Không ai được phép lãng quên

04:07, 26/07/2017

(LĐ online) - Bằng trách nhiệm và nghĩa tình, chính sách chăm sóc người có công và công tác "Đền ơn đáp nghĩa" tại Lâm Đồng trong những năm vừa qua đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực.

(LĐ online) - Bằng trách nhiệm và nghĩa tình, chính sách chăm sóc người có công và công tác “Đền ơn đáp nghĩa” tại Lâm Đồng trong những năm vừa qua đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực.
 
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến – UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm và tặng quà cho mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Trị
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến – UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm và tặng quà
cho mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Trị
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cũng như trong chiến đấu truy quét phản động Fulro, Lâm Đồng là địa bàn chiến lược của Tây Nguyên. Là vùng nằm sâu trong lòng địch kiểm soát, chiến trường khó khăn, ác liệt, nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh, bị thương trên địa bàn tỉnh thuộc diện được giải quyết chế độ chính sách. 
 
Một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác thương binh – liệt sĩ của Lâm Đồng chính là việc Quân khu 6 giải thể ngay sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy của Khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu được điều động đi khắp các tỉnh nên việc nắm bắt thông tin về sơ đồ mộ chí, truy tìm tung tích, thực hiện chế độ thương binh liệt sĩ mất rất nhiều thời gian và công sức. Hơn nữa, phần lớn đối tượng chính sách hiện nay do tỉnh quản lý đều được lập hồ sơ và giải quyết chế độ ở các tỉnh khác, sau đó mới chuyển vào Lâm Đồng để thực hiện chi trả trợ cấp. 
 
Thông qua giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, trong những năm qua, Lâm Đồng đã phát hiện, xử lý cắt, thu hồi trợ cấp 24 trường hợp không đủ điều kiện để hưởng chính sách. Từ năm 2012 đến nay, số trường hợp giả mạo, khai man hồ sơ và không đủ các điều kiện để hưởng trợ cấp là 51 trường hợp, chiếm 0,44% tổng số đối tượng hưởng trợ cấp người có công của tỉnh (11.669 người). 
 
Cũng theo chỉ đạo của Bộ LĐ – TB&XH về việc rà soát hồ sơ chuyển đến, chuyển đi giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước, tỉnh đã phát hiện 27 hồ sơ giả mạo giấy tờ để hưởng chính sách, qua đó chuyển các cơ quan pháp luật để điều tra, truy tố và xét xử theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bằng trách nhiệm và nghĩa tình dành cho người có công cũng như sự vào cuộc của toàn xã hội, của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, việc tổ chức thực hiện công tác chính sách trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

 
Hiện tại, Lâm Đồng đã hoàn thành việc xác nhận, giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh; lập hồ sơ giải quyết chế độ bệnh binh; trợ cấp một lần cho các đối tượng là người dân tộc hoạt động kháng chiến trên địa bàn tỉnh đã về gia đình chưa được hưởng chính sách bằng nguồn ngân sách địa phương; tổng số đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng là trên 10.000 người với số tiền chi trả hàng tháng là 16,2 tỷ đồng.
 
Thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 14/12/2006 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, UBND tỉnh đã chí đạo ngành LĐ – TB&XH phối hợp với các ngành, các cấp ở địa phương triển khai thực hiện và vận dụng hàng loạt các chính sách để hỗ trợ cho các gia đình người có công. 
 
Bà Lê Thị Thêu – Phó Giám đốc Sở LĐ – TB&XH cho biết: “Tỉnh đã ưu tiên cho người có công trong việc thuê hoặc mua nhà thuộc sở hữu nhà nước, cấp đất sản xuất, đất thổ cư, mặt bằng kinh doanh, miễn giảm thuế nhà đất, miễn giảm học phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế… nhằm tạo điều kiện cho các gia đình chính sách trên địa bàn từng bước ổn định cuộc sống. Đồng thời, trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội hàng năm, tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng”. 
 
Ngành LĐ – TB&XH cho biết thêm, trong dịp lễ tết, lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà, động viên đối tượng người có công với cách mạng từ nguồn ngân sách của tỉnh, bình quân khoảng 35 tỷ đồng mỗi năm. Hoạt động nổi bật trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa” ở Lâm Đồng chính là vận động nguồn lực từ cộng đồng để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách. Tính từ 2007 đến nay, tỉnh đã vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên 34 tỷ đồng để xây dựng mới và sửa chữa trên 1000 căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng người có công.
 
Theo báo cáo của UBND tỉnh, các ngành, đoàn thể, địa phương đã có nhiều hình thức giúp đỡ các gia đình chính sách vươn lên trong cuộc sống như: Trợ cấp vốn vay ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Đến nay, 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã được các đơn vị, cá nhân nhận phụng dưỡng đến cuối đời với kinh phí hỗ trợ trên 1.000.000đ/tháng. Ngoài ra, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện tốt các chế độ ưu đãi khác cho đối tượng, gia đình chính sách như: Hỗ trợ học phí, mỗi năm chi trả cho khoảng 2.000 học sinh, sinh viên với số tiền trên 5,4 tỷ đồng; thực hiện tốt chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, thi tuyển; mua thẻ BHYT cho khoảng 10.000 đối thượng, với kinh phí gần 5,5 tỷ đồng/năm; trang cấp dụng cụ chỉnh hình hàng năm cho trên 200 thương binh; thực hiện chế độ điều dưỡng hàng năm cho 3.400 đối tượng số tiền 4,7 tỷ đồng.
 
Thắp hương tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ
Thắp hương tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ. Ảnh: Văn Báu
Trong một bài phát biểu gần đây, ông Phan Văn Đa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “ Những năm gần đây, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được phát huy và nhân rộng ở các khu dân cư đến xã, phường, thị trấn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, 95% người có công có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của dân cư cùng địa bàn cư trú”.
 
Có thể nói, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của Lâm Đồng thời gian vừa qua luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của các ngành, các cấp, đặc biệt là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và đoàn thể các cấp đã tích cực vận động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực tạo nguồn lực để hỗ trợ cho các đối tượng chính sách. Nâng cao đời sống cho các gia đình người có công, việc làm này này không chỉ đơn thuần là giúp họ thay đổi mà còn góp phần vào sự ổn định tình hình chính trị trên địa bàn, củng cố lòng tin của nhân dân và đối tượng chính sách vào chế độ, khơi dậy được đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần giáo dục thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
 
Chăm sóc người có công, không chỉ thể hiện truyền thống nhân văn, đạo lý tốt đẹp từ hàng ngàn đời nay của dân tộc, mà còn bởi mỗi chúng ta, những người đang sống trong hạnh phúc và yên bình, không một ai được phép lãng quên máu xương mà thế hệ ông cha đã từng đổ xuống để đắp xây nên ngày hôm nay.
 
Linh Đan