Hạnh phúc gia đình bắt nguồn từ sự sẻ chia

06:07, 31/07/2020

Rất nhiều điều mà gia đình ông Nguyễn Văn Sâm và bà Đồng Thanh Hòa cùng nhau thực hiện để đưa gia đình mình trở thành một gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc của thành phố Đà Lạt trong 20 năm liền.

Rất nhiều điều mà gia đình ông Nguyễn Văn Sâm và bà Đồng Thanh Hòa cùng nhau thực hiện để đưa gia đình mình trở thành một gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc của thành phố Đà Lạt trong 20 năm liền.
 
Đại gia đình ông Nguyễn Văn Sâm và bà Đồng Thanh Hòa (ông Sâm, bà Hòa đứng bên phải)
Đại gia đình ông Nguyễn Văn Sâm và bà Đồng Thanh Hòa (ông Sâm, bà Hòa đứng bên phải)
 
Sâu trong một con ngõ nhỏ ở Tổ dân phố 2 Mê Linh, Phường 9 - Đà Lạt là ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Sâm và bà Đồng Thanh Hòa. 
 
Căn phòng khách nhỏ của gia đình ông bà được lấp đầy bằng những bức ảnh gia đình cùng những tấm bằng khen. Bà Hòa, năm nay đã 64 tuổi, nhưng nhìn trẻ và khỏe hơn rất nhiều so với tuổi, tiếp chuyện chúng tôi. Bà tự hào khoe các con nay đã lớn, hiếu thuận, có công việc ổn định, con cháu đều ngoan ngoãn, vợ chồng khỏe mạnh và đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của bà và gia đình. 
 
Bà Hòa kể, ông Nguyễn Văn  Sâm (sinh năm 1954) và bà lấy nhau đến nay đã gần 45 năm, nhưng có lẽ phải đến gần 20 năm sau này ông bà mới được thực sự ở cạnh nhau, chăm sóc nhau. Bởi, sự nghiệp của ông là những năm dài đằng đẵng đi học, công tác từ tỉnh này đến tỉnh khác. Quãng thời gian ấy, bà Hòa vẫn tròn trách nhiệm của người vợ, chăm sóc cho cha mẹ chồng, lo lắng cho con và là hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm làm việc. Sự hy sinh thầm lặng ấy mà đến nay ông Sâm vẫn luôn nói rằng ông biết ơn vợ mình.
 
Ông Sâm và bà Hòa vốn cùng ở chung một xóm, ở xã Hợp Thịnh, tỉnh Bắc Giang. Năm 1972, khi bà đang học lớp 9, thì ông Sâm dừng bút ở lớp 10 rồi đăng ký đi bộ đội chống giặc Mỹ. Vì còn muốn học thêm nên ông nhờ bà gửi sách, vở vào chiến trường, và rồi tình yêu họ chớm nở từ những bức thư tay cảm ơn. 
 
Đến đầu năm 1976, sau giải phóng ông bà cùng về chung một nhà. Nhưng cạnh nhau chưa được bao lâu, ông được cử đi học tại Học viện Lục quân Sơn Tây, rồi chuyển vào công tác tại Quân khu 1. Ông bà gặp nhau chỉ vào dịp hè khi ông được về phép. Phải đến 5 năm hai vợ chồng mới có con trai đầu lòng, nhưng vì đang công tác ở xa, bà vượt cạn mà không có chồng bên cạnh. 
 
Đến năm 1982, ông lại chuyển vào học ở Học viện Lục quân Đà Lạt rồi làm giảng viên tại đó. Sinh người con trai thứ 2, ông cũng không về được. Hiểu nỗi vất vả của vợ và muốn gia đình được đoàn tụ, năm 1987, ông Sâm về quê đón vợ con vào Đà Lạt lập nghiệp. Sau đó, bà Hòa về dạy học ở Trường Tiểu học K’Long (Đức Trọng). Đến năm 1989 bà sinh cậu con trai út, sau hai lần sinh nở thì đây là lần đầu tiên bà có chồng bên cạnh. Đến năm 1995, ông lại chuyển đến công tác ở Lạng Sơn. Phải đến năm 1997, bà Hòa chuyển về dạy học tại Trường Tiểu học Thái Phiên, ông cũng về lại Đà Lạt làm việc thì gia đình mới được sum vầy bên nhau.
 
