Tiên phong hiến đất làm đường giao thông

03:11, 14/11/2018

(LĐ online) - Con đường được mở rộng và xây dựng khang trang, người dân và nhất là các cháu học sinh đi lại không còn vất vả nữa, mùa mưa cũng không còn lo lắng sinh lầy, té ngã… – là suy nghĩ của anh Đỗ Văn Thành (Thôn Rteng 2, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà) khi luôn là người tiên phong hiến đất làm đường giao thông nông thôn.

(LĐ online) - Con đường được mở rộng và xây dựng khang trang, người dân và nhất là các cháu học sinh đi lại không còn vất vả nữa, mùa mưa cũng không còn lo lắng sinh lầy, té ngã… – là suy nghĩ của anh Đỗ Văn Thành (Thôn Rteng 2, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà) khi luôn là người tiên phong hiến đất làm đường giao thông nông thôn.
 
 Với anh Thành (bìa trái) những việc làm của mình chỉ là đóng góp cho sự phát triển của quê hương
Với anh Thành (bìa trái) những việc làm của mình chỉ là đóng góp cho sự phát triển của quê hương
Tình cờ ngày chúng tôi đến Thôn Rteng 2, cơn mưa nặng hạt như báo hiệu kết thúc mùa mưa trên đất Nam Tây Nguyên. Đi trên con đường bê tông dọc thôn, Bí thư chi bộ thôn Lâm Văn Quyền bảo rằng mới một vài năm trở lại đây, nhờ có con đường mà bà con đi lại vào mùa mưa cũng không còn lo lắng. Trước đây, con đường là nỗi ám ảnh của bà con mỗi khi mưa đến. Sự thay đổi này đến từ sự chung tay góp sức của toàn thể bà con, trong đó đặc biệt là gia đình anh Đỗ Văn Thành. 
 
Trong căn nhà gỗ nghe rõ tiếng mưa rơi, anh Thành cười nói rằng việc anh hiến đất cũng như đóng góp tiền mặt để làm đường cho bà con bởi anh đã gắn bó với mảnh đất này gần 30 năm. Chứng kiến sự thay đổi của nhành cây, ngọn cỏ, anh chẳng thể thấy mãi cảnh bà con cũng như chính gia đình mình ngày ngày vất vả đi lại trên con đường ấy. Và với anh, triết lý rất đơn giản: Con người ta giàu ruộng chứ chẳng ai giàu bờ.
 
Anh Thành là người gốc ở Phú Yên, theo gia đình lên Lâm Đồng định cư năm 1976. Một lần tình cờ đi thăm người thân ở Phú Sơn, anh đã có quyết định liều lĩnh khi về đây mua đất, lập nghiệp. Anh kể rằng đã không ít lần phải rơi nước mắt ở đây. Khi ấy chỉ toàn là những con đường mòn sỏi đá “do người ta đi mãi mà thành”. Thấm thoắt gần 30 năm, mảnh đất ngày xưa “nhìn đâu cũng thấy rừng” nay đã thay da đổi thịt, dân cư đông đúc hơn. Đời sống người dân đi vào ổn định nhờ vào cây cà phê truyền thống. 
 
Thế là từ khi có chủ trương mở rộng đường, anh chẳng ngần ngại về bàn với vợ, hiến đất ở rẫy cà phê. Không chỉ một mà đến hai lần trong năm 2016 với tổng diện tích gần 700m2. Đến dự án khác thiếu kinh phí đối ứng, gia đình anh Thành cũng đứng ra đóng góp 16 triệu đồng. Một số người địa phương nói vui rằng nếu trong thôn mà có được vài gia đình như anh Thành thì chắc có hay biết mấy.
 
“Ngày xưa mình khổ nhiều rồi, giờ không muốn chứng kiến người dân vất vả chỉ vì đường nhỏ, mỗi khi mưa lại ngập nước, bùn lầy, học sinh đi té ngã liên tục. Nghe nhà nước làm đường, mọi người bàn nhau thôi hiến đi ít hàng cà phê, mỗi người đóng góp một chút, mở rộng con đường. Cũng là để người dân thôn mình đi lại, buôn bán dễ dàng hơn”, anh Thành chia sẻ.
 
Anh Thành hiện tại cũng là hội viên hội nông dân, là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Trong vài năm trở lại đây, nhờ nắm bắt khoa học kỹ thuật, trên diện tích khoảng 2ha cà phê của nhà, anh Thành đã tiến hành tái canh, ghép cải tạo đem lại năng suất trung bình 8 tấn/năm. Anh Thành cũng nhiều lần nung nấu ý định chuyển đổi cơ cấu cây trồng tuy nhiên hiện nay, con đường từ trung tâm đi vào thôn Rteng 2 khá xa, lại ghồ ghề sỏi đá nên chưa thể thực hiện.
 
Nhận xét về những đóng góp của Thành trong các phong trào ở địa phương, Bí thư chi bộ thôn Rteng 2 cho biết: Anh Thành là người rất năng nổ trong các phong trào của địa phương. Anh là một trong những người tiên phong đóng góp tiền bạc, hiến đất cho các công trình phúc lợi của địa phương. Đây là một trong những điển hình, góp phần giúp cán bộ địa phương hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.
 
HỒNG THẮM