Tăng trưởng xanh Đà Lạt thúc đẩy phát triển du lịch

09:08, 17/08/2015

Ngày 8/7, thành phố (Tp.) Đà Lạt đã vinh dự đón nhận Cúp và Chứng nhận "Tp. tiềm năng là Tp. bền vững môi trường ASEAN" lần thứ 2 do Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN công nhận. Đà Lạt cũng đang được Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chọn thí điểm phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh (TTX).

Ngày 8/7, thành phố (Tp.) Đà Lạt đã vinh dự đón nhận Cúp và Chứng nhận “Tp. tiềm năng là Tp. bền vững môi trường ASEAN” lần thứ 2 do Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN công nhận. Đà Lạt cũng đang được Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chọn thí điểm phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh (TTX). Đây là những cơ hội lớn góp phần đắc lực để Đà Lạt đạt sự tăng trưởng mạnh về kinh tế nói chung, đặc biệt là kinh tế du lịch.     
 
Một trong những chỉ tiêu từ nay đến năm 2020 mà Đảng bộ Tp. Đà Lạt đề ra là phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đạt 9 - 10%/năm; tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người năm 2020 đạt 110 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế đến 2020 về dịch vụ - thương mại đạt từ 67 - 67,5%, công nghiệp - xây dựng 18 - 18,5%, nông nghiệp 14 - 14,5%. Với lợi thế địa kinh tế, Đà Lạt đã định hướng trở thành đô thị phát triển KT-XH theo hướng TTX và bền vững như là tất yếu. 
 
Đà Lạt rất ưu thế về tài nguyên rừng và tài nguyên nguồn nước mặt để tăng trưởng xanh
Đà Lạt rất ưu thế về tài nguyên rừng và tài nguyên nguồn nước mặt để tăng trưởng xanh

Tăng trưởng xanh là gì?
 
TTX được coi là một chương trình toàn diện, tạo ra hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, nuôi dưỡng cuộc sống của con người và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. TTX là xây dựng nền kinh tế xanh, là quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn và giảm sự mất công bằng trong xã hội. TTX là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ hội kinh tế mới.
 
Giới học giả Việt Nam định nghĩa TTX là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
 
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” và “Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014-2020”. Mục tiêu chung của TTX là tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển KT-XH. Theo đó, các mục tiêu cụ thể đặt ra đối Việt Nam là: Tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao. Nghiên cứu, ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Qua đó, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh. 
 
Đâu là Đà Lạt tăng trưởng xanh?
 
Tp. Đà Lạt có tài nguyên rừng, tài nguyên nước mặt và tài nguyên du lịch. Trong đó, tài nguyên du lịch như khí hậu, địa hình, cảnh quan và các giá trị văn hóa - lịch sử đặc trưng… là những thế mạnh. Những lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên và văn hóa - xã hội là những tiền đề tốt cho nền kinh tế xanh, trong đó có nhiều thuận lợi, tiềm năng để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao phục vụ xuất khẩu. Phát huy lợi thế này, Tp. đã chủ động thực hiện tái cơ cấu kinh tế và trọng tâm phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững. Đà Lạt cũng đang và tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế trong ứng phó biến đổi khí hậu nói riêng và TTX nói chung. Tuy nhiên, Tp. Đà Lạt cũng đang đối diện với những thách thức như: Nhận thức và năng lực thực hiện TTX chưa cao; Hệ thống thể chế chính sách còn đang trong giai đoạn chuyển đổi, chưa đồng bộ, chưa thật phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hướng tới TTX. Đó còn là hiệu quả sử dụng tài nguyên còn thấp; tài nguyên nước đang bị suy thoái. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp còn tiêu tốn nhiều năng lượng, chưa áp dụng tốt công nghệ sinh học do đó chất lượng sản phẩm thấp, phát sinh nhiều chất thải ô nhiễm…
 
Mục tiêu TTX Tp. Đà Lạt là phát triển kinh tế theo hướng bền vững; quản lý, bảo vệ và phát huy hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả nguồn lực và giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn đa dạng sinh học. Theo đó, những nhiệm vụ cụ thể đặt ra trong thời gian tới là giảm cường độ phát thải khí nhà kính; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững…
 
Phó Chủ tịch UBND Tp. Đà Lạt Tôn Thiện San cho biết những hoạt động TTX cụ thể ưu tiên thực hiện hiện nay bao gồm: tổ chức các con đường hoa, đường phố không rác, hàng “nhãn hiệu xanh”, khuyến khích các tổ chức sử dụng năng lượng tiết kiệm điện. Đó còn là không để phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp, trồng rừng và trồng cây phân tán. Để giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp của Đà Lạt theo hướng giảm nhà kính, nhà lưới; tăng dần sản xuất thủy canh, tiết kiệm nước, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tuyên truyền, vận động nông dân cùng thu gom và xử lý chất thải nông nghiệp… Tp. đang tập trung ưu tiên kêu gọi đầu tư thân thiện môi trường, nhất là lĩnh vực khách sạn, dịch vụ. Chủ tịch UBND Tp. Võ Ngọc Hiệp nhấn mạnh: Đà Lạt đang và tiếp tục ưu tiên các vấn đề như xử lý úng lụt cục bộ thông qua cải tạo kênh, suối (hiện đã khảo sát toàn Tp. có 31 điểm úng lụt phải giải quyết sớm); khuyến khích mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không sử dụng nhà kính; xử lý rác thải và phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp và thuốc bảo vệ thực vật. 
 
Ông Bakhodir Burkhanov - Phó Giám đốc quốc gia Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, sáng kiến về TTX và kế hoạch của Tp. Đà Lạt và Lâm Đồng có sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức ở Việt Nam và Hoa Kỳ. Ông nói: “Chúng tôi đánh giá rất cao, Đà Lạt là một trong số ít Tp. đi đầu về thúc đẩy TTX ở Việt Nam thông qua kế hoạch hành động. Đà Lạt đang kế thừa những kết quả về TTX của các đô thị trên thế giới như tiết kiệm năng lượng, xanh hóa xản xuất, xanh hóa tiêu dùng, giao thông xanh…”. Vì vậy, đáng vui là trong số 15 đô thị ở Việt Nam xây dựng kế hoạch TTX, các tổ chức quốc tế lựa chọn Đà Lạt làm thí điểm. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Giáo dục tài nguyên và môi trường, Bộ KH&ĐT Phạm Hoàng Mai khẳng định: Bộ KH&ĐT sẽ tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ của Đà Lạt và Lâm Đồng những nội dung TTX; cam kết tạo điều kiện nguồn vốn cho Tp. Đà Lạt triển khai thực hiện. Ông Mai cũng đề nghị các ngành của tỉnh lồng ghép các nguồn vốn khác của ngành theo định hướng phát triển TTX Tp. Đà Lạt.
 
MINH ĐẠO