Cựu chiến binh tích cực dựng xây nông thôn mới

09:11, 16/11/2018

(LĐ online) - Với người dân thôn Quảng Lợi nói riêng và xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương nói chung, ông Lê Đình Mai, hội viên Chi hội Cựu chiến binh thôn Quảng Lợi luôn là người sẵn sàng quan tâm, giúp đỡ mọi người và cũng là người luôn đi đầu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

(LĐ online) - Với người dân thôn Quảng Lợi nói riêng và xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương nói chung, ông Lê Đình Mai, hội viên Chi hội Cựu chiến binh thôn Quảng Lợi luôn là người sẵn sàng quan tâm, giúp đỡ mọi người và cũng là người luôn đi đầu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
 
Ông Lê Đình Mai bước đi trên con đường xóm Mới
Ông Lê Đình Mai bước đi trên con đường xóm Mới

“Nói về chú Lê Đình Mai thì có nhiều chuyện để nói lắm, ông là một cựu chiến binh luôn năng nổ, nhiệt tình, tích cực tham gia xây dựng các phong trào tại địa phương. Ông là người đi đầu, khởi xướng trong việc làm nhà truyền thống của xã, phong trào thắp sáng đường quê, cũng như vận động người dân trong thôn, xóm chung sức dựng xây nông thôn mới trên địa bàn” - ông Trịnh Đình Thành – Chủ tịch UBMTTQVN xã Quảng Lập, nói.
 
Khi đem những chuyện này hỏi ông Lê Đình Mai thì ông chỉ cười cười bảo: “Có gì đâu, tất cả đó đều là những chuyện nên làm, nhà truyền thống xây dựng nên là để tưởng nhớ các đồng chí, đồng đội đã hy sinh và cũng để những người thân của họ ở lại được an lòng. Còn điện được thắp sáng, đường được đổ bê tông thì mình và bà con đều cùng được hưởng lợi mà!”.
 
Nghe ông nói thì có vẻ rất giản đơn, nhưng để có được nhà truyền thống của xã khang trang như ngày hôm nay, để những ngày lễ, tết người dân trong thôn, xã và thân nhân các liệt sĩ, mẹ anh hùng lực lượng vũ trang tìm đến thắp một nén nhang tưởng nhớ, là cả một quá trình dày công sưu tầm, xây dựng. 
 
Đó là vào khoảng năm 2014, ông đề xuất với chính quyền xã xin 100 triệu đồng từ quỹ điện của người dân để xây dựng nhà truyền thống. Khi nhà truyền thống được xây xong, ông lại đi vận động các cơ quan, đơn vị trong huyện ủng hộ mua sắm các vật dụng trưng bày bên trong. Rồi thêm 3 tháng trời tìm tới từng nhà của thân nhân các liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng xin hình, chụp lại hình để làm khung thờ; rồi lại sưu tầm những vật dụng để trưng bày lưu niệm như bi đông đựng nước, nón, phù hiệu trong rừng còn sót lại… 
 
“Tất cả những việc này tôi làm đều bằng tấm lòng mình đối với những người đồng chí, đồng đội đã hy sinh xương máu vì quê hương, đất nước, nên dù có tốn bao nhiêu thời gian, công sức, tôi vẫn cố gắng hoàn thành” -  ông Mai cho biết.
 
Ông Lê Đình Mai bên các vật dụng lưu niệm trưng bày tại nhà truyền thống của xã.
Ông Lê Đình Mai bên các vật dụng lưu niệm trưng bày tại nhà truyền thống của xã

Nhắn đến ông Lê Đình Mai, người dân nơi đây còn kể về chuyện ông là người tiên phong trong phong trào “thắp sáng đường quê”. Nghe vậy, ông lại bảo: “Có gì đâu, thấy tình trạng trộm cắp, nhất là chuyện mất bò, mất chó thường xảy ra trong thôn, trong xóm thì tôi lại nghĩ tới chuyện mắc điện thắp sáng để hạn chế bớt phần nào hay phần đó thôi”. 
 
Lúc đầu, ông vận động mỗ hộ trong thôn đóng mỗi người hơn 200 ngàn đồng để kéo điện. Đó là vào năm 2012, thôn của ông lúc bấy giờ cũng là thôn đi đầu trong xã về phong trào này. Đến nay, trước hiệu quả thiết thực mà phong trào mang lại, phong trào “thắp sáng đường quê” đã được nhân rộng toàn xã, các nhánh rẽ của thôn cũng đã được chiếu sáng ban đêm, giúp người dân đi lại được thuận tiện hơn, cũng như góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
 
Đó còn là chuyện đầu năm 2018 vừa qua, ông đứng ra vận động người dân ngụ tại xóm Mới (phía cuối của thôn Quảng Lợi) đóng góp tiền làm con đường bê tông dài 150 m, rộng 3 m. “Trong thôn, chỉ còn con đường trên là đường đất, ngày nắng thì bụi bặm, mưa thì trơn trượt, lầy lội, vậy là tôi đứng ra vận động 13 hộ dân ở đây cùng với gia đình tôi chung tay làm đường bê tông để đi lại thuận tiện hơn. Lúc đầu, tôi vận động bà con đóng một nửa tiền, tôi bỏ một nửa tiền còn lại để cho bà con vay, khi nào có thì trả nhưng sau, thấy bà con còn nhiều khó khăn, tôi đã cho bà con một nửa số tiền trên là 75 triệu đồng để hoàn tất con đường” – ông Mai cho biết.
 
Cùng ông dạo một vòng trên con đường xóm Mới, gặp mọi người trong xóm, ai cũng vui mừng cho biết, từ ngày con đường trên được đổ bê tông, chuyện đi lại đã dễ dàng hơn rất nhiều, không còn lo những ngày mưa lớn, trơn trượt xe máy không thể chạy vào được phải dắt bộ từ đầu đường. 
 
“Từ khi đường được làm, em và mọi người trong xóm rất phấn khởi, không còn phải lo ngay ngáy những lúc trời mưa gió nữa. Em và bà con trong xóm đều biết ơn chú Mai, vì nếu không có sự hỗ trợ của chú, con đường bê tông này tới giờ chắc cũng chưa làm nổi!” – em Lê Thị Nhật Linh, người dân sống trong xóm cho biết.
 
Chia tay người cựu chiến binh già năm nay đã ở vào tuổi 74 khi trời cũng gần sẩm tối, ông cứ dặn đi dặn lại “cháu viết gì thì viết nhưng đừng viết nhiều quá nhé, còn sức, còn giúp được bà con, chú vẫn sẽ làm, vì khi làm những việc như thế này, chú thấy rất vui và hạnh phúc!”.
 
Thy Vũ