Sức hút thủy điện và những hệ lụy trên sông Mê Công

06:12, 27/12/2019

(LĐ online) - Tiềm năng thủy điện trên sông Mê Công rất lớn đã tạo sức hút để các quốc gia ở lưu vực sông Mê Công xây dựng các đập thủy điện...

[links()]
(LĐ online) - Tiềm năng thủy điện trên sông Mê Công rất lớn đã tạo sức hút để các quốc gia ở lưu vực sông Mê Công xây dựng các đập thủy điện. Việc hình thành các thủy điện dòng chính trên sông Mê Công đã ảnh hưởng không nhỏ đền vùng hạ lưu; trong đó, có Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
 
Vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long
Vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long
 
Nhu cầu điện năng tăng cao
 
Theo Cục Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tới năm 2035, mức tiêu thụ năng lượng trên thế giới sẽ tăng 35% và mức tăng trung bình hàng năm được dự đoán là 1,6%. Theo EIA, trong 20 năm tới mức tiêu thụ các nguồn năng lượng tái tạo được sẽ tăng với tốc độ nhanh nhất. Thủy điện lâu nay vẫn được coi là một nguồn “năng lượng xanh” vì có thể tái tạo và không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Thêm nữa, các đập nước trên lý thuyết còn giúp kiểm soát dòng chảy, điều chỉnh lưu lượng nước, phòng chống lũ lụt hay hạn hán tại hạ nguồn; giúp phát triển nông nghiệp. Chính vì thế, trong khi việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo khác như năng lượng biển, năng lượng gió, năng lượng mặt trời… còn gặp nhiều trở ngại về tài chính và kỹ thuật thì thủy điện luôn là một lựa chọn không dễ bỏ qua.
 
Về mặt kỹ thuật, tiềm năng thủy điện của sông Mê Công có thể lên tới 176.350 - 250.000 MW. Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết: Hiện tại, ở vùng thượng nguồn sông Mê Công, Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng 11 công trình thủy điện, trong đó có hai hồ đập rất lớn là Tiểu Loan và Nộ Trác Độ. Hiện, cả 11 công trình thủy điện này đã đi vào vận hành. Tại vùng hạ lưu sông Mê Công, các nước Campuchia, Lào và Thái Lan đang có kế hoạch xây dựng 11 công trình thủy điện trên dòng chính. Theo các thiết kế hiện có, các đập trên dòng chính hạ lưu sông Mê Công đạt tới 14.697 MW, chiếm 23-28% tiềm năng thủy điện quốc gia của 4 nước hạ lưu Sông Mê Công là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
 
Tại Lào, việc sử dụng các khoản thu từ thủy điện để đầu tư cho cơ sở hạ tầng và phát triển xã hội đã được xác định trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và các chiến lược quốc gia về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo. Theo đó, lượng tiền lớn đầu tư nước ngoài đổ vào các dự án dòng chính Lào (ước đến 25 tỉ USD nếu tất cả dự án của Lào được triển khai) có khả năng kích thích phát triển kinh tế đáng kể đối với các nước sở tại và cả vùng do nhu cầu về các nguồn đầu vào bổ sung (lao động, vật liệu thi công, các nguồn lực hỗ trợ và dịch vụ kỹ thuật). 
 
Mặc dù không thu được lợi ích về kinh tế lớn như Lào nhưng các dự án thủy điện dòng chính Mekong lại có ý nghĩa quyết định nhất đối với Campuchia vì nước này không có nhiều lựa chọn ngoài nhập khẩu các loại nhiên liệu hóa thạch đắt đỏ và tiềm năng phụ lưu cũng hạn chế hơn Lào rất nhiều. Nếu kế hoạch thủy điện dòng chính được triển khai, Campuchia sẽ có 30% nguồn thu từ xuất khẩu điện với 1,2 tỷ USD/năm, giảm chi phí năng lượng cho công nghiệp và đa dạng hóa kinh tế về dài.
 
Tăng cường nỗ lực chung
 
Việt Nam là quốc gia duy nhất không có thủy điện dòng chính nhưng lại chịu ảnh hưởng nhiều nhất do nằm ở cuối nguồn sông Mê Công. Trong khi đó, nguồn cung năng lượng từ các đập dòng chính hạ nguồn cho Việt Nam không cao, chỉ bằng 5% tổng lượng điện hàng năm của Việt Nam vào năm 2020 và về dài hạn còn thấp hơn nữa. So với lợi ích kinh tế không đáng kể từ nguồn điện nhập khẩu và tham gia đầu tư, những thiệt hại mà Việt Nam phải gánh chịu hiện vẫn chưa thể tính toán hết.
 
Trong lưu vực Mê Công, Việt Nam là quốc gia ở cuối nguồn, luôn tuân thủ thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công ký kết năm 1995 (Hiệp định Mê Công) và Bộ Quy chế giám sát sử dụng nước, trước hết là vì lợi ích của quốc gia và hài hòa hợp tác toàn lưu vực. Hiệp định Mê Công 1995 không có quy định về quyền được phủ quyết của một quốc gia đối với đề xuất sử dụng nước của quốc gia khác, nhưng có quy định cho phép các quốc gia bị tác động có quyền yêu cầu các quốc gia có công trình phải đảm bảo phát triển bền vững dòng sông Mê Công và có trách nhiệm giảm thiểu tác động do các công trình gây ra.
 
Đối với các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Công, mối quan tâm của Việt Nam và các quốc gia thành viên không chỉ tập trung vào tác động tại chỗ của một công trình thủy điện riêng lẻ mà còn cả tác động tổng thể có tính xuyên biên giới của toàn bộ bậc thang thuỷ điện dòng chính, của phát triển thuỷ điện thượng nguồn sông Mê Công và dòng nhánh, kết hợp với ảnh hưởng ngày càng tăng của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long. 
 
Kết quả nghiên cứu năm 2018 của Ủy hội sông Mê Công cho biết, có đến 97% trầm tích sẽ bị giữ lại nếu các con đập trên dòng chính và các chi lưu của con sông này được xây dựng. Đây là nguyên nhân khách quan, nhưng không kém phần quan trọng làm cho Đồng bằng sông Cửu Long đang dần “biến mất”. Đó là lý do vì sao tại Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Ủy hội sông Mekong quốc tế tổ chức ngày 5/4/2018 tại Siêm Riệp (Campuchia) với chủ đề “Tăng cường các nỗ lực chung và mở rộng quan hệ đối tác nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trên lưu vực sông Mekong”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp: Cần có hành động thiết thực để đảm bảo Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục là vựa lúa, vựa cá của khu vực như nhiều thế kỷ qua.
 
LÊ DUNG (tổng hợp)