống cộng đồng của tuổi trẻ địa phương”.
 
Theo ghi nhận cho thấy, ở hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Bảo Lâm đều thành lập các tổ đổi công thu hái cà phê. Theo đó, mỗi tổ có từ 10 - 20 ĐVTN tham gia đổi công theo hình thức xoay vòng, gia đình ai có cà phê chín trước thì thu hái trước, lần lượt là các hộ tiếp theo. Theo anh K’Lam - Bí thư Đoàn xã B’Lá, hiện tại, 5/5 chi đoàn thôn đã thành lập tổ đổi công, với số lượng ĐVTN tham gia từ 10 - 12 người. “Cái hay của tổ đổi công là không chỉ tiết kiệm được chi phí thuê nhân công và thu hái kịp thời vụ, mà còn đảm bảo giữ được cành cà phê cho những vụ mùa sau tốt hơn. Ngoài ra, khi tham gia hái, các ĐVTN có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất, phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, mô hình đang góp phần hạn chế lao động từ ngoài địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả” - anh K’Lam chia sẻ.
 
Anh Lê Thái Sơn - Phó Bí thư Huyện đoàn Bảo Lâm, cho biết: “Sau hơn 2 tuần triển khai, mô hình “Đổi công thu hái cà phê” đã được tổ chức Đoàn tại nhiều địa phương thực hiện có hiệu quả như Lộc Thành, Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Ngãi, Lộc Lâm và B’Lá… thu hút hơn 500 ĐVTN tham gia đổi công cho nhau. Qua đó, góp phần giúp người dân địa phương giảm bớt đáng kể chi phí thuê nhân công và đảm bảo thu hoạch cà phê đúng thời vụ. Không những vậy, mô hình này còn góp phần cùng địa phương và các ngành chức năng thực hiện tốt công tác phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội trong mùa thu hoạch cà phê. Thông qua mô hình này, còn tạo sức lan tỏa và xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau của tuổi trẻ địa phương”.
 
KHÁNH PHÚC