Thầm lặng bên giường bệnh

10:11, 16/11/2018

(LĐ online) - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (HSTC-CĐ) là nơi tiếp nhận tất cả các bệnh nhân nặng, chuyển nặng từ khu vực phòng cấp cứu cũng như từ các khoa lâm sàng khác của bệnh viện nên tính chất và cường độ làm việc của các Y, bác sỹ tại đây luôn trong tình trạng phải chịu nhiều áp lực căng thẳng để giành lại sự sống, niềm hy vọng cho người bệnh cũng như thân nhân. 

(LĐ online) - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (HSTC-CĐ) là nơi tiếp nhận tất cả các bệnh nhân nặng, chuyển nặng từ khu vực phòng cấp cứu cũng như từ các khoa lâm sàng khác của bệnh viện nên tính chất và cường độ làm việc của các y, bác sỹ tại đây luôn trong tình trạng phải chịu nhiều áp lực căng thẳng để giành lại sự sống, niềm hy vọng cho người bệnh cũng như thân nhân.  Làm việc  tại môi trường  áp lực cao như vậy nhưng chị Lê Thị Thu Hà- điều dưỡng trưởng Khoa  HSTC-CĐ, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng  luôn giữ được bản lĩnh, nhiệt huyết, sự điềm đạm, bình tĩnh và nhạy bén với công việc, nhiệm vụ được giao.
 
Theo chị Thu Hà,  tâm huyết với công việc sẽ giúp giải quyết được rất nhiều vấn đề khó.
Theo chị Thu Hà, tâm huyết với công việc sẽ giúp giải quyết được rất nhiều vấn đề khó

CẬN KỀ NGƯỜI BỆNH 
 
Trong những câu chuyện được truyền tải của nữ điều dưỡng trưởng này với các điều dưỡng viên, với các sinh viên thực tập thì nội dung quan trọng hàng đầu  là cần xác định vị trí, vai trò  công việc điều dưỡng để làm thật tốt. Điều dưỡng không ở xa người bệnh mà rất gần:  Theo dõi từng hơi thở, nhịp tim, tiếng “bíp bíp” của  Monitor theo dõi, tiếng tí tách của từng giọt dịch, giọt máu cho đến khẩu phần ăn, lượng chất thải tiết, vệ sinh hằng ngày…. Những công việc tưởng chừng như đơn giản ấy nhưng lại góp phần không nhỏ trong công tác phối hợp cùng bác sỹ điều trị để mang lại hiệu quả cao nhất  cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, là thái độ ân cần, thân thiện, đồng cảm với mỗi hoàn cảnh, tình trạng của bệnh nhân, thân nhân, …
 
Chị Thu Hà vốn là học sinh khóa đầu tiên của Trường Trung học Y tế Lâm Đồng( nay là Cao đẳng Y tế Lâm Đồng). Sau khi ra trường, chị được nhận về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và làm việc ở một số khoa khác nhau. Sau nhiều năm kinh nghiệm, khi được bố trí ở vai trò điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức Ngoại (năm 2005-2010), rồi sau đó là Khoa HSTC-CĐ (kể từ khi Khoa được thành lập vào năm 2010 đến nay); chị  đã đảm nhận công việc trôi chảy, khoa học.
 
Nhiều năm nay, từ 6h30 sáng, nữ điều dưỡng trưởng Thu Hà đều đặn  có mặt tại nơi làm việc, đi thăm bệnh để nhận biết tình trạng hôm ấy của bệnh nhân, phân công công việc cho các điều dưỡng viên, lập kế hoạch chăm sóc, theo dõi  trong ngày cho từng người bệnh cụ thể, phát hiện những diễn biến bất thường báo với bác sỹ điều trị kịp thời xử trí…Bên cạnh sự thành công của bác sỹ điều trị, công tác của điều dưỡng viên chiếm vai trò không nhỏ nhưng ít khi được nhắc đến nhưng họ vẫn đang ngày đêm âm thầm cần mẫn chăm lo cho tính mạng của người bệnh, chỉ cần thấy người bệnh tiến triển tốt lên hằng giờ, hằng ngày là thấy vui, xua tan đi bao áp lực vất vả thường ngày. 
 
NHỮNG SÁNG KIẾN HỮU ÍCH
 
Ngày mới về nhận việc ở Khoa HSTC-CĐ, điều khiến chị Thu Hà trăn trở nhiều là việc giao nhận dụng cụ  của các điều dưỡng viên rất mất thời gian. Dụng cụ y tế được đóng vào hộp inox, nếu khui ra kiểm tra thì không đảm bảo vô trùng, mà không mở hộp thì không biết tình trạng dụng cụ như thế nào để cá nhân sử dụng chịu trách nhiệm. Để việc bàn giao dụng cụ diễn ra nhanh, khoa học, chị Thu Hà đã tìm phương án đóng thành từng bộ dụng cụ. Thời điểm ấy, chị đồng thời là điều dưỡng trưởng khoa Lọc máu, nhận thấy những vỏ hộp đựng các bộ kim dùng cho khoa Lọc máu rất chất lượng, chị đã đề nghị giữ lại để đựng dụng cụ của Khoa HSTC-CĐ. Nhằm đảm bảo vô trùng, các hộp dụng cụ được sấy, hấp cẩn thận ở khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Với sáng kiến này, công việc đã khoa học hơn rất nhiều, rút ngắn thời gian giao-  nhận, đồng thời bệnh viện tiết kiệm được kinh phí đầu tư hộp inox.
 
