Về lại chiến khu K4

08:01, 13/01/2016

Trong chuyến đi thực tế do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức ở Đạ Tẻh, chúng tôi được lãnh đạo huyện cho đi thăm nhiều nơi, được tiếp cận nhân chứng. Mới biết thêm Đạ Tẻh ngoài chiến khu vùng 3 sau này đổi thành K4 còn là một khu công doanh của Ban Tài chính Tỉnh ủy. Từ một vùng núi rừng hiểm trở, Đạ Tẻh hôm nay được xếp là đô thị loại 4 với phố xá rộng đẹp, ban đêm đèn cao áp sáng trưng.

Trong chuyến đi thực tế do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức ở Đạ Tẻh, chúng tôi được lãnh đạo huyện cho đi thăm nhiều nơi, được tiếp cận nhân chứng. Mới biết thêm Đạ Tẻh ngoài chiến khu vùng 3 sau này đổi thành K4 còn là một khu công doanh của Ban Tài chính Tỉnh ủy. Từ một vùng núi rừng hiểm trở, Đạ Tẻh hôm nay được xếp là đô thị loại 4 với phố xá rộng đẹp, ban đêm đèn cao áp sáng trưng.
 
Cánh đồng lúa An Nhơn
Cánh đồng lúa An Nhơn

Người con của núi rừng Đạ Tẻh
 
Biết tôi muốn tìm hiểu về vùng đất Đạ Tẻh trong quá khứ, ông bạn vong niên là người Mạ bảo: “Xuống buôn Đạ Kla, tìm gặp K’Oanh. Nó làm đến chức Trung tá ở Đạ Tẻh, bây giờ về hưu rồi, nó biết nhiều chuyện về chiến tranh lắm đó”.
 
Ngay chân đèo Kon Oh là vùng đất bằng của các xã Mỹ Đức, Quốc Oai, nơi bà con Hà Tây vào lập nghiệp năm 1986. Chạy thêm 6km đến trung tâm thị trấn Đạ Tẻh, ghé quán cà phê hỏi thăm buôn Đạ Kla khá nhiều người ngơ ngác, cũng may bàn kế bên có 4 thanh niên Mạ đang ngồi rung đùi nghe nhạc, được các em chỉ tay xuống đất cho biết: “Đây là buôn Đạ Kla, bây giờ buôn đã lên phố rồi, còn đâu mà tìm”. Một em chỉ cây xăng trước mặt cách khoảng 50m nói: “Chỗ cây xăng kia là nhà cũ của tui, tui được sinh ra dưới bụi tre. Mẹ tui bán miếng đất đó từ năm 1980”. 
 
Trước mặt tôi là phố xá đường rộng nhà xây, người và xe xuôi ngược. Nhìn thị trấn Đạ Tẻh được xếp là đô thị loại 4, không ai có thể tưởng tượng được vào năm 1958 trên bản đồ quân sự của chế độ cũ ghi hàng chữ “khu Mạ hoang”. Vùng đất này gắn liền với các căn cứ Cách mạng. Nơi đây là hành lang đi dọc các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng, Đồng Nai, Phước Long, Đắk Lắk, được gọi là vùng 3 sau này là K4. Từ giữa năm 1976, thực hiện chủ trương giãn dân của Nhà nước, Đạ Tẻh được qui hoạch là khu kinh tế mới tiếp nhận dân từ miền Bắc và miền Trung vào lập nghiệp. Hiện nay, huyện Đạ Tẻh có 47.827 người, với diện tích 527,9km 2, gồm 1 thị trấn và 10 xã. 
 
Trung tá K’Oanh
Trung tá K’Oanh
Tìm nhà Trung tá K’Oanh không khó, tuy nhà ở mặt phố nhưng ông trồng một cây xoài to và đám mía trước sân. Hầu hết dân Đạ Tẻh sống ở buôn Đạ Kla từ năm 1976 đến giờ nhiều người biết ông đến mức trân trọng. Ông K’Oanh sinh năm 1940 tại buôn Đạ Kla, tham gia cách mạng 1960, là một trong những giao liên cừ khôi nhất ở Nam Tây Nguyên. Có người nói nếu cộng hết chuyến đi trong đời làm giao liên của ông thì gấp mấy lần từ Sài Gòn ra Hà Nội. Ở hành lang chiến lược này, chỗ nào cũng còn in dấu chân ông. Sau khi thôi làm giao liên, ông trở thành trung đội trưởng du kích vùng 3, quản lý những tay súng bắn tỉa thiện xạ của người Mạ-K’Ho. Đến năm 1987, ông mang hàm Trung tá, Phó Chỉ huy Chính trị Huyện đội cho đến ngày nghỉ hưu. 
 
