Cách mạng Tháng Mười Nga làm rung chuyển và đảo lộn thế giới (tiếp theo)

09:11, 02/11/2017

Sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước, tháng 7/1920, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đọc được "Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lê-nin". Luận cương đã có ảnh hưởng quyết định đến tư tưởng cứu nước và đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng Việt Nam, giải đáp cho Người về con đường giành độc lập dân tộc và tự do cho đồng bào Việt Nam mà Người đang kỳ công tìm kiếm. 

PHẦN II: Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng Việt Nam
 
Ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga đến Việt Nam thông qua vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh
 
Sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước, tháng 7/1920, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lê-nin”. Luận cương đã có ảnh hưởng quyết định đến tư tưởng cứu nước và đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng Việt Nam, giải đáp cho Người về con đường giành độc lập dân tộc và tự do cho đồng bào Việt Nam mà Người đang kỳ công tìm kiếm. 
 
Đêm nghệ thuật kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh: Internet
Đêm nghệ thuật kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh: Internet

Luận cương của Lê-nin đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với Cách mạng Tháng Mười Nga và là người Việt Nam yêu nước đầu tiên tiếp thu ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười: “Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa Mác - Lê-nin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng”. Từ đó, Người đã vận dụng và phát triển sáng tạo những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. 
 
Trước hết, từ luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định, muốn giải phóng dân tộc thành công: “cần có sự lãnh đạo của một Đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng XHCN đến thành công”. 
 
Ngày 11/11/1924, Nguyễn Ái Quốc rời nước Nga đến Quảng Châu (Trung Quốc) - trung tâm cách mạng của châu Á, gấp rút chuẩn bị thành lập một chính đảng kiểu mới ở Việt Nam theo nguyên tắc Mácxít - Lêninnít. Khi điều kiện chín muồi, ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh rèn luyện đã được thành lập; chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, tạo bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã khẳng định đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, coi đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam.
 
Được sự soi sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga, với đường lối cách mạng đúng đắn, Đảng ta đã tập hợp, huy động lực lượng toàn dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng; lãnh đạo cả dân tộc tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc; tiến hành công cuộc đổi mới đất nước (từ 1986) đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. 
 
Nói về ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Uống nước nhớ nguồn. Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười”. “Mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lê-nin vĩ đại và đối với nhân dân Liên Xô là vô cùng sâu sắc”. 
 
Cách mạng Tháng Mười Nga khởi đầu sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và toàn diện của Liên Xô đối với cách mạng Việt Nam
 
Cách mạng Tháng Mười Nga đã cổ vũ nhân dân Việt Nam đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Cũng từ đó, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Liên Xô nảy nở, không ngừng được củng cố và phát triển. Liên Xô đã dành sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu đối với Việt Nam.
 
Sự giúp đỡ về kinh tế của Liên Xô đối với Việt Nam đã bắt đầu rõ nét và ấn tượng sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30/1/1950. Trong giai đoạn từ 1955 đến năm 1964, Liên Xô giúp đỡ việc hình thành nền móng của nền kinh tế quốc gia Việt Nam, thiết lập cấu trúc kinh tế của đất nước, đặt nền móng cho một số ngành công nghiệp hiện đại (nhiệt điện, thủy điện, cơ khí, hóa chất, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm...); khôi phục và phát triển kinh tế, đào tạo cán bộ cho miền Bắc. Tiếp theo, thông qua hàng loạt hiệp ước, hiệp định nhằm xây dựng và củng cố nền tảng của các cơ sở kinh tế và sự phát triển hợp tác trong nhiều lĩnh vực như khoa học, kỹ thuật, tài chính... Mối quan hệ hợp tác về kinh tế giữa Liên Xô và Việt Nam cứ tăng dần theo các năm cho đến khi kết thúc chiến tranh và tiếp tục duy trì cho đến khi Liên Xô tan rã. 
 
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn và hiệu quả của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô, đó là một nhân tố quốc tế không thể thiếu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong kháng chiến chống Pháp, Liên Xô ủng hộ về tinh thần và vũ khí, phương tiện chiến tranh vì Việt Nam đang chiến đấu trong vòng vây kẻ thù và là hậu phương quốc tế của Việt Nam. Giai đoạn chống Mĩ (1954 - 1975), Liên Xô viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam; nội dung viện trợ, giúp đỡ bao gồm: Cung cấp vũ khí, thiết bị quân sự, đạn dược, phụ tùng và các vật liệu quân sự chuyên biệt; Biệt phái các chuyên gia quân sự giúp đỡ Quân đội Việt Nam tiếp cận, sử dụng các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự được viện trợ, giúp sửa chữa và hiện đại hóa chúng; Hỗ trợ xây dựng, trang bị cơ sở vật chất cho các mục đích quân sự; Chuyển giao giấy phép, các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho việc sản xuất đạn dược, một số loại vũ khí, thiết bị quân sự, cũng như các hướng dẫn kỹ thuật khác; Đào tạo quân nhân Việt Nam trong các cơ sở quân sự của Liên Xô. Viện trợ quân sự của Liên Xô đã tăng cường và tạo ra sức mạnh đáng kể cho Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần giúp nhân dân Việt Nam đánh bại đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai xâm lược.
 
Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước vào năm 1975, mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Liên Xô đã chuyển thành “hợp tác cùng có lợi”, nhưng với tinh thần anh em, Liên Xô vẫn tiếp tục cung cấp cho Việt Nam các khoản viện trợ kinh tế lớn cho đến giữa những năm 80. Trong giai đoạn từ năm 1978 đến giữa những năm 1980, Liên Xô đã cung cấp các khoản viện trợ từ 700 triệu đến 1 tỷ USD viện trợ hàng năm cho Việt Nam. Cho đến giữa những năm 1980, khi Liên Xô phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, họ vẫn dành cho Việt Nam khoản viện trợ 1 tỷ USD mỗi năm. 
 
(CÒN NỮA)
 
VĂN NHÂN