Với phương châm “ thấy khó ở đâu, giải quyết ở đó”, chị Hà đã có nhiều sáng kiến trực tiếp phục vụ công việc hàng ngày như: rửa tay nhanh tại giường bệnh làm giảm lây chéo, giảm nhiễm trùng trong bệnh viện; thực hiện ghi chép của điều dưỡng ngay tại đầu giường bệnh để điều dưỡng luôn có mặt bên cạnh bệnh nhân; cùng với các bác sỹ trong khoa triển khai nhiều kỹ thuật mới. Có thể kể đến các kỹ thuật như: đo huyết áp động mạch xâm lấn, nội soi khí phế quản cấp cứu tại khoa, lọc máu cấp cứu tại giường…đã góp phần cứu sống được nhiều bệnh nhân nguy kịch.
 
ĐONG ĐẦY KỈ NIỆM 
 
Từ những ngày còn làm điều dưỡng viên, chị Thu Hà đã lăn xả với công việc, vào những ngày con ốm, chồng chị( vốn là một công chức) là người xin nghỉ ở nhà chăm con, còn chị vẫn miệt mài với các ca bệnh. Trong số những ca bệnh nặng, chị vẫn nhớ về một trường hợp bị chấn thương sọ não, hầu như không còn hy vọng sống, bác sỹ đã không ít lần gặp người nhà để trao đổi đến việc đưa người bệnh về. Trong tình huống ấy, người nhà phân vân không quyết định được bèn hỏi ý kiến chị. Chị Hà cùng trao đổi, chia sẻ và cuối cùng quyết định được đưa ra là vẫn để người bệnh ở lại bệnh viện chăm sóc. Sau hơn 3 tháng hôn mê, với sự tận tình của đội ngũ nhân viên y tế, bệnh nhân dần hồi phục, sau đó đã có thể xuất viện, trở về với công việc khí tượng của mình, sống khỏe mạnh thêm rất nhiều năm nữa. Tình cảm của chị với gia đình bệnh nhân ấy như người nhà. Sau này, bệnh nhân qua đời vì một nguyên nhân khác thì người nhà cũng đã báo với chị như báo với một người thân…
 
Làm việc tại khoa có tới hơn 30 điều dưỡng, hộ lý, chủ yếu là nữ, để điều phối công việc trôi chảy, chị Thu Hà đã triển khai công việc bằng khả năng chuyên môn tốt và cả cái tình của một người cô, người chị. Điều dưỡng viên Tạ Thị Trúc Linh đã có 18 năm làm điều dưỡng, trong đó có 7 năm làm tại Khoa HSTC-CĐ tâm sự rằng chị Thu Hà không chỉ có khả năng quản lý tốt, nghiêm túc làm việc, nắm được các mặt bệnh để hướng dẫn điều dưỡng viên cách chăm sóc mà còn là một người quản lý thân thiện, có tình thương với đồng nghiệp, bệnh nhân. Tùy tình huống, tùy tính cách mỗi người mà điều dưỡng trưởng lúc nhắc nhở riêng; khi đưa ra bàn luận, thẳng thắn chỉ ra khuyết điểm tại các cuộc họp…Chị làm việc lăn xả, ít khi nghỉ hết phép năm theo chế độ bởi công việc căng thẳng, cần nhân lực; chị cũng thường xuyên kêu gọi quyên góp giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn…
 
Đã bước vào năm cuối của hành trình dài công tác, đối với chị Hà, bệnh viện như một ngôi nhà thứ hai mà ở đó, chị được đắm mình vào công việc, dù vậy, khi về đến tổ ấm, mọi ưu phiền, áp lực sẽ được gạt qua một bên để chị chăm sóc gia đình, lấy lại năng lượng cho một ngày làm việc mới. Người con trai thứ hai của chị  cũng  tiếp bước mẹ và đang  làm trợ giảng cho Khoa Y-Đại học Quốc gia TPHCM. Nhiều năm công tác, chị Thu Hà cảm thấy nhẹ lòng vì đến nay, khoa chưa nhận được khiếu nại của người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân về công tác điều trị tại khoa. Bên cạnh đó, thường xuyên có những đơn thư động viên, khen ngợi các y, bác sỹ, cá nhân, tập thể… đã hết lòng vì người bệnh. Đây là niềm tự hào, cũng là động lực để các anh, chị em ở đây phấn đấu hơn nữa trong công việc của mình. Bác sỹ Nguyễn Kỳ Sơn-Trưởng Khoa HCTC-CĐ cho rằng: “Điều dưỡng trưởng Thu Hà đã rất tâm huyết, khả năng chuyên môn tốt, bền bỉ cống hiến, chị tạo được mối quan hệ phối hợp, gắn bó nhịp nhàng để khoa đảm nhận công việc được giao”. 
 
Mỗi ngày, ở bất cứ thời điểm nào, điện thoại chị Thu Hà luôn mở và chị nhanh chóng nhận thông báo từ Khoa để kịp thời thao tác…

HẢI YẾN