"Cây đa đầu làng" Lộc Hòa

03:11, 14/11/2018

(LĐ online) - Với ông, cộng đồng dân cư nào cũng cần có người tiên phong nói lên tiếng nói chung để tạo sự đồng thuận của mọi người. Người tiên phong đó được ông ví như cây đa đầu làng có vai trò như người thủ lĩnh tinh thần của mỗi thôn xóm. Ông chính là Nông Duy Nhất – người đang đảm nhận vai trò của một "cây đa đầu làng" ở thôn Lộc Hòa (xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh).

(LĐ online) - Với ông, cộng đồng dân cư nào cũng cần có người tiên phong nói lên tiếng nói chung để tạo sự đồng thuận của mọi người. Người tiên phong đó được ông ví như cây đa đầu làng có vai trò như người thủ lĩnh tinh thần của mỗi thôn xóm. Ông chính là Nông Duy Nhất – người đang đảm nhận vai trò của một “cây đa đầu làng” ở thôn Lộc Hòa (xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh).
 
Ông Nông Duy Nhất chăm sóc ruộng Nếp Quýt của gia đình
Ông Nông Duy Nhất chăm sóc ruộng Nếp Quýt của gia đình
Ông Nhất được người dân trong thôn, trong xã biết đến nhiều nhất ở vai trò là người đứng ra vận động bà con làm đường giao thông nông thôn. Là người dân tộc Tày rời quê hương Cao Bằng vào xã Đạ Lây lập nghiệp từ năm 1998 nên ông hiểu rất khó nỗi khổ của bà con khi đường xá đi lại khó khăn. Do đó, ngay khi có Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông đã đi đến từng nhà, trực tiếp vận động từng hộ dân để làm đường giao thông nội đồng nối từ đường tỉnh 721 vào xóm đồng bào dân tộc với chiều dài khoảng 2 km. Với sự vận động của ông, mỗi hộ đồng bào dân tộc đã tự nguyện đóng góp 2 triệu đồng để thuê máy ủi mở đường rộng 4 m giúp bà con đi lại thuận tiện. Sau đó, đến năm 2017, ông tiếp tục vận động bà con hiến đất để mở đường rộng hơn và vận động được một doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ 500 triệu đồng để đổ đá cấp phối làm tuyến đường này. Nói về việc làm của mình, ông Nhất chia sẻ: “Bản thân tôi tham gia công tác mặt trận ở xã nên nhận thức rất rõ việc gì có lợi cho bà con thì mình cứ làm thôi, như việc vận động làm đường này cũng không ngoài mục đích đem lại lợi ích chung cho cả cộng đồng. Đây cũng là cách để đưa phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống. Để vận động được bà con thì bản thân tôi luôn phải gương mẫu từ trong gia đình ra xã hội, như một cây đa đầu làng nêu gương cho bà con làm theo”.
 
Thôn Lộc Hòa nơi ông Nhất sinh sống có 140 hộ dân; trong đó, có khoảng 20 hộ người dân tộc Tày. Ông Nhất cho rằng người Tày hay người Kinh hay bất cứ dân tộc nào khác khi cùng sinh sống trên một địa bàn thì đều trở thành cộng đồng dân cư, không có bất cứ sự phân biệt nào. Riêng đối với các hộ đồng bào dân tộc Tày, bản thân ông Nhất thường xuyên vận động bà con loại bỏ những hủ tục trong việc ma chay, cưới hỏi. Còn đối với cộng đồng dân cư trong thôn, ông luôn vận động bà con cùng nhau thực hiện hương ước với nhiều việc làm có ý nghĩa như không thả bò rông để tránh phá hoại lúa của dân, cùng chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện phong trào vườn xanh, ngõ đẹp, đường sạch. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Đạ Lây, chia sẻ: “Bác Nhất chính là người đại diện tiêu biểu, có đóng góp nhất định trong việc đoàn kết, tập hợp trong cộng đồng dân cư. Ông là người thủ lĩnh có tiếng nói quan trọng trong việc vận động bà con góp công góp của làm đường, phát triển kinh tế gia đình, xóa bỏ các hủ tục và khôi phục, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống”. 
 
Năm nay 66 tuổi, ông Nhất cho biết chỉ giữ lại 4 sào ruộng để “dưỡng già”, còn lại đất đai ông đã chia cho các con. Cuộc sống hiện tại với ông đã khá mãn nguyện bởi cả 4 người con với 9 cháu nội ngoài và 1 cháu chắt đã ổn định cuộc sống gia đình. Để có được như ngày nay, ông Nhất đã trải qua nhiều khó khăn của những năm tháng đầu vào đây lập nghiệp. Đất ruộng không bằng phẳng lại thường xuyên thiếu nước vào mùa khô là nguyên nhân khiến hiệu quả sản xuất không cao. Bằng kinh nghiệm của người trồng lúa từ vùng núi phía Bắc, ông Nhất đã san lấp cải tạo ruộng bậc thang nhỏ thành những thửa ruộng lớn, đào thêm ao vừa nuôi cá vừa chủ động nguồn nước sản xuất vào mùa khô. Nhờ đó, ông có thể chủ động trồng 3 vụ lúa/ năm, chủ yếu là trồng Nếp Quýt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cách làm này của ông đã được rất nhiều người học tập làm theo.    
 
ĐÔNG ANH