Cảm nhận Đồng Đò

09:12, 31/12/2015

Vào một sáng trung tuần tháng 12/2015, khi đó mặt trời vừa qua đỉnh Brah Yang chừng vài cán xà gạc, tôi có dịp trở lại thôn Đồng Đò (Dong Dor), xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh). Biết là đã vào vụ thu hoạch cà phê, nên tôi cố tình đến sớm. Vậy mà cả thôn lúc này gần như im ắng bóng người. Bà con phần lớn đều tập trung ra nương rẫy lo việc thu hái cà phê.

Vào một sáng trung tuần tháng 12/2015, khi đó mặt trời vừa qua đỉnh Brah Yang chừng vài cán xà gạc, tôi có dịp trở lại thôn Đồng Đò (Dong Dor), xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh). Biết là đã vào vụ thu hoạch cà phê, nên tôi cố tình đến sớm. Vậy mà cả thôn lúc này gần như im ắng bóng người. Bà con phần lớn đều tập trung ra nương rẫy lo việc thu hái cà phê.
 
Những gia đình văn hóa tiêu biểu
Những gia đình văn hóa tiêu biểu

Cảm nhận đầu tiên với tôi, hình như năm nay bà con thôn Đồng Đò được mùa cà phê. Tà tà trên xe máy lướt qua vài nhánh đường trong thôn, tôi bắt gặp chỗ nào cũng phơi cà phê. Lúc này, Sân Bóng đá của thôn lại nhường chỗ để phơi cà phê, không chen lọt bàn chân. Cả sân nhà, dưới mái hiên gia đình nào cũng đầy ắp cà phê; phần thì đang phơi, phần thì còn nguyên bao cà phê tươi mới hái. Gặp một cụ bà đang cào cà phê phơi trên sân nhà, không biết có nghe rõ tiếng tôi hỏi, cụ xua tay lắc đầu: “Không ai có nhà đâu, vào vườn hết rồi!”.
 
Tìm đến Già làng K’Gếuh, mừng quá, chỉ chậm tích tắc là ông lên nương mất rồi. Vì tôi đã quen ông từ đầu năm 1976 (lúc còn là thanh niên) và thi thoảng gặp nhau, nên Già làng K’Gếuh với tôi bây giờ vẫn thân mật như người nhà vậy. Bảo con gái pha ấm nước trà, rồi ông tâm sự với tôi: “Trưởng có khỏe không?”. “Dạ! Em cũng khỏe!”. Sắp về hưu chưa?”. “Cũng sắp sắp rồi anh!”… 
 
Một kỷ niệm đầu đời không bao giờ quên, vào năm 1976, tôi được phân công cùng với đoàn công tác của tỉnh Lâm Đồng cũ về Đồng Đò “nằm vùng” (cùng ăn cùng ở với bà con) gần 2 tháng, nên tôi biết rất rõ về đời sống, sinh hoạt của bà con dân tộc thiểu số (DTTS) ở thôn Đồng Đò từ những ngày đầu mới giải phóng. Trong số những bà con hồi đó tôi quen, bây giờ hỏi lại thì mới biết người còn, người mất. Nghe anh K’Gếuh (bây giờ là Già làng) kể về thôn Đồng Đò hôm nay, tôi không khỏi chạnh lòng và thực tâm là nửa buồn, nửa vui. Buồn là vì một số bà con tôi quen, nay họ đã “về với Yàng”. Vui là vì cuộc sống của bà con nay đã “thay da, đổi thịt” quá nhiều. 
 
Theo lời Già làng K’Gếuh, thôn Đồng Đò bây giờ có 302 hộ, khoảng 1.800 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm 93%. Không còn sinh sống tập trung chật chội như ngày trước nữa, mà cách đây đã 25 năm, cư dân trong thôn được quy hoạch giãn ra. Dù ít, dù nhiều, gia đình nào cũng có mảnh vườn để trồng cây và chăn nuôi con heo, con gà. Với Đồng Đò, diện tích đất sản xuất nông nghiệp không nhiều lắm, bình quân mỗi gia đình chỉ hơn 1ha và toàn thôn chỉ có 332ha (gồm 210ha cà phê, còn lại là ruộng sản xuất lúa nước). Do vậy, để đảm bảo cuộc sống và có tích lũy, bà con phải thâm canh, tăng năng suất và làm thêm một số ngành nghề khác. Hàng năm, khi có các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất và chăn nuôi, thôn Đồng Đò đều lần lượt cử bà con tham gia hoặc cử đại diện, sau đó về hướng dẫn lại. Nhờ đó, kinh tế của thôn luôn tăng trưởng. Mức thu nhập bình quân đầu người đã đạt hơn 25 triệu đồng (năm 2015). Hiện tại, trong thôn có tới 210 gia đình có mức sống giàu và khá, chiếm tỷ lệ 75%; số gia đình nghèo chỉ còn 8, chiếm tỷ lệ 2,6%. Tất cả 100% gia đình trong thôn đều có điện thắp sáng. Diện mạo nông thôn mới ở đây ngày càng khởi sắc. Toàn thôn đã có 220 hộ có nhà xây kiên cố và 58 hộ có nhà xây bán kiên cố. Bà con trong thôn đã mua sắm 64 chiếc máy kéo, máy cày; 230 máy xay cà phê và bơm nước chống hạn. Nhà nào cũng có phương tiện xe máy để đi lại; có ti vi để xem thời sự, nghe thông tin và giải trí… “Riêng tôi, trước đây có hơn 4ha cà phê, nay cho bớt các con, hiện chỉ còn 2ha. Mỗi năm, tôi thu hoạch được 5 đến 6 tấn cà phê nhân. Không còn như ngày trước nữa, bây giờ cuộc sống của gia đình và các con, cháu tương đối khá giả” - Già làng K’Gếuh nói.
 
