Bác Hồ với công tác tuyên giáo

08:07, 31/07/2017

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc Việt Nam cũng chính là người đã khởi xướng, rèn luyện và để lại nhiều bài học quý báu cho đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng của Đảng. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc Việt Nam cũng chính là người đã khởi xướng, rèn luyện và để lại nhiều bài học quý báu cho đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng của Đảng. 
 
Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến công tác Tuyên giáo, Người đã có những lời dạy vô cùng quý báu về công tác này. Bác xác định và nhấn mạnh: Công tác Tuyên giáo phải xuất phát từ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng mà xác định nhiệm vụ, nội dung, phương pháp hoạt động; phải phục vụ đắc lực cho việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng và dân tộc ta.
 
Tại Hội nghị Tuyên huấn miền núi, ngày 31/8/1963, Bác đã nói: “Nhiệm vụ công tác tuyên huấn có thể chia ra hai mặt: một mặt là làm sao mưu lợi cho đồng bào; một mặt nữa là làm sao tránh được tệ hại cho đồng bào”. Để mưu lợi cho nhân dân và tránh tệ hại cho nhân dân, Bác chỉ rõ: Tính Đảng là nguyên tắc và nền tảng của công tác Tuyên giáo, nó bảo đảm cho các hoạt động Tuyên giáo của Đảng giữ vững lập trường giai cấp công nhân, phục vụ nhân dân; tính khoa học của công tác Tuyên giáo phải luôn luôn xuất phát từ thực tế khách quan, từ quy luật phát triển của xã hội, lấy đó làm cơ sở giải thích cho nhân dân hiểu một cách có căn cứ khoa học những vấn đề thực tiễn cách mạng đặt ra, để từ đó, họ hành động tự giác, có hiệu quả. Bác còn chỉ rõ: Quá trình tiến hành công tác Tuyên giáo phải đảm bảo tính chân thực, để nhân dân nhận thức đúng và hành động đúng đường lối của Đảng.
 
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ đã quan tâm đến công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo. Để hoạt động Tuyên giáo có hiệu quả, Bác đòi hỏi cán bộ Tuyên giáo phải nói và viết sao cho “phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc”, làm cho người nghe, người đọc “hiểu được, nhớ được và làm được”. Bác còn đòi hỏi cán bộ Tuyên giáo phải có phong cách đi sâu, đi sát cơ sở, đến những mũi nhọn của mặt trận sản xuất và chiến đấu, nơi có phong trào khá và cả những nơi có phong trào kém, phát hiện và giải đáp được những vấn đề do cuộc sống đặt ra. Bác nhấn mạnh: Chỉ có đi sâu vào thực tiễn đời sống xã hội thì mới tìm hiểu, đánh giá đúng thực chất tình hình công tác Tuyên giáo của địa phương, đơn vị; mới phát hiện được những vấn đề mới, nhân tố mới, những điển hình tốt, người tốt, việc tốt để cổ vũ, biểu dương, nhân rộng, đồng thời vạch ra những hiện tượng, những biểu hiện sai trái để phê phán, uốn nắn nhằm đẩy mạnh việc phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
 
Ngay cả những ngày đau nặng và sắp đi xa, Bác vẫn dành thời gian làm việc với các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương để nghe báo cáo tình hình chiến trường miền Nam, tình hình lũ lụt ở sông Hồng và không quên nhắc phải quan tâm việc phát hành loại sách “Người tốt, việc tốt” để tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tiên tiến trên các mặt sản xuất, chiến đấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì theo Bác “một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
 
Làm theo lời Bác dạy, 87 năm qua, trên suốt chặng đường dài cách mạng, trong kháng chiến và kiến quốc, Đảng ta luôn khẳng định công tác Tuyên giáo có vai trò đặc biệt, là một lĩnh vực trọng yếu trong công tác lãnh đạo, tuyên truyền, giáo dục, động viên nhân dân thực hiện nhiệm vụ cách mạng ở mọi thời kỳ, mọi chặng đường đất nước. Trong công cuộc đổi mới, công tác Tuyên giáo đã có nhiều tiến bộ, từng bước vươn lên hoàn thành nhiệm vụ, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, khơi dậy phong trào cách mạng của nhân dân, tạo ra những nhân tố cơ bản để cả nước phấn đấu đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng về kinh tế -  xã hội, quốc phòng - an ninh. 
 
Là một tỉnh miền núi, trong công cuộc đổi mới hiện nay, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi Lâm Đồng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng với sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh nên đã giữ vững ổn định chính trị, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; những thành tựu đó, có sự đóng góp của công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo của Đảng bộ. Những năm gần đây, công tác Tuyên giáo của tỉnh đã có những đổi mới đáng kể trong việc tổ chức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; nội dung, phương pháp có nhiều đổi mới, nâng dần về mặt chất lượng. Việc tuyên truyền, giáo dục nhân các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước được triển khai tích cực, góp phần khơi dậy và khích lệ niềm tự hào dân tộc và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; Tham mưu cho Tỉnh ủy triển khai nhiều nhiệm vụ trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, khoa giáo, đấu tranh chống âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
 
Thấm nhuần lời dạy của Bác, nhằm phát huy truyền thống 87 năm Ngành Tuyên giáo, trong giai đoạn mới của cách mạng, đòi hỏi ngành Tuyên giáo trong tỉnh tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác giáo dục chính trị tư tưởng; chủ động đi trước trong dự báo để tham mưu, phối hợp tuyên truyền, giải quyết những vấn đề quan trọng, bức xúc của toàn xã hội góp phần định hướng, ổn định tình hình tư tưởng, tạo sự nhất trí trong Đảng bộ và sự đồng thuận xã hội, chủ động và tích cực đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước; tập trung tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, triển khai có hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. 
 
Trước những yêu cầu, nhiệm vụ trên, đòi hỏi đội ngũ làm công tác tuyên giáo của tỉnh phải vững vàng về bản lĩnh chính trị, không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Cán bộ tuyên giáo phải tâm huyết, gắn bó, say mê với nghề nghiệp, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Gương mẫu thực hiện những chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức ngành Tuyên giáo Lâm Đồng.
 
PHAN VĂN PHẤN