Cuộc sống vợ chồng của ông Sâm và bà Hòa cứ phải xa nhau, rồi gặp nhau chỉ ở những tuần nghỉ phép ngắn ngủi, nhưng không vì thế mà tình cảm vợ chồng xa cách, bởi ông bà đều cảm thông và luôn nghĩ cho nhau. Bà Hòa cười: “Có người còn đùa bảo không biết tôi có chồng hay không, vì mãi không thấy chồng đâu. Nghe xong cũng buồn, nhưng lại càng thấy thương, càng cảm thông cho công việc của chồng hơn”. 
 
Kể về ông, bà Hòa luôn dành lời khen cho chồng, bà thương ông, bởi ông là người hiền lành, là người chồng trách nhiệm. Dù công tác xa nhà, nhưng ông Sâm luôn dõi theo vợ con, thời gian rảnh ông lại viết thư tay, hay gọi điện hỏi han. Dịp về phép, ông lại dành tất cả thời gian để chăm lo cho gia đình, lên rẫy lấy gỗ đóng từng cái bàn để bà dạy lớp học tình thương, rồi ông đi làm thêm để phụ giúp vợ đỡ khó khăn. Bà cảm nhận được tình thương, trách nhiệm từ ông, vậy nên khó khăn, xa cách là thế nhưng ông bà lại càng thương yêu nhau hơn. 
 
Vì bố là bộ đội, mẹ là giáo viên nên 3 người con trai của ông bà luôn ngoan ngoãn, hiếu thuận. Hai người con trai đầu của ông bà là anh Nguyễn Thanh Sang, sinh 1981 và anh Nguyễn Thanh Xuân, sinh 1986, đều đã lập gia đình và làm việc ở TP Hồ Chí Minh. Họ đều noi gương bố mẹ mà vợ chồng luôn sống trách nhiệm, hòa thuận với nhau. 
 
Nói đến bố mẹ, anh Nguyễn Thanh An, người con trai út, sinh 1990, tự hào: “Tôi học được rất nhiều thứ từ bố mẹ mình, sau này lập gia đình tôi mong được như bố mẹ, luôn yêu thương và cảm thông cho nhau. Tôi thấy được hạnh phúc gia đình chính là từ những điều nhỏ nhất, từ những sự quan tâm nhỏ nhặt nhất”.
 
Bà Hòa chia sẻ, gia đình rất quan trọng, là nền tảng của xã hội, muốn chăm sóc được gia đình trước hết phải có sức khỏe, vợ chồng phải biết cảm thông, chia sẻ với nhau, luôn làm gương cho con cháu, ông bà mẫu mực, con cháu mới thảo hiền.
 
Dù trước đây cuộc sống nhiều bận rộn với công việc, con cái, nhưng ông Sâm và bà Hòa luôn tích cực tham gia các công tác xã hội. Các hoạt động của Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ, ông bà đều tham gia, nhất là các hoạt động từ thiện. Hiện tại, bà Hòa còn được tín nhiệm giữ chức Tổ trưởng tổ dân phố. 
 
Gần 45 năm về chung một nhà, ông Sâm chưa một lần nặng lời với vợ, ông bà cứ xưng “anh, em” rồi thủ thỉ cùng nhau lúc về già, họ vẫn luôn đồng hành, yêu thương nhau dù trải qua nhiều khó khăn của cuộc sống. 20 năm liền gia đình ông bà đều đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc. Nay ở tuổi 65, ông bà đều đã về hưu, bà viết thơ, còn ông đọc thơ, bình thơ. Hạnh phúc gia đình đôi khi đơn giản bắt nguồn từ những điều bình dị như thế!
 
NHẬT QUỲNH