Tạo điều kiện phát triển cho cộng đồng

08:01, 20/01/2016

Bình đẳng giới là một trong những nội dung được Đảng và Nhà nước quan tâm, đưa thành chiến lược quốc gia. Lâm Đồng, với vị thế một tỉnh Tây Nguyên, đã và đang thực hiện những mục tiêu của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020...

Bình đẳng giới là một trong những nội dung được Đảng và Nhà nước quan tâm, đưa thành chiến lược quốc gia. Lâm Đồng, với vị thế một tỉnh Tây Nguyên, đã và đang thực hiện những mục tiêu của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, bước đầu đạt được những kết quả nhất định.
 
Phụ nữ tham gia lao động ở hầu hết các lĩnh vực
Phụ nữ tham gia lao động ở hầu hết các lĩnh vực

Với Lâm Đồng, mục tiêu chủ yếu vẫn là nâng cao nhận thức cho toàn thể cộng đồng về bình đẳng giới, nâng cao vị thế của người phụ nữ trong cộng đồng, phụ nữ được thụ hưởng và tham gia tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Đầu tiên, đó phải kể tới việc quy hoạch cán bộ phụ nữ tham gia lãnh đạo các cơ quan nhà nước, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, sắp xếp công việc đúng chuyên môn, đúng năng lực để phát huy tốt nhiệm vụ. Hiện tại, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng ở địa phương là 390/1.800 người, cơ quan Đảng, đoàn thể, Nhà nước có cấp trưởng là nữ 7/27 người, cấp phó là 27/27 người. 
 
Nhằm đưa vị thế của người phụ nữ trong xã hội tăng cao, các hoạt động hỗ trợ chị em có việc làm, nâng cao thu nhập cũng được chú trọng. Việc dạy nghề, học nghề, tạo vốn tín dụng được chú trọng với gần 33 ngàn lượt phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn, xấp xỉ 33 ngàn chị em có việc làm ổn định sau học nghề. Đặc biệt quan trọng là việc giúp trẻ em gái, phụ nữ được tiếp cận cơ hội học tập. Hiện số trường học đã được củng cố và phát triển tại tất cả các xã phường, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu học tập cho toàn thể cộng đồng. Việc học không chỉ diễn ra trong thời gian đi học mà cung cấp thông tin cho phụ nữ trong suốt quá trình sinh hoạt, giúp phụ nữ nâng cao kiến thức, tự tu dưỡng bản thân. 
 
Một trong những thành tựu của Lâm Đồng trong bình đẳng giới chính là lĩnh vực y tế, với tỷ số giới tính khi sinh trai/gái là 112,8/100 nữ, thấp hơn con số chung của toàn quốc. Tử vong mẹ luôn thấp hơn so với cả nước, chỉ có 2 trường hợp trong năm 2015 do các nguyên nhân không liên quan tới tai biến sản khoa. Hệ thống y tế được phủ kín, bà mẹ mang thai được chăm sóc với tỷ lệ trên 96%. Bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh luôn ở mức cao, năm 2012 đạt 77% và năm 2015 đạt 80,9%. Các hoạt động nâng cao dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em như nuôi con bằng sữa mẹ, tổ chức bữa ăn dinh dưỡng được tổ chức thường xuyên, rộng rãi tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Nhờ vậy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi của trẻ đều giảm theo từng năm. Phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV đạt mức cao, tỷ lệ nạo phá thai giảm so với mục tiêu toàn quốc. Đây chính là tiền đề để trẻ em gái có một tương lai tươi sáng với cơ thể khỏe mạnh. 
 
Với Lâm Đồng, chuyện bạo hành gia đình với phụ nữ và trẻ em vẫn diễn ra và các cơ quan quản lý đã có nhiều hoạt động hỗ trợ. Cụ thể, từ năm 2011 tới 2015 có 2.830 vụ bạo lực gia đình được báo cáo. Có 40% nạn nhân được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình. Và 70% người có hành vi bạo lực được tư vấn thay đổi nhận thức và hành vi. Tuy nhiên, trong thực tế các vụ bạo hành gia đình vẫn xảy ra mà chưa được báo cáo do nhận thức của toàn thể cộng đồng về bạo lực gia đình vẫn còn hạn chế, bản thân người phụ nữ vẫn chưa ý thức được quyền lợi của bản thân. Đây sẽ là một cuộc đổi thay lâu dài và cần rất nhiều sự cố gắng của toàn xã hội. 
 
Bình đẳng giới là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển đồng thời là nền tảng giúp cộng đồng phát triển bền vững. Trên con đường phát triển kinh tế - xã hội, Lâm Đồng tiếp tục theo đuổi các mục tiêu xây dựng một xã hội mà trong đó, vai trò của người phụ nữ, trẻ em gái được tôn trọng, tạo điều kiện phát triển và đóng góp công sức cho cộng đồng chung.
 
Diệp Quỳnh