Nỗi lo "bóng ma" đa cấp

08:09, 12/09/2017

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều tân sinh viên, nhất là sinh viên người đồng bào dân tộc thiểu số mới lên TP Ðà Lạt nhập học, một số đối tượng đã dụ dỗ, lôi kéo họ tham gia vào đường dây bán hàng đa cấp biến tướng với những hứa hẹn đường mật, vẽ ra viễn cảnh giàu có trong tầm tay.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều tân sinh viên, nhất là sinh viên người đồng bào dân tộc thiểu số mới lên TP Ðà Lạt nhập học, một số đối tượng đã dụ dỗ, lôi kéo họ tham gia vào đường dây bán hàng đa cấp biến tướng với những hứa hẹn đường mật, vẽ ra viễn cảnh giàu có trong tầm tay.
 
Trung tá Phạm Văn Huấn, Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ
Trung tá Phạm Văn Huấn, Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ

“Bóng ma” đa cấp tái hiện 
 
Với vẻ ngoài hào nhoáng, một thanh niên khoảng 30 tuổi tay xách cặp màu đen bước vào quán cà phê C. L gần ngã 5 Trường Đại học Đà Lạt, bên trong, có 13 sinh viên (phần lớn là nữ) đã ngồi chờ sẵn. Người này lần lượt bắt tay từng người trong nhóm, tự giới thiệu là giám đốc chi nhánh của một công ty chuyên cung cấp các mặt hàng mỹ phẩm, có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh. Anh phân trần lý do đến trễ là phải gặp đối tác để ký hợp đồng với giá trị lớn. Đối lập với cử chỉ lưu loát, dứt khoát của vị giám đốc trẻ là sự lóng ngóng, rụt rè của nhóm “đối tác” tương lai. Cách ăn mặc, giao tiếp có phần vụng về của nhóm bạn trẻ cho thấy, hầu hết những sinh viên này đều là sinh viên năm nhất, đến từ vùng nông thôn, mới nhập học cách đây vài tuần. Trong số 13 người thì 11 người là người đồng bào dân tộc thiểu số. 
 
Vừa ngồi ghế, vị giám đốc lập tức “rót mật” vào tai người khác bằng những ngôn từ mĩ miều. Anh giới thiệu, đã tốt nghiệp đại học và có hai bằng đại học loại giỏi, gồm luật và kinh tế. Ra trường làm việc trong cơ quan nhà nước, vì lương “quá bèo” nên chỉ sau vài tháng anh đã nghỉ việc và đến với việc kinh doanh đa cấp. Vị giám đốc cũng không ngại ngần chỉ trích nặng nề những người làm xấu hình ảnh bán hàng đa cấp. Anh dẫn chứng đây là hoạt động đã được cả thế giới công nhận, pháp luật Việt Nam cho phép... Khi đã trấn an và đánh tan sự hoài nghi của nhóm bạn trẻ, người này ca ngợi những sản phẩm của công ty mình đang làm có hiệu quả tức thì, công dụng hoàn hảo, người sử dụng các loại mỹ phẩm này “lột xác” chỉ trong 10 ngày. “Mình cam đoan, khi dùng loại mỹ phẩm số 1 thế giới này lúc trở về nhà ba mẹ bạn nhìn thấy cứ ngỡ khách lạ đi lạc đường!..” - vị giám đốc trẻ quả quyết.
 
Sau hơn 30 phút phân tích những ưu điểm tuyệt đối của sản phẩm mà mình đang cung cấp, người này chuyển sang phần “trao cơ hội làm giàu” cho “đối tác”. Bây giờ, vị giám đốc trẻ hiện hình một người bán hàng đa cấp biến tướng, chẳng khác gì những người anh ta vừa lớn tiếng chỉ trích trước đó.
 
Theo người này, điều kiện để trở thành đối tác của công ty là mua sản phẩm để dùng thử. “Phải dùng thử để thấy được công dụng tuyệt vời của hãng mỹ phẩm của chúng ta. Một khi bạn đã “lột xác” rồi thì không cần phải mời, mọi người cũng lao tới xin tham gia...”. Người này đưa ra các gói để “đối tác” lựa chọn, thấp nhất là 6 triệu đồng, cao nhất lên tới hàng trăm triệu đồng. Tỉ lệ phần trăm và doanh thu mỗi tháng của “đối tác” sẽ tỉ lệ thuận với giá trị các gói sản phẩm bán ra, mua vào. Theo người này, thị trường Đà Lạt còn rất lớn, cơ hội để nhóm bạn trẻ trở thành giám đốc các chi nhánh đang trong tầm tay. Chỉ cần mời 50 người mua hàng là đủ điều kiện được công ty trao quyết định làm giám đốc chi nhánh. Lúc này, thu nhập lương và các khoản ngoài lương mỗi tháng ít nhất 100 triệu đồng. Kết thúc buổi gặp gỡ, người này nhấn mạnh: “Người thành công là người biết nắm bắt cơ hội, biến ước mơ trở thành hiện thực. Sự giàu sang, vinh quang hay nghèo đói là do bạn quyết định!”. Vị giám đốc trẻ một lần nữa thúc giục mọi người giới thiệu bạn bè tham gia, đồng thời mời đến dự hội thảo để “nắm rõ chiến lược kinh doanh” của công ty vào tối thứ bảy tại một khách sạn trên đường Bùi Thị Xuân, TP Đà Lạt. 
 
Chị Thu, sinh viên năm ba, Trường Đại học Đà Lạt cho biết, chị thường xuyên bị bạn bè mời tham gia hội thảo của các công ty kinh doanh đa cấp, nhất là vào đầu những năm học mới. Mới đây, vì quá nể bạn mà chị đã tham dự một buổi hội thảo về thực phẩm chức năng. “Buổi hội thảo có khoảng 100 người tại một căn phòng chật chội. Tất cả các cửa đều bị khóa, mọi người không được sử dụng điện thoại, không quay phim, chụp ảnh. Kết thúc mỗi câu “có cánh”, mỗi đoạn của người thuyết trình là được một nhóm vỗ tay cổ vũ, tán dương. Họ mời mọc, lôi kéo mọi người mua hàng, bán hàng, giới thiệu người khác tham gia để trở thành “đối tác” của công ty!..” - chị Thu kể lại. 
 
Phát hiện nhiều vụ đa cấp vi phạm
 
Ngày 25/8 vừa qua, Công an Phường 10, TP Đà Lạt nhận được trình báo của phụ huynh sinh viên Đinh Thị Bích Ngọc (Trường Đại học Đà Lạt) về việc chị Ngọc bị bạn dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào đường dây bán hàng đa cấp biến tướng. Theo gia đình, chị Ngọc gọi điện về nhà xin tiền với lý do là mượn điện thoại giá trị lớn của bạn rồi đánh mất, cần tiền mua điện thoại để đền. Gia đình đã lặn lội từ quê vào Đà Lạt tìm hiểu thì vỡ lẽ, chị Ngọc đã tham gia vào bán hàng đa cấp, mua gói sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại Lô Hội (trụ sở tại Quận 3, TP Hồ Chí Minh) 27 triệu đồng, đã thanh toán được 13 triệu đồng. Từ nguồn tin này, cơ quan Công an đã triệu tập những người liên quan làm việc và yêu cầu trả lại tiền cho chị Ngọc. Tiếp tục theo dõi hoạt động của công ty trên, ngày 30/8, Công an TP Đà Lạt đã phát hiện ông Nguyễn Tấn Minh (25 tuổi, tạm trú tại Đà Lạt), xưng là giám đốc chi nhánh Đà Lạt của Công ty TNHH Thương mại Lô Hội đang tổ chức hội thảo bán hàng đa cấp chui trên đường Hùng Vương, Phường 10, TP Đà Lạt. Hội thảo này có hàng chục người tham gia, trong đó chủ yếu là sinh viên vừa lên Đà Lạt nhập học và người đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện Công an TP Đà Lạt đang hoàn tất hồ sơ để xử phạt hành chính ông Nguyễn Tấn Minh. 
 
Trung tá Phạm Văn Huấn, Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an TP Đà Lạt thông tin, tính đến đầu năm 2017, trên địa bàn Đà Lạt có 9 doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp, chủ yếu là thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Thời gian qua, lực lượng công an đã triệu tập một số người của các doanh nghiệp này để làm việc. Xử phạt hành chính 5 công ty về các hành vi kinh doanh không giấy phép, bán hàng không hóa đơn, tổ chức hội nghị, hội thảo trái phép… Công an TP Đà Lạt cũng đã chuyển 3 vụ lên Công an tỉnh Lâm Đồng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền. “Phần lớn bán hàng đa cấp đã bị biến tướng theo kiểu người tuyến trên bóc lột người tuyến dưới. Lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước!..” - Trung tá Phạm Văn Huấn nói.
 
VĂN BÁU - KHẮC LỊCH