Thành quả 25 năm thực hiện Hiệp định Mê Công

06:12, 26/12/2019

(LĐ online) - Ngày 5/4/1995, tại Chiang Rai (Thái Lan), Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công (Hiệp định Mê Công) đã được thông qua để giám sát các hoạt động phát triển bền vững trên dòng sông của các quốc gia thành viên...

[links()]
(LĐ online) - Ngày 5/4/1995, tại Chiang Rai (Thái Lan), Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công (Hiệp định Mê Công) đã được thông qua để giám sát các hoạt động phát triển bền vững trên dòng sông của các quốc gia thành viên. Hiệp định đã thành lập một thể chế chung là Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) - một cơ quan liên chính phủ chính thống đã thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong lưu vực để quản lý hiệu quả việc sử dụng dòng sông trong suốt 25 năm qua. 
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (bìa trái) và lãnh đạo các nước Lào, Campuchia, Thái Lan thể hiện sự đoàn kết tại Hội nghị cấp cao lần thứ ba Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Ảnh: vnmc
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (bìa trái) và lãnh đạo các nước Lào, Campuchia, Thái Lan thể hiện sự đoàn kết tại Hội nghị cấp cao lần thứ ba Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Ảnh: vnmc
 
Khung thể chế quản trị nguồn nước quốc tế tiến bộ nhất
 
Tại thời điểm ký kết, Hiệp định Mê Công được coi là “khung thể chế cho việc quản trị một nguồn nước quốc tế tiến bộ nhất”. Các quốc gia thành viên của MRC gồm Campuchia Lào, Thái Lan và Việt Nam. Hai quốc gia thượng lưu sông Mê Công là Trung Quốc và Myanmar tham gia là đối tác đối thoại của MRC. MRC đã có lịch sử hợp tác từ năm 1957 với việc thành lập Ủy ban Điều phối Hạ lưu vực sông Mê Công (gọi tắt là Ủy ban sông Mê Công).
 
Hiệp định Mê Công gồm 6 chương, 42 điều quy định các vai trò và trách nhiệm của các quốc gia ven sông trong lưu vực. Theo Hiệp định, nguyên tắc cơ bản trong hợp tác giữa các quốc gia thành viên MRC là đồng thuận, bình đẳng và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ. Các vấn đề liên quan hợp tác Mê Công luôn được xem xét và giải quyết bằng các quá trình tư vấn rộng rãi ở nhiều cấp. Nguyên tắc sử dụng nước công bằng và hợp lý của quốc tế cũng được áp dụng. Việc ký kết Hiệp định Mê Công năm 1995 và sự ra đời của MRC là sự ghi nhận những nhận thức mới của cả 4 quốc gia thành viên trước những biến đổi về chính trị, kinh tế và xã hội trong khu vực. Trong khuôn khổ hợp tác mới, MRC đã đưa các quốc gia ven sông nói chung và Việt Nam nói riêng vào một trang mới trong hợp tác khai thác, phát triển, quản lý và bảo vệ nguồn nước và các tài nguyên liên quan khác trong khu vực sông Mê Công.
 
Hiệp định là căn cứ pháp lý quan trọng, quy định các nguyên tắc cơ bản và khung hợp tác chung cho các quốc gia thành viên trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn nước và các tài nguyên liên quan khác trong vùng hạ lưu sông Mê Công, nhằm đạt được phát triển bền vững, góp phần thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế và các chương trình trọng điểm các quốc gia thành viên trong vùng hạ lưu sông Mê Công, đồng thời, góp phần thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hiệp quốc và thực hiện các Công ước quốc tế khác liên quan quản lý, khai thác, phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường.
 
Ðối với Việt Nam, Hiệp định Mê Công 1995 là cơ sở pháp lý quan trọng (và cho tới nay là duy nhất về tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mê Công) để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Việt Nam luôn gương mẫu, thực hiện nghiêm túc Hiệp định Mê Công, tích cực tham gia giải quyết các mâu thuẫn trong Ủy hội, đóng góp tích cực nhất cho các chương trình hoạt động của Ủy hội cả về kinh phí, chuyên gia và thông tin số liệu.
 
Hiệp định Mekong 1995 còn có ý nghĩa quan trọng trong tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công và các quốc gia khác trong khu vực.
 