Ông K’Oanh vóc người nhỏ nhắn, cao trên 1m55. Khi tôi đến, ông mặc quần đùi, khệ nệ đặt bình trà và 4 cái ly nằm trên vạt áo trước bụng mang ra gốc xoài tiếp khách. Ở tuổi 75 nhưng cựu Trung tá K’Oanh còn minh mẫn. Ông kể: “Đạ Tẻh được như hôm nay là một quá trình làm việc hết mình của chính quyền và nhân dân, trong đó có công của người Mạ. Thời chiến tranh, nếu nói ở sóc Bom Bo người Stiêng giã gạo nuôi quân góp công cho kháng chiến, thì các chị em người Mạ ở Đạ Tẻh vào đầu năm 1975 chỉ trong hai tuần lễ đã giã 1.500 gùi lúa phục vụ cho chiến dịch giải phóng Lâm Đồng cũ. Cũng vào đầu năm 75, thực hiện chủ trương của trên là khôi phục và mở đường từ vùng 3 lên dốc Kon Oh đến đồi B’Rá để đặt trọng pháo, cũng chỉ trong hai tuần bà con người Mạ đã hoàn thành con đường dài 12km, rồi dùng sức người kéo hai khẩu pháo 130 ly và hàng trăm quả đạn đến trận địa. Cũng chính con đường này trở thành đường hành quân của Trung đoàn 141 thuộc Sư đoàn 7”. Ông hỏi: “Vừa từ dốc Kon Oh xuống có ghé thăm B’Rá không! Bây giờ gọi là Tỉnh lộ 725 rộng đẹp chứ ngày xưa gian khổ lắm”.
 
Người Bí thư “nhân dân”
 
Ông Nguyễn Mạnh Việt, 45 tuổi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh tiễn chúng tôi ra khỏi phòng giới thiệu “Chú Trương Văn Sáu - nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy hai nhiệm kỳ, chú là một trong những người lãnh đạo đầu tiên ở vùng kinh tế mới này. Thời ấy, chú có nhiều quyết sách táo bạo, hiện nay chú đã về hưu ở thị trấn, các anh nên ghé thăm chú và hỏi thêm. Chắc chắn có nhiều sự kiện nóng bỏng thời đó”.
 
Bảy giờ sáng tìm đến nhà ông Sáu. Đó là ngôi nhà Thái nhỏ nhắn xây kiểu biệt thự ở vùng sâu vùng xa, xung quanh là vườn cây trái, trước cổng là giàn hoa tím. Ông Sáu gốc Đồng Tháp, vóc người xương xương, nói năng nhỏ nhẹ nhưng có giọng cười thoải mái của dân Nam Bộ. Ông sinh năm 1947, tham gia cách mạng 1966 nhưng sống và công tác ở Đạ Tẻh từ năm 1970 đến lúc về hưu. 
 
Khi được hỏi về thời xa vắng, ông xoay xoay ly trà nóng, nhíu mày chép miệng “Việc lãnh đạo một huyện kinh tế mới giống như cặp vợ chồng ra riêng với hai bàn tay trắng. Lúc ấy, bà con từ các nơi nườm nượp kéo đến. Nhớ năm 1977, tỉnh Hà Sơn Bình đưa 2.000 thanh niên nam nữ vào khai hoang. Đến cuối năm nhận thêm 4.200 rồi tiếp tục nhận 1.200 thanh niên Huế, rồi 1.000 hộ dân vào xây dựng kinh tế mới. Đó là con số di dân có tổ chức, sau này bà con Tày, Nùng di cư tự do, họ thuê xe đi từng đoàn, có khi sáng ngủ dậy đã thấy cả mấy trăm gia đình bà con dân tộc ngoài Bắc vào ở đầy trong chợ, trường học. Việc xua đuổi bà con di cư tự do thì không khó, nhưng bố trí thế nào để bà con tồn tại mới là bài toán. Có dân rồi giữ được dân bám trụ nơi mới lại càng quyết liệt hơn. Làm một cán bộ lãnh đạo mà dân bỏ quê hương ra đi vì đói kém là một nỗi buồn. Sau năm 1986, các bà con nơi khác lại kéo đến trong khi huyện mới thành lập kinh phí dự phòng chưa có, nhiều lúc thức trắng. Công việc đầu tiên lo giải quyết là nguồn điện, theo dự toán trên 2 tỉ đồng. Tỉnh cho chủ trương nhưng không có tiền, huyện đành bán Trụ sở Ủy ban 670 triệu đồng cho Sở Giáo dục để thành lập trường dân tộc nội trú cho các huyện, thị phía nam, vay thêm ngân hàng đến bây giờ còn nợ 500 triệu đồng chưa trả nổi. Chưa hết, điện đã kéo về nhưng không cho đóng, lại cơm đùm cơm nắm ra tận Hà Nội. Có điện rồi quay sang lo cái ăn cho bà con bằng cách phát triển ruộng nước với công trình thủy lợi, có ăn rồi lại lo làm chợ, huyện đuối sức phải tìm cách xoay xở tận dụng nguồn vốn nhân dân mà không vi phạm đường lối, chủ trương của Đảng”.
 
