Nghị quyết trúng sẽ lãnh đạo đúng hướng

08:08, 04/08/2017

Để du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, Huyện ủy Lạc Dương đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch trên địa bàn huyện Lạc Dương giai đoạn 2017 - 2020. Nghị quyết bước đầu đã khẳng định một quyết sách đúng và đang thật sự "thấm" vào cuộc sống.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, Huyện ủy Lạc Dương đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch trên địa bàn huyện Lạc Dương giai đoạn 2017 - 2020. Nghị quyết bước đầu đã khẳng định một quyết sách đúng và đang thật sự “thấm” vào cuộc sống.
 
Lạc Dương là huyện phụ cận thành phố Đà Lạt, có vị trí địa lý thuận lợi, thiên nhiên ưu đãi, khí hậu trong lành, quanh năm mát mẻ, với nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ động thực vật phong phú, văn hóa giàu bản sắc dân tộc hứa hẹn nhiều tiềm năng du lịch hấp dẫn. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã định hướng, có chủ trương đúng đắn để ưu tiên phát triển du lịch. Theo đó, các loại hình du lịch trên địa bàn gắn với không gian văn hóa cồng chiêng, khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang, di tích quốc gia núi Lang Biang, hồ Đan Kia - Suối Vàng,... đã và đang được khai thác phục vụ du lịch rất hiệu quả. Mạng lưới các cơ sở du lịch được mở rộng; cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng phục vụ du lịch được đầu tư nâng cấp, sản phẩm du lịch ngày một đa dạng, chất lượng phục vụ ngày càng cao. Môi trường du lịch được cải thiện, công tác quản lý nhà nước được tăng cường; tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các khu du lịch được đảm bảo. Các loại hình dịch vụ bổ trợ có bước phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu dịch vụ, thông tin, trải nghiệm của du khách. Thống kê của ngành chức năng cho thấy, giai đoạn 2011 - 2016, tổng lượng khách du lịch đến địa phương đạt 6,3 triệu lượt, tổng doanh thu đạt 370,7 tỷ đồng, lượng khách tăng bình quân hằng năm 9,4%, doanh thu tăng bình quân 19,6%. 
 
Lạc Dương đang nỗ lực phấn đấu từ nay đến 2020 đón khoảng 1,8 - 2 triệu lượt khách; nâng tỷ lệ khách quốc tế từ 1% hiện nay lên trên 6%; doanh thu từ du lịch đạt khoảng 163,2 tỷ đồng; thu hút khoảng 1.000 lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch; trong đó, có 70% lao động trực tiếp qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ; trên 10 cơ sở lưu trú du lịch, tổng số phòng lưu trú đạt khoảng 170 phòng (tăng 30% so với năm 2016); xây dựng và phát triển 1 - 2 mô hình du lịch dựa vào cộng đồng đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, tình hình thu hút và triển khai đầu tư các dự án về du lịch vẫn còn khó khăn, chưa hiệu quả. Nhiều dự án còn chậm triển khai, kéo dài, để rừng bị xâm hại.

 
Phân tích về nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên, Bí thư Huyện ủy Lạc Dương cho rằng: Về khách quan là do tình hình thế giới diễn biến phức tạp; tình hình sản xuất kinh doanh trong nước còn khó khăn, nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch còn thấp, năng lực tài chính của một số nhà đầu tư hạn chế. Ở địa phương, các dự án phát triển du lịch hầu hết trong phạm vi đất lâm nghiệp, đã tác động không nhỏ đến việc đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch. Về chủ quan là do nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân địa phương về vai trò, vị trí của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội; công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến để giới thiệu tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch chưa được chú trọng đúng mức, hiệu quả chưa cao. Mặt khác, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch còn chậm; huy động nguồn lực gặp nhiều khó khăn; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý hoạt động du lịch thiếu chặt chẽ; việc liên kết các điểm, tuyến du lịch còn mang tính tự phát, thiếu bền vững.
 
Vấn đề đặt ra là nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện cho toàn hệ thống chính trị Lạc Dương đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch của chính quyền các cấp trong huyện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò quan trọng của phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay, tạo sự đồng thuận và nhất quán về quan điểm xác định phát triển du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
 
Kịp thời xây dựng đề án, kế hoạch phát triển du lịch nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương trên nguyên tắc phát triển du lịch bền vững, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ tài nguyên và môi trường, cảnh quan thiên nhiên, nhất là trong Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang; bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc của địa phương.
 
Tập trung triển khai thực hiện tốt các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh về đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, trước hết cần tập trung thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ cung cấp thông tin, giải phóng mặt bằng, đào tạo lao động phù hợp đối với các lĩnh vực du lịch mà địa phương có tiềm năng... Quy hoạch mạng lưới cơ sở du lịch trên địa bàn phù hợp với Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Rà soát, điều chỉnh hoặc đề nghị điều chỉnh quy hoạch một số dự án du lịch cho phù hợp với tình hình và nhu cầu phát triển trong tương lai trên dọc tuyến Quốc lộ 27C, Tỉnh lộ 722, đường Trường Sơn Đông, thị trấn Lạc Dương. 
 
Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các tour, tuyến du lịch trên địa bàn huyện theo quy hoạch. Hình thành một số cụm, tuyến du lịch trải nghiệm gắn với dịch vụ bổ trợ để tạo ra loại hình du lịch đặc trưng như: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch nông nghiệp, du lịch mạo  hiểm, du lịch dựa vào cộng đồng…
 
Đẩy mạnh hoạt động thông tin quảng bá, xúc tiến đầu tư. Tận dụng và phát huy hiệu quả những mặt tích cực của hệ thống thông tin hiện đại để quảng bá, giới thiệu về bản sắc văn hóa, con người, cảnh quan thiên nhiên, đặc sản nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện Lạc Dương đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước... 
 
Ngoài việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên, Lạc Dương cần tăng cường các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với du lịch. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho ngành du lịch.  Đặc biệt, trong phát triển du lịch, cần tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức, ý thức tự giác trong việc giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, ứng xử văn minh, thái độ cởi mở, chân thành với du khách. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh du lịch, bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá và kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...
 
NGUYỆT THU