Già làng K’Gếuh là người luôn tích cực tham gia mọi hoạt động xã hội tại địa phương. Từ việc thôn đến việc xã, ông không bao giờ nề hà. Ông là một trong những người dân địa phương được kết nạp vào Đảng rất sớm và ông hiện là già làng duy nhất ở thôn Đồng Đò. “Có được như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ, Ban điều hành thôn, Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể quần chúng trong thôn đều có sự phối hợp nhịp nhàng trong mọi hoạt động và các phong trào thi đua yêu nước, nên Đồng Đò luôn đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội và là thôn điển hình về nhiều mặt của xã Tân Nghĩa” - Già làng K’Gếuh cho biết thêm. Chi bộ thôn Đồng Đò hiện có 10 đảng viên. Trong nhiều năm liền, Chi bộ đều đạt “trong sạch vững mạnh”. Mỗi đảng viên trong Chi bộ đều là những tấm gương sáng trong các phong trào. 
 
Đến thăm anh bạn K’Bẻo, tôi có cảm giác thời gian trôi qua nhanh thật, như mới ngày nào mà bây giờ anh đã ngoài tuổi 60. Trông già và hơi gầy, nhưng anh còn rất khỏe. Bây giờ anh được giao làm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn. Anh nói vui: “Trưởng ơi! Mình “né” hoài mà cũng không được! Thế thì tham gia công việc ở thôn ti tí cho vui!”. Tôi nghĩ bụng, anh được bà con “gởi gắm” trọng trách đó cũng phải, vì trước ngày giải phóng, anh là số ít thanh niên trong thôn đã học xong lớp 12/12.  
 
Anh K’Bẻo tâm sự: “Một trong những cái nổi bật của Đồng Đò là tình làng nghĩa xóm. Bà con trong thôn biết đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt, trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, bà con trong thôn đều đồng lòng hưởng ứng. Đồng Đò luôn giữ được phong trào văn nghệ, thể dục thể thao và không còn mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu như ngày trước nữa. Nhờ vậy, thôn vừa được công nhận và đã tổ chức đón Bằng công nhận thôn văn hóa lần 2”. Hàng năm, thôn Đồng Đò duy trì đều đặn việc bình xét để công nhận “gia đình văn hóa” và năm nào cũng vậy, kết qủa đạt tỷ lệ khá cao. Riêng năm 2015, qua bình xét, thôn Đồng Đò có 240 gia đình đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”, chiếm 86%. 
 
Cũng là vùng cư dân DTTS Tây Nguyên sinh sống, nhưng Đồng Đò nằm cận kề với trung tâm huyện lỵ Di Linh, nên điều kiện hưởng thụ đời sống tinh thần cao hơn nhiều so với vùng sâu. “Bây giờ trong thôn không còn hủ tục ma chay và tập tục thách cưới như ngày trước. Các thiết chế văn hóa trong thôn được hình thành, tạo “sân chơi” cho mọi lứa tuổi. Các Câu lạc bộ gia đình văn hóa, Nhóm tuyên truyền vận động pháp luật trong cộng đồng dân cư, Câu lạc bộ phòng chống tội phạm, Chi hội khuyến học… đã được hình thành và phát huy được tinh thần tự quản, thu hút đông đảo bà con trong thôn hăng hái tham gia” - anh K’Bẻo cho biết.
 
Mặc dù trong thời gian không lâu khi trở lại Đồng Đò, tôi vẫn cảm nhận được ở đây đã đổi thay khá toàn diện. Tuy nhiên, điều mà không chỉ Già làng K’Gếuh, anh K’Bẻo mà ngay cả Trưởng thôn K’Niêm vẫn còn trăn trở là làm thế nào để “xóa” nốt 8 hộ nghèo và vận động bà con đóng góp tiền, hiến đất để “bê tông hóa” những tuyến đường giao thông nông thôn còn lại. 
 
Theo Già làng K’Gếuh, chờ bà con thu hái cà phê và ăn Tết Nguyên đán xong, thôn sẽ tiếp tục vận động bà con đóng góp làm đường. Còn K’Niêm bảo với tôi rằng: “Mới đây, tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và đón Bằng công nhận thôn văn hóa lần 2, thôn đã phát động và kêu gọi bà con hưởng ứng các phong thào thi đua yêu nước. Thôn phấn đấu trong năm 2015 sẽ cố gắng giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1%”. Trưởng thôn K’Niêm giải thích thêm: “Tuy không nhiều, nhưng chưa thể “xóa” hết được, vì thường phát sinh một số hộ nghèo do lúc đầu mới tách hộ ở riêng. Mặt khác, trong thôn hiện chỉ có 1 hộ nghèo khó “xóa” được, là vì các con đã tách hộ ở riêng, cả hai vợ chồng lớn tuổi đều lâm bệnh, không lao động được. Còn phần lớn những hộ mới tách đều là tuổi trẻ nên việc vươn lên thoát nghèo chỉ trong tầm tay”.
 
Ghi chép BÙI TRƯỞNG