Ông Sáu vẫn xoay xoay ly trà, ông đưa lên đưa xuống mấy lần nhưng không uống nổi. Có lẽ cả một thời gian khó từ những năm đầu hiện về như một dòng chảy tâm thức được dịp tái hiện. Buổi sáng, khí trời Đạ Tẻh khá lạnh, gió từ các thửa vườn và rừng hoang thoang thoảng thổi về. Lặng im rồi, ông tiếp tục: “Đối với bà con dân tộc Mạ trên dưới 5.000 ngàn người từ các buôn Đạ Kla, buôn Gô, Đăng Mít, Bà Sar, Kon Oh... Họ là những người một thời theo cách mạng tiếp tế nuôi quân tải đạn... Tôi đã ở với bà con vùng này từ năm 1972, thời đó lái máy cày cho Ban Tài chính Tỉnh ủy, nên biết được tên tuổi và tính khí của bà con. Thời bao cấp bà con Mạ được phát không sổ gạo tem phiếu. Sau này, khi Nông trường Hà Giang giải tán, huyện giao lại hết cho bà con từ ruộng đất đến trâu bò tiếp tục canh tác. Tuy nhiên, bà con thời ấy không quen trồng lúa nước, nên chính quyền phải tổ chức cày bừa gieo hạt để bà con thu hoạch, nhưng rồi họ cũng bán, rủ nhau về lại buôn Tố Nha, Tố Lan, Kon Oh trồng lúa rẫy. Để hạn chế thấp nhất nạn phá rừng, chính quyền xây dựng buôn làng mới với diện tích 500ha tại xã Đà Pan trồng sẵn cà phê để cho đồng bào chủ động cơm áo. Bà con bám trụ ở lại, kinh tế căn bản hơn, cũng có người tháo chạy bán “chui” theo hình thức vòng vòng, né chủ trương cấm người Kinh mua đất”. Ông kể bằng chất giọng buồn buồn pha lẫn đau xót.
 
Để chứng minh kết quả thực hiện của Đảng bộ huyện, ông Sáu dẫn tôi đi vòng quanh thị trấn. Đến đâu, từ người Kinh cho đến đồng bào Mạ, K’Ho… ai cũng vui vẻ trân trọng ông. Ông K’Lái ôm ông hỏi: “Anh Sáu nhớ năm 1972, tôi với anh đi cày bằng máy không!”. Ông K’Prú cầm tay ông nhắc lại vụ mượn 100 ngàn. Bà con đi kinh tế mới năm xưa cầm tay ông lắc lắc: “Cũng nhờ ông Bí thư mà bà con trở nên khá giả. Ông đúng là người Bí thư Nhân dân”.
 
* * *
 
Rời Đạ Tẻh giữa lúc trời nhá nhem tối, phố xá đã bắt đầu lên đèn. Ở phía xa buôn Kon Oh cũng chấp chới ánh điện. Tôi nhớ đến ông Sáu, người Bí thư Huyện ủy hết lòng chăm lo đời sống cho dân kinh tế mới. Ông đã cho xây đập nước rộng gần 100ha phục vụ tưới tiêu cho các xã Mỹ Đức, Hà Đông, Quốc Oai, An Nhơn, Triệu Hải… Trong đó, có cánh đồng An Nhơn rộng 600ha, vùng chuyên canh lúa thơm ngon trở thành đặc sản của địa phương. Lớp trẻ bây giờ đi trên phố, ban đêm đèn cao áp tỏa xuống mặt đường nhựa phẳng lỳ. Không biết trong các em có ai còn nhớ tên tuổi của các tiền nhân ở khu kinh tế này, những người một thời đêm trắng tìm cách giữ dân ở lại rồi phát huy khả năng con người thông qua chủ trương đúng với tình hình thực tế để có cuộc sống giàu có hôm nay.
 
Ghi chép: TRẦN ĐẠI