Một lần đến với Viên Chăn

03:11, 16/11/2011

Máy bay Vietnam airlines đảo một vòng trên bầu trời Viên Chăn (Vientiane). Từ ô cửa sổ máy bay chúng tôi thấy một hồ nước rộng hàng chục hécta của dòng Nậm Ngừng, bao bọc xung quanh là những mảng rừng đại ngàn xanh thẳm...

Máy bay Vietnam airlines đảo một vòng trên bầu trời Viên Chăn (Vientiane). Từ ô cửa sổ máy bay chúng tôi thấy một hồ nước rộng hàng chục hécta của dòng Nậm Ngừng, bao bọc xung quanh là những mảng rừng đại ngàn xanh thẳm. Thủ đô của nước bạn Lào anh em không sầm uất như Hà Nội, Băng Cốc, Phnôm Phênh.
 
Kiến trúc truyền thống của khách sạn ở Viên Chăn
Kiến trúc truyền thống của khách sạn ở Viên Chăn

Từ sân bay Viên Chăn vào đến trung tâm thủ đô chỉ hơn 4 cây số. Đập vào mắt chúng tôi đầu tiên là những bút tháp và mái chùa của Lào. Lào là đất nước có hơn 1.400 ngôi chùa lớn nhỏ. Thủ đô Viên Chăn là nơi tập trung của hàng trăm ngôi chùa có giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc tiêu biểu như: chùa Heavy Buddha, chùa Pra Keo có pho tượng Phật Phra Bang đúc bằng vàng tại Sri Lanka được vua Fa Ngum mang từ Angkor về Viên Chăn trong thế kỷ XIV; Chùa Si Muong, Chùa Wat Sisaket, chùa Ông Tự, Vat Ho Pra Kẹo (Vạt Pra Kẹo), That Luang (Thạt Luổng)… Chùa Wat Sisaket là ngôi chùa nhỏ có 6.840 tượng phật lớn nhỏ rất quý hiếm. Tượng được làm chủ yếu bằng chất liệu đồng, một số làm từ các vật liệu khác như gỗ quý, bạc, hoặc mạ vàng.

Từ cuối thế kỷ 13 dưới đời vua Fa Ngum, Phật giáo Tiểu thừa đã du nhập vào Lào. Nhưng đến cuối thế kỷ 17, Phật giáo mới được công nhận là Quốc giáo và được đưa vào chương trình giáo dục ở các trường học. Hồi giáo, Thiên Chúa giáo chiếm tỉ lệ nhỏ. Mỗi bản ít nhất là có một ngôi chùa. Khuôn viên của chùa rộng từ nửa hécta trở lên. Thanh niên khi đến tuổi trưởng thành phải vào chùa mặc áo cà sa tu tâm, học đạo làm người, ít nhất là một tuần, hoặc vài ba năm, sau đó mới về nhà lấy vợ. Nếu thuận duyên thì trở thành tu sĩ, rất được nhân dân kính trọng. Có phải đây là cơ sở cho thấy ở thủ đô Viên Chăn không xảy ra những vụ trộm cắp, giết người, cướp của, hiếp dâm?

Người dân ra đường luôn chấp hành luật lệ giao thông mà không mấy ai bị nhắc nhở. Tình cờ tôi đi bộ qua một ngã tư đèn xanh đèn đỏ, có một em học sinh đi học bằng xe máy không đội mũ bảo hiểm, anh công an trong bốt gác kêu vào nhắc nhở rồi cho đi; không thấy viết biên lai phạt. Những đoàn xe ô tô nối đuôi nhau trên đường rất đẹp, không thấy xe nào bấm còi inh ỏi xin vượt. Tiếng còi xe vang lên trong thành phố là rất hiếm hoi. Không khí thủ đô mà thật tĩnh lặng, không ồn ã, ầm ĩ. Theo thống kê của năm 2009, cứ 15 người dân có một xe ô tô. Phần lớn là loại xe bán tải của các hãng Toyota, Huyndai, Ford, Honda… Xe tư nhân bảng số màu vàng. Xe khách màu trắng. Xe Nhà nước màu xanh. Xe công an màu đỏ. Trên đường rộng thênh thang. Không ai cố tình vượt qua nhau. Một thủ đô thật ấn tượng. Nhân dân hiền lành và trên đôi môi của họ lúc nào cũng thường trực một nụ cười tươi.

Chúng tôi vào thăm một trường đại học tại thủ đô có rất nhiều xe ô tô, hỏi ra mới biết là xe của sinh viên đi học. Khuôn viên nhà trường rộng lớn hơn trường đại học Đà Lạt. Cây xanh và bãi cỏ trong trường rất nhiều nên tạo được bóng mát cho sinh viên khi nghỉ trưa ở đây. Nhiều nhóm sinh viên ngồi chơi và học bài trên bãi cỏ. Ngoài khuôn viên và các dãy phòng học, thư viện, phòng thí nghiệm… nhà trường còn có một ký túc xá nằm đối diện bên kia đường. Trường còn có khoa dạy tiếng Lào cho sinh viên các nước. Hệ đào tạo của trường chỉ cấp bằng thạc sĩ, không đào tạo tiến sĩ. Các sinh viên ở đây rất lễ phép. Khi gặp chúng tôi, không biết khách lạ hay quen, các em đều dừng lại cúi đầu chào. Những ngôi nhà phần lớn xây dựng theo kiểu kiến trúc của Pháp như ở Đà Lạt. Chính phủ cho phép tư nhân xây nhà cao nhất là 4 tầng. Các cơ quan nhà nước cao nhất là 7 tầng. Chỉ có một khách sạn của Malaysia là xây… vượt nhiều tầng nằm ngay ven sông Mê Kông. Ở thủ đô Viên Chăn còn có khải hoàn môn Patuxay nằm cuối đại lộ Lan Xang (Lạng Xạn) hay đại lộ Thanon Luang về phía Đông Bắc là một biểu tượng chiến thắng của người Lào. Có lẽ, Viên Chăn là thủ đô duy nhất trên thế giới đến nay vẫn còn dùng bản (làng) để đặt tên. Khi đi lạc, du khách chỉ cần nói tên bản là người dân hướng dẫn rất tận tình.

Trong những ngày ở Lào, chúng tôi vào thăm trường tiểu học ở một bản nghèo, cách thủ đô Viên Chăn khoảng 13 cây số. Ông N.chinđa (68 tuổi) nguyên là giáo viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học bản Phôn Thong cho biết: Ông dạy học ở đây từ năm 1968 đến năm 2000. Trường này chỉ có lớp 1 đến lớp 5. Bản Phôn Thong có 60 ha lúa cấy một vụ, 222 căn nhà, 195 hộ với 912 người, trong đó có 412 nữ. Nghề nghiệp chính của bà con trong bản là trồng lúa. Trưởng bản là ông Kađăm Inthapanha. Mấy năm nay, Nhật Bản có viện trợ làm trường học cho bản, nhưng trường đã xuống cấp. Đây là ngôi trường mà Tập đoàn Quốc tế Mưa Việt dự định sẽ đầu tư xây dựng lại trong tương lai.

Chúng tôi đã có dịp đi đến các nhà hàng ở Lào để thưởng thức những món ẩm thực của đất nước họ. Vừa xuống sân bay, như đã hẹn, nhà thơ Văn Thảo Nguyên, trước đây là Phó Tổng biên tập Báo Lâm Đồng đầu tiên (1977- 1981) đón chúng tôi về khách sạn nằm trên đường Francois ngin thuộc Bản My Say; rồi đưa đi nhà hàng ăn buffet có món lẩu băng chuyền. Giá cả ở đây rất rẻ. Chúng tôi có 4 người chỉ tiêu hết 208.000 kip, tương đương 500.000 đồng Việt Nam. Trong giao dịch tiền tệ, người dân Lào sử dụng tiền kip (tiền tệ chính của Lào), đô la Mỹ, đô la Hồng Kông, tiền bath của Thái Lan. Cứ 100 đô la Mỹ đổi được 800.000 kip (tiền Lào).
 
Hôm sau, chúng tôi đi tham quan một điểm casino và sân golf 18 lỗ ở phía bắc tỉnh Viên Chăn, cách thủ đô khoảng 23 cây số. Đây là casino do Malaysia đầu tư gần 10 năm rồi. Khách bây giờ rất ít, lèo tèo được vài chiếc xe ô tô. Con đường dẫn vào casino được trải nhựa nóng hai làn đường; xe qua lại không nhiều. Về lại thủ đô, chúng tôi xuống một nhà hàng nổi được thiết kế nằm trên sông Nậm Ngừng. Nậm Ngừng là một nhánh sông từ Mê Kông chảy qua. Chủ là một người Mỹ gốc Lào về nước đầu tư mở nhà hàng. Các nhà hàng trên sông nối sát nhau. Thuyền lợp bằng lá tranh, kiểu kiến trúc của Lào. Phía bờ bên kia cũng có các thuyền nhỏ nối nhau thành nhà hàng lớn. Quan sát thấy rất nhiều xe ô tô đến ăn trưa. Khách là những người dân bình thường. Quan chức và nhân dân không có sự phân biệt. Mọi người đều bình đẳng như nhau. Khoảng cách giàu nghèo ở Lào không thể nhận ra.

Chúng tôi gọi một con gà nướng. Nhân viên là thiếu nữ Lào, mặc váy thêu hoa văn từ tốn cắt từng khúc thịt nhỏ. Hai chiếc đùi gà ưu tiên cho hai người lớn tuổi. Thịt gà ăn với xôi Lào. Xôi Lào được nấu chín và để trong tuýp. Tuýp được đan bằng mây. Với người Lào, ăn xôi cũng phải đúng cách. Sau khi tháo nắp tuýp, thì lấy tay bốc ra một miếng xôi vừa phải. Khi ăn nhúm từng nhúm nhỏ chấm với thức ăn. Khi ăn gần xong, nhớ để lại một ít xôi. Nếu ăn hết là không nên. Ăn xong thì đậy nắp tuýp lại. Theo quan niệm ở đây: Nếu không đậy nắp lại phụ nữ thì ngoại tình; đàn ông thì thêm vợ. Đúng sai thế nào chưa rõ, nhưng nghe ra cũng sợ. Một món ăn ấn tượng khác là món nộm, nhà hàng thêm ớt nên rất cay. Và một món cá được làm như món gỏi Việt Nam. Món ăn này còn kèm theo rau muống, rau cải, đậu leo và dưa chuột cắt lát to. Chúng tôi uống bia Lào. Một bữa ăn rất ngon, chỉ có… 240.000 kip.

Một buổi sáng thức dậy, sau khi chờ buffet ở khách sạn, chúng tôi tranh thủ đọc tờ tạp chí tiếng Anh Champa Holidays của Lào. Trong đó có bài DOS & DON’TS IN LAOS vẽ bằng tranh và chú thích bằng tiếng Anh. Có những đoạn như: Không được hôn nhau nơi công cộng. Không được gác chân, không để chân cao hơn đầu người. Không được xoa đầu người khác, dù người đó nhỏ tuổi. Không được băng qua trước mặt khi có người đang ngồi. Ăn nói nhỏ nhẹ, không la hét hay lớn tiếng giữa đám đông. Khi chụp hình phải hỏi ý kiến người được chụp có đồng ý không. Không được tặng quà cho trẻ nhỏ, mà gởi cho trưởng bản hoặc người lớn tuổi trao lại, phân phát. Không được tắm truồng nơi công cộng. Khi vào nhà người Lào phải cởi giày. Lào là đất nước Phật giáo, nhà sư rất được tôn trọng. Bài viết nhắc nhở phụ nữ không được đụng vào nhà sư hay nắm áo cà sa của nhà sư đang mặc… Rất nhiều điều nhắc nhở nhẹ nhàng mà sâu sắc.
 
Một Khu du lịch  - nhà hàng bên sông Mê Kông
Một Khu du lịch - nhà hàng bên sông Mê Kông

Chúng tôi cũng tranh thủ tìm đến các quán ăn Việt, phở Việt. Khác ở quê nhà, phở ở đây thường kèm theo dưa chua, món đậu đũa, cà pháo ngâm dấm. Món thịt dê ở Lào cũng được khai thác. Ngoài những món nướng, hấp như Việt Nam, chúng tôi thấy có món dồi dê, món tiềm dê. Ăn rất lạ và ngon.
 
Ở quán thịt dê này, chúng tôi gặp một anh công nhân xây dựng người Hà Tĩnh sang đây làm ăn. Qua trò chuyện, được biết, công ty trước đây của anh đã về Việt Nam, anh ở lại xây dựng cơ ngơi và giàu có bạc tỷ. Hiện nay công ty xây dựng do anh thành lập cũng đang ăn nên làm ra.

Chúng tôi đến một quán thịt vịt. Biết chúng tôi là người Việt, chủ quán mở ngay băng ca nhạc karaoke “Tình Việt Lào”. Món thịt vịt ở đây cũng lạ, các chân vịt được nấu riêng và thêm nhiều gia vị.

Ở Viên Chăn, một cốc cà phê đen có giá 13.000 Kip, tương đương 30.000 tiền Việt. Uống cà phê ở đây cũng lạ. Khi khách đến yêu cầu, nhân viên mới bắt đầu đổ cà phê nhân vào máy rang và xay, sau đó mới dùng nước sôi để pha. Đường pha cà phê có màu vàng do Lào sản xuất và đặt trong một lọ bằng gỗ. Nhân viên rất lịch sự nhỏ nhẹ.

Những lúc khác, chúng tôi đi xe ô tô trên một cầu sắt được làm cách đây khoảng 20 năm. Từ ngày có cây cầu này nhân dân đi lại thuận lợi hơn nhiều. Cư dân hai bên thông thương thuận lợi. Phía gần đầu cầu có một trạm thu phí. Tôi đi trên nước Lào mấy ngày nhưng đây là lần đầu tiên thấy trạm thu phí. Trạm thu phí này, nhà nước giao cho làng bản quản lý. Xe ô tô chúng tôi vượt qua con đường 450. Đó là con đường dài hơn 10 cây được trải bằng bê tông rộng 4 làn đường; ở giữa là hai hàng cột điện, đêm đêm đều thắp sáng. Con đường được xây dựng nhân dịp kỷ niệm 450 năm thành lập thủ đô Viên Chăn bằng nguồn kinh phí của Chính phủ.

Ở Viên Chăn có Chợ Sáng là nơi hội tụ buôn bán, nhiều người qua lại. Chúng tôi còn tranh thủ ra đến cửa khẩu giáp biên giới với Thái Lan để được mắt thấy tai nghe chuyện buôn bán làm ăn ở đây. Hàng hóa bày bán chủ yếu là của Thái Lan, Trung Quốc. Hàng Việt rất hiếm. Tôi thoáng thấy có gói mít sấy của Việt Nam nằm lọt thỏm giữa hàng hóa của các nước khác. Giá cả rất rẻ. Đến một casino giáp biên giới, vào cửa tất cả điện thoại, máy ảnh đều phải gởi lại quầy. Người vào chơi ở casino phải đi qua cửa kiểm tra an ninh như ở ngoài cửa khẩu hải quan. Chúng tôi dành thời gian đi thăm Trung tâm chứng khoán của Lào. Trung tâm chứng khoán vừa được xây dựng rất lớn trên một diện tích khá rộng rãi. Lên lầu 7 để xem sàn giao dịch, sàn hình thành mới hai tháng nên còn đơn điệu lắm. Chủ yếu là mã chứng khoán của Viettel liên kết với Lào.

Ở Viên Chăn người bán hàng rong rất ít. Chủ yếu là người Việt ở gần biên giới Việt Lào sang bán hàng, hay công nhân tranh thủ ngày nghỉ làm thêm. Họ chào hàng đơn giản. Ai đồng ý thì mua, không thì thôi. Họ không chèo kéo, giành giật. Không thấy người bán vé xổ số, đánh giày, kính mát hay hàng tạp hóa khác. Dường như nếp sinh hoạt ở đây cũng ảnh hưởng đến tâm tính của người phương xa về đây lập nghiệp. Một thủ đô bình lặng, dễ thương.

Trong những ngày trước khi rời Viên Chăn, chúng tôi quyết định không đi bằng xe ô tô mà thuê một chiếc xe máy, đội mũ bảo hiểm đi quanh thành phố. Giá thuê xe một ngày đêm là 60.000 Kip. Gởi lại hộ chiếu và đưa tiền ngay cho người cho thuê xe. Xe đi trong 24 giờ. Ban đêm để xe ngoài đường không ai lấy cắp. Người thuê xe tự đổ xăng để đi.

Đi suốt buổi sáng thì hết thủ đô Viên Chăn. Chúng tôi qua những con phố và nhận thấy, bảng hiệu quảng cáo ở đây đơn giản, trật tự ngăn nắp. Các công ty rượu bia nước ngoài như Chivas, Carisberg... đều có trưng bảng quảng cáo. Đặc biệt, các bảng hiệu bao giờ chữ Lào vẫn ở trên cao, to hơn các chữ nước khác. Đi qua cơ sở của Hoàng Anh Gia Lai tại thủ đô. Một vài bảng hiệu tiếng Việt. Riêng người Trung Quốc có nguyên một dãy phố. Chúng tôi đi thử xe tuk tuk, giống như loại xe lam ba bánh ở Việt Nam. Chỉ có hai khách xe cũng chạy. Giá cả loại xe này cũng mềm.
 
Khách sạn hai sao tại thủ đô ở một đêm cũng khoảng 450.000 đồng Việt Nam, so với Đà Lạt cũng không cao lắm.

Đến với Viên Chăn có nhiều con đường. Nếu đi bằng máy bay, từ Đà Lạt ra Hà Nội, rồi đi Viên Chăn hoặc từ Sài Gòn bay thẳng qua Viên Chăn. Trạm trung chuyển là Sân bay quốc tế Phnôm Pênh. Du khách có thể đi theo đường bộ bằng ô tô từ Đà Nẵng, Huế qua Viên Chăn là 30 đến 31 đô la Mỹ; từ Hà Tĩnh khoảng 17 đô la Mỹ qua cửa khẩu Cầu Treo. Nước Lào có chung đường biên giới với Việt Nam kéo dài từ Lai Châu tới Kontum với nhiều cửa khẩu quốc tế. Nếu ở phía Bắc có thể đi theo tuyến Hà Nội - Cửa khẩu Na Mèo - Sầm Nưa - Cánh đồng Chum - Cố đô Luang PraBang - Luang Namtha - Oudomxay về cửa khẩu Tây Trang tỉnh Điện Biên. Nếu vào mùa khô có thể từ Luang Namtha đi Houei Xai tham quan ngã ba biên giới Miama, Lào, Thái Lan ở Tam Giác Vàng. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (Laos) có tổng diện tích 236.800 cây số vuông, với số dân hơn 6 triệu người. Rừng và núi chiếm hầu hết diện tích của Lào. Lào có hai vựa lúa phì nhiêu là Viên Chăn và Savanakhet. Dòng sông Mê Kông chảy qua đất Lào dài hơn 4.500 cây số… 

Đất nước Lào còn có rất nhiều điều cần khám phá. Một lần đến Viên Chăn với sự giúp đỡ tận tình của nhà thơ Văn Thảo Nguyên, cháu Cường lái xe, bước đầu chúng tôi cảm nhận được đây là một đất nước con người thân thiện, gần gũi, hiền hòa, hiếu khách, thanh lịch. Một thủ đô bình lặng, yên ả, êm đềm và mãi mãi để lại trong chúng tôi những dấu ấn khó quên…

Vientiane 1.11.2011
 
Ghi chép: TRẦN NGỌC TRÁC