Người mẹ của 47 trẻ mồ côi

08:11, 16/11/2018

Cô nhi viện Nguyên Không (Cơ sở nuôi trẻ mồ côi Lục Hòa) nằm nép mình sau những cánh đồng hoa lay ơn của vùng chuyên canh xã Hiệp Thạnh, huyện Ðức Trọng. Theo một lối nhỏ ngoằn ngoèo, dẫn đến khoảng sân nhỏ của ngôi nhà bình yên dưới chân núi Voi, nơi bão "dừng sau cánh cửa" là tiếng trẻ nhỏ cười đùa trong trẻo... Người dang tay giúp 40 em nhỏ mồ côi trước "bão đời" ấy là Sư cô Thích Tâm Hạnh. 

Cô nhi viện Nguyên Không (Cơ sở nuôi trẻ mồ côi Lục Hòa) nằm nép mình sau những cánh đồng hoa lay ơn của vùng chuyên canh xã Hiệp Thạnh, huyện Ðức Trọng. Theo một lối nhỏ ngoằn ngoèo, dẫn đến khoảng sân nhỏ của ngôi nhà bình yên dưới chân núi Voi, nơi bão “dừng sau cánh cửa” là tiếng trẻ nhỏ cười đùa trong trẻo... Người dang tay giúp 40 em nhỏ mồ côi trước “bão đời” ấy là Sư cô Thích Tâm Hạnh. 
 
Sư cô Thích Tâm Hạnh cùng các em nhỏ tại Cô nhi viện Nguyên Không. Ảnh: D.Thương
Sư cô Thích Tâm Hạnh cùng các em nhỏ tại Cô nhi viện Nguyên Không. Ảnh: D.Thương

Ấn tượng đầu tiên khi đến Cô nhi viện không chỉ là cả khoảng trời bình lặng của bầy trẻ nhỏ mà còn là cả tiếng chào “Nam mô A Di Đà Phật, con chào cô chú mới đến”. Sao thương quá đỗi!
 
Cô nhi viện Nguyên Không hay Cơ sở nuôi trẻ mồ côi Lục Hòa do Sư cô Tâm Hạnh xây dựng, hoàn thành vào cuối năm 2006. Với khuôn viên rộng 6.000 m2, chia thành nhiều khu vực: khu nhà ăn, khu nhà ngủ, khu nhà học tập văn hóa, học tập vi tính, học tập ngoại khóa, khu vui chơi giải trí ngoạn cảnh… Nơi đây đang cưu mang 40 trẻ mồ côi, không nơi nương tựa. Bao nhiêu em nhỏ được nhận vào nuôi dưỡng, ăn học cũng là bấy nhiêu tình thương, lo toan, trách nhiệm... của những sư cô ở đây, nhất là Sư cô Trụ trì Thích Tâm Hạnh. Với 47 em, sư cô vừa chăm lo đời sống sinh hoạt tới nơi tới chốn, vừa lo chi phí học hành cho các em. 
 
Vị sư cô với ánh mắt tràn ngập yêu thương khi kể về từng tâm huyết của mình khi xây dựng Cô nhi viện đến từng câu chuyện về những đứa trẻ bị bỏ rơi mà các sư cô đang chăm sóc. “Có bé chỉ vừa lọt lòng bị bỏ ngoài vườn cà phê, kiến cắn lở loét hết cả mặt mũi, có bé thì vừa 4 tháng đã bị bỏ nằm suốt cả đêm trước cửa chùa, về sau phải đưa đi Bệnh viện Nhi Đồng II điều trị vì nằm quá lâu ngoài trời lạnh mà bé bị phổi nặng. Nhận nuôi các em, không chỉ cho ăn học đàng hoàng mà thương nhất là những lúc ốm đau, bệnh tật, mấy sư cô cùng các em cố gắng vượt qua”. 
 
Sư cô Thích Tâm Hạnh bộc bạch: Năm 2006, mang trong mình ý nguyện nhỏ nhoi là cưu mang, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, sư cô đã từ chùa Niết Bàn - Hương Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) chuyển về Đức Trọng và lập nên Cơ sở nuôi trẻ mồ côi Lục Hòa này. Sư cô tâm sự thêm, Sư cô vốn là một đứa trẻ mồ côi, 12 tuổi mẹ mất, 16 tuổi sư cô vào chùa tu tập cho đến hôm nay, 33 năm trôi qua. Ngày đó, thầy của sư cô không chỉ nhận sư cô mà còn phát tâm nhận nhiều đứa trẻ mồ côi khác vào chùa (Chùa Hương Sơn, núi Thị Vải, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) nuôi dưỡng, cho ăn học đến khi trưởng thành. Cũng vì cảm ơn ân đức và việc làm đầy ý nghĩa của thầy và bản thân cũng lớn lên trong tình thương đó nên sau này, khi học xong đại học ra trường, sư cô cũng muốn phát tâm nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi.
 
Hiện tại, trong số em các nhỏ đang được nuôi dưỡng tại đây, có 21 em từ sơ sinh đến 4-5 tuổi; 22 em đang học THCS và THPT, 4 em học cao đẳng, đại học, khi có thời gian các em vẫn về phụ chăm sóc các em nhỏ tại Cô nhi viện, các bé lớn phụ giúp các sư cô chăm các em nhỏ hơn, phụ các sư cô việc nhà... như một gia đình lớn. Các sư cô tại đây chia sẻ, buổi sáng các bé lớn đi học, cứ mỗi chiều về lại bồng bế nhau sang Ni viện Nguyên Không (cách đó 50m) để đọc kinh, nghe Sư cô Thích Tâm Hạnh dạy dỗ về đạo lý làm người, tình yêu thương và những cách cư xử tốt đẹp mà mai đây, khi rời khỏi Cô nhi viện các em sẽ “cứng cáp” bước vào đời. 
 
Với tấm lòng và việc làm của mình, Sư cô Thích Tâm Hạnh như một người mẹ thật sự của các em nhỏ ở Cô nhi viện dưới chân đèo Prenn này. Bởi không chỉ là ươm mầm những “hạt” duyên lành, nuôi dưỡng những mảnh đời bất hạnh mà hơi ấm, tình thương Sư cô Thích Tâm Hạnh cùng các sư cô đang chăm sóc các em thật sự là những việc làm ý nghĩa, tốt đời đẹp đạo. 
 
Rời Cô nhi viện Nguyên Không, chắc hẳn ai đã một lần ghé đến sẽ chẳng thể quên ánh mắt trong veo của bầy trẻ nhỏ ngoan ngoãn, lễ phép và nụ cười đong đầy tình thương từ người mẹ của 47 đứa trẻ - Sư cô Thích Tâm Hạnh. 
 
DIỄM THƯƠNG