''Cần sớm sửa đổi toàn diện Luật Đất đai nhằm nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý và sử dụng đất công''

06:06, 02/06/2022
(LĐ online) - Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 2/6/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
 
Đại biểu Nguyễn Tạo tham gia góp ý tại hội trường về lĩnh vực thực hành tiết kiệm chống lãng phí
Đại biểu Nguyễn Tạo tham gia góp ý tại hội trường về lĩnh vực thực hành tiết kiệm chống lãng phí
 
Chiều cùng ngày (14h00), Quốc hội thảo luận ở hội trường về: (1) Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; (2) Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
 
Với tinh thần tích cực, trách nhiệm, các đại biểu Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết. 
 
Đại biểu Nguyễn Tạo – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng bày tỏ quan điểm góp ý: 
 
Qua báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và qua giám sát tại địa phương về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021”, tôi xin tham gia một số ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như sau:
 
Một là, chính sách, pháp luật về đất đai về còn nhiều bất cập, trong đó có vấn đề về thị trường bất động sản, xác định giá trị quyền sử dụng đất; quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai; tình trạng tách thửa, phân lô bán nền, đầu cơ đất đai; không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, thời gian quy định nhưng không được xử lý kịp thời; chưa tạo ra động lực để đưa đất nông nghiệp vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Cần làm rõ sát giá thị trường và giá thị trường nhằm chống thất thu, nêu cao hiệu quả quản lý nhà nước. Vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu hơn trước khi sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, nhằm nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý và sử dụng đất công; có các chính sách để hạn chế tình trạng để đất hoang hóa, nhiều diện tích đất chưa hoặc không sử dụng trong thời gian dài, cương quyết thu hồi dự án chậm triển khai, có dấu hiệu găm đất và quy hoạch treo ở các địa phương...
 
Hai là, Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã có hiệu lực pháp luật, tuy nhiên kinh tế lâm nghiệp chưa được quan tâm và phát triển tương xứng, nhất là đối với các địa phương có diện tích đất rừng lớn nhưng chưa có nhiều chính sách để khuyến khích, hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng, việc lãng phí tài nguyên rừng vẫn đã và đang diễn ra rất phức tạp. Trong thời gian tới, cần tiến hành rà soát lại quy hoạch, kế hoạch quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các tài nguyên đất, nước, rừng, khoáng sản. Chính phủ cần có cơ chế chính sách, hỗ trợ lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng để nâng cao năng lực cũng như tăng cường lực lượng bảo vệ rừng, tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên thiên nhiên rừng… 
 
Ba là, xây dựng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức trong quản lý sử dụng tài sản công và sử dụng ngân sách nhà nước. Thực hiện chi ngân sách theo đúng chế độ, chính sách của Nhà nước; nâng cao chất lượng thẩm định, sử dụng vốn có hiệu quả. Thường xuyên rà soát các chế độ chính sách để có điều chỉnh, bổ sung, thay thế cho phù hợp thực tế. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực đã được quy định tại Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tập trung vào các lĩnh vực chi ngân sách như: Sử dụng kinh phí hoạt động của các cơ quan, tổ chức; kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia; kinh phí khoa học và công nghệ, đầu tư xây dựng cơ bản;...Kiên quyết, kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; đồng thời, thực hiện công khai đối với thông tin liên quan đến việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm. 
 
NGUYỆT THU