Theo đánh giá, MRC là một tổ chức lưu vực sông hoạt động hiệu quả hàng đầu trên thế giới. Công ước Nước của Liên Hiệp Quốc là một công ước quan trọng, có nhiều điểm chung với Hiệp định 1995. Tuy nhiên, chỉ duy nhất Việt Nam phê duyệt Công ước này năm 2014 và do chỉ có Việt Nam là thành viên, Công ước này không có tính hiệu lực ở khu vực Mê Công và Lan Thương. Điều này càng chứng tỏ Hiệp định Mê Công 1995 là hiệp định duy nhất về quản lý nguồn nước của khu vực và là thỏa thuận tốt nhất mà 4 quốc gia ở lưu vực sông Mê Công cam kết được, thể hiện sự tiến bộ cũng như giá trị pháp lý phù hợp nhất trong khu vực. Cùng với thời gian và những biến đổi của tình hình kinh tế, chính trị, việc xem xét để cập nhật và bổ sung Hiệp định Mê Công rất cần thiết. Ủy hội đã và đang tiếp tục đề nghị củng cố Hiệp định 1995.
 
Thành quả nổi bật của MRC
 
Trong gần 25 năm qua, MRC đã đạt được những thành quả nổi bật: Xây dựng khung pháp lý sử dụng tài nguyên nước và tăng cường đối thoại về phát triển tài nguyên nước trong vùng, đặc biệt thúc đẩy quá trình quy hoạch toàn lưu vực có tính điều phối thông qua quản lý tổng hợp tài nguyên nước; nghiên cứu thủy sản và đa dạng sinh học thủy sinh, đưa ra hỗ trợ quyết định môi trường; mở rộng và tăng cường mạng giám sát, xây dựng cơ sở dữ liệu, thúc đẩy quản lý và giảm nhẹ tác động của lũ lụt và hạn hán; giúp các quốc gia thành viên mở rộng các cơ hội thương mại quốc tế thông qua phương tiện giao thông thủy an toàn, hiệu quả hơn và các khuôn khổ pháp lý cho giao thông thủy xuyên biên giới, xác định sự cân bằng giữa các cơ hội và nguy cơ của các dự án thủy điện đang được kiến nghị, khởi động quá trình giúp đỡ người dân trong lưu vực để thích ứng với biến đổi khí hậu; mở rộng hợp tác giữa MRC với các đối tác khu vực, vùng và quốc tế, bao gồm, các đối tác đối thoại (Trung Quốc và Myanmar) và các đối tác phát triển khác.
 
Hiện nay, MRC có 14 đối tác phát triển và đang tích cực thúc đẩy rộng hợp tác liên lưu vực sông, trong đó có sông Hằng (qua 5 nước châu Á), sông Danube (qua 10 nước châu Âu), sông Nile (qua 4 nước bắc Phi), sông Amazone (qua 8 nước Nam Mỹ) và sông Mississippi (Canada, Hoa Kỳ). Việt Nam tích cực thúc đẩy hợp tác với các đối tác này.
 
Trong Tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh MRC lần thứ 3 tại Siem Riep (Campuchia) hồi tháng 4/2018, lãnh đạo của các quốc gia thành viên một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của MRC là một khung hợp tác vùng chủ đạo và khẳng định cam kết chính trị cao nhất của họ trong thực hiện hiệu quả Hiệp định Mê Công1995. Các nhà Lãnh đạo cũng khẳng định Lưu vực sông Mê Công bên cạnh các cơ hội phát triển, cũng chịu các rủi ro về suy thoái môi trường, đa dạng sinh học, ảnh hưởng tới sinh kế cho người dân…
 
Tuyên bố chung cũng đã nhắc tới việc MRC gần đây đã hoàn thành Nghiên cứu chung về Quản lý và Phát triển lưu vực sông Mê Công, bao gồm các tác động của dự án thủy điện trên dòng chính (thường gọi là Nghiên cứu của Ủy hội) và khuyến nghị các kết quả của Nghiên cứu cần được xem xét kỹ lưỡng cả ở cấp vùng và quốc gia. Với tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu MRC sẽ tự chủ về tài chính, các nhà lãnh đạo đã tái khẳng định tình đoàn kết và tinh thần Mê Công là yếu tố vô cùng quan trọng trong thời gian tới.
 
 
LÊ DUNG (tổng hợp)