''Cây cao bóng cả'' Đạ Đờn

06:11, 18/11/2019

Là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Đạ R'Koh, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà; ông K'Krong (sinh năm 1956) luôn luôn tâm niệm rằng còn sức thì còn cống hiến cho bà con, quê hương...

Là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở thôn Đạ R’Koh, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà; ông K’Krong (sinh năm 1956) luôn luôn tâm niệm rằng còn sức thì còn cống hiến cho bà con, quê hương. Ông một lòng quyết tâm xây dựng thôn xóm giàu mạnh, thực hiện mục tiêu nông thôn mới (NTM), nhất là nâng cao thu nhập cho bà con và bê tông hóa đường làng, ngõ xóm.
 
Ông K’Krong luôn mong muốn thôn xóm phát triển, thay đổi diện mạo; con cháu lưu giữ văn hóa truyền thống, hồn cốt của bản làng. Ảnh: T.Đức
Ông K’Krong luôn mong muốn thôn xóm phát triển, thay đổi diện mạo; con cháu lưu giữ văn hóa truyền thống, hồn cốt của bản làng. Ảnh: T.Đức
 
Từng giữ cương vị là Bí thư Đảng ủy xã Đạ Đờn, khi nghỉ hưu, ông K’Krong trở về thôn, vẫn trong tâm thế vững vàng của người con núi rừng. Hằng ngày ông tay cuốc, tay cày, đôi chân trần vẫn còn nhanh nhẹn nơi nương rẫy để phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ con cháu trong việc làm nông.
 
Ông K’Krong tâm sự: Về hưu rồi nhưng mình cũng phải lao động, vì lao động là vẻ vang và cần thiết. Mình “tự soi” mình, tự rèn luyện để con cháu trong nhà học tập, bà con thấy vậy mà nhìn nhận, chứ chưa nói gì đến học tập. Họ chỉ cần nhìn vào mảnh đất của mình, vườn tược của mình, ruộng lúa của mình là thấu hiểu thôi à. Bản thân mình làm 1,5 ha cà phê, 1 sào lúa nước, chỉ công việc nặng nhọc không phù hợp với tuổi tác mình mới nhờ con cháu, mướn người làm...; còn lại những việc khác thì mình làm cả, quanh năm lăn lộn với thớ đất, gốc cà phê, hạt lúa nặng trĩu mồ hôi là hạnh phúc rồi.
 
Thôn Đạ R’Koh có 210 hộ, trong đó khoảng 180 hộ là đồng bào DTTS, cả thôn còn 6 hộ nghèo - đây chính là nỗi niềm, tâm tư của ông K’Krong. Trong tâm niệm của ông, giúp đỡ bà con thoát nghèo chính là nhiệm vụ của chính mình. Không giúp được bằng vật chất thì ông giúp đỡ bằng tiếng nói, khơi dậy trong đồng bào về sự gắn bó giữa đất và người. Giờ đây, với cương vị mới là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn, ông luôn cùng người cao tuổi giáo dục con cháu, thường xuyên gặp gỡ những gia đình khó khăn, nghèo khổ để tìm cách tháo gỡ vướng mắc, phân tích lý do vì sao các hộ ấy nghèo đói. Rồi từ đó tìm ra phương án giúp đỡ sát sao nhất, chứ không nặng tính hình thức. Ví dụ như hộ nào nếu hộ nghèo thuộc diện neo đơn, đơn chiếc thì mình giúp đỡ bằng hướng riêng, hộ nghèo thiếu phương thức sản xuất thì giúp đỡ theo cách khác, hộ nghèo vì không tích cực lao động thì giúp đỡ, động viên kiểu khác...
 
Trong nhiệm vụ chung xây dựng NTM, ông K’ Krong đã cùng với các đồng chí trong thôn, chi bộ đi đến từng nhà vận động bà con quyết tâm xây dựng NTM theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, tất cả vì mục đích chung: Xây dựng địa phương giàu mạnh.
 
Vừa qua, ông K’Krong đã vận động 37 hộ dân hiến đất, đóng góp tiền của để cùng với Nhà nước thực hiện bê tông hóa đường làng, ngõ xóm.
 
Thấy ông K’Krong phân tích, lý giải rõ ràng về việc xây dựng NTM, nhất là về đường sá thì ai cũng đồng tình, ủng hộ, dồn sức, dồn lực để thay đổi diện mạo nơi mình sinh sống. 
 
Ông K’Krong chia sẻ: Cuối năm nay, tôi lại tiếp tục đi đến từng nhà chú à, còn một xóm khoảng chừng 250 mét chưa được bê tông hóa, còn lầy lội khi mưa gió nhiều, ở đây có khoảng 38 hộ dân. Mình phải đi đến từng nhà để phân tích cho họ hiểu việc Nhà nước với Nhân dân cùng làm trong xây dựng NTM chứ không trông chờ ỉ lại nữa. Vì mùa này là mùa thu hoạch cà phê nên bà con có thu nhập, việc đóng góp của họ sẽ dễ dàng hơn các thời gian khác trong năm, nhiều lúc mình đi vận động nhiều người cứ bảo rằng không biết có lợi lộc gì không mà ông cứ đi hoài. Nhưng bằng sự trong sáng và quyết tâm thay đổi diện mạo nông thôn nên tôi cứ thẳng tiến thôi, riết rồi bà con cũng thông cảm. Từ một hộ nhận định cái lợi của việc bê tông hóa đường sá, rồi hai hộ, rồi đến cả một xóm, rồi xóm này học