Công tác Tuyên giáo của Đảng: vị trí và tầm quan trọng đặc biệt

08:07, 31/07/2020

(LĐ online) - Năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (Khoá VIII) quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày Truyền thống công tác Tư tưởng - Văn hóa của Đảng...

(LĐ online) - Năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (Khoá VIII) quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày Truyền thống công tác Tư tưởng - Văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.
 
Việc lấy ngày 1-8-1930 được đánh dấu bằng sự kiện Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Đông Dương khi ấy xuất bản tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1-8” nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô-Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân, hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc. Đây là tài liệu duy nhất, sớm nhất còn lưu giữ cho đến nay đề rõ“Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành”. Ngay khi tài liệu được phát hành gây được dư luận rất lớn trong xã hội đương thời và có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng. Từ đó, ngày 1-8 trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng.
 
Lúc sinh thời, đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư của Đảng nói rằng công tác Tuyên giáo của Đảng là ngành “già” nhất bởi nó ra đời còn trước cả sự ra đời của Đảng. Trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng của Đảng, công tác Tuyên giáo giữ vị trí, vai trò quan trọng bậc nhất.
 
Đối với việc ra đời một chính đảng nói chung, đặc biệt là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngoài những điều kiện, tiền đề khác nhau, có 3 điều kiện quan trọng nhất đó là: lý tưởng của Đảng, mục tiêu chính trị của Đảng và mục đích của Đảng. Lý tưởng của Đảng để xác lập đội ngũ mà Đảng xác định sẽ đại diện, tức Đảng ra đời để đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp, tầng lớp nào. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định ra đời đấu tranh vì quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Lý tưởng của Đảng được thể hiện ở hệ tư tưởng mà Đảng lấy làm nền tảng, làm kim chỉ nam cho hoạt động của mình. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh (lấy tư tưởng Hồ Chí Minh từ Đại hội VII năm 1991) làm nền tảng tư tưởng của Đảng. 
 
Khi đã xác định lý tưởng của Đảng, Đảng phải biến lý tưởng ấy thành mục tiêu và nhiệm vụ chính trị. Mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng được thể hiện trọn vẹn và đầy đủ trong Cương lĩnh chính trị của Đảng. Cương lĩnh chính trị là văn bản trình bày những nội dung cơ bản về mục tiêu, đường lối, nhiệm vụ và phương pháp cách mạng trong một giai đoạn nhất định. Ở Việt Nam, ngay khi ra đời, Đảng đã ban hành bản Cương lĩnh chính trị đầu tiên là Chính cương vắn tắt. Cho đến nay, tùy từng giai đoạn lịch sử cách mạng khác nhau mà Đảng ban hành các cương lĩnh khác nhau, đó là: Luận cương chính trị 10-1930, Chính cương 1951, Cương lĩnh 1991 và Cương lĩnh 2011.
 
Khi đã có mục tiêu và nhiệm vụ chính trị, Đảng phải biến mục tiêu và nhiệm vụ chính trị ấy mau chóng đi đến mục đích. Mục đích cuối cùng của Đảng là giành và giữ chính quyền. Giành và giữ chính quyền để sử dụng Nhà nước như một công cụ nhằm triển khai có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng là đấu tranh giành độc lập, đem lại âm no hạnh phúc cho nhân dân. Mục tiêu của Việt Nam hiện nay dưới sự lãnh đạo của Đảng là Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 
Như vậy có thể thấy, trước khi giành được chính quyền, Đảng phải tiến hành công tác Tuyên giáo thật hiệu quả để người dân hiểu đường lối của Đảng, hiểu mục tiêu chính trị của Đảng, đi theo Đảng làm cách mạng giành chính quyền. Thế nhưng, lúc sinh thời Lênin đã từng cảnh báo “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn”. Khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền, tất cả chính sách, pháp luật của Nhà nước đều là sự thể chế hóa từ đường lối lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, không chỉ làm công tác Tuyên giáo lúc chưa giành được chính quyền mà khi đã giành được chính quyền, xây dựng xã hội mới Đảng càng cần phải tiến hành thật tốt công tác Tuyên giáo nhằm giúp người dân hiểu đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước để tin tưởng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối, chính sách ấy. Vì lẽ ấy, công tác Tuyên giáo khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền quan trọng không kém khi Đảng chưa trở thành Đảng cầm quyền. Và, mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm Đảng đều phải quan tâm và làm thật tốt công tác này.
 
90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giành được những thắng lợi vĩ đại. Những thắng lợi vĩ đại này có nhiều đóng góp, trong đó có nguyên nhân quan trọng từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác Tuyên giáo.
 
Trong giai đoạn mới, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin hiện nay, công tác Tuyên giáo càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng nên đòi hỏi lĩnh vực Tuyên giáo của Đảng phải luôn chủ động, kiên định, kiên trì làm tốt công tác tư tưởng cho mọi tầng lớp nhân dân để những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước - nếu phù hợp - nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống. Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu của công tác Tuyên giáo là cần tăng cường tính khoa học, tính thuyết phục; tuyên truyền sâu rộng những giá trị mới của con người Việt Nam.
 
Xét trên tất cả các góc độ, công tác Tuyên giáo của Đảng luôn chiếm vị trí và tầm quan trọng hàng đầu. 
 
VŨ TRUNG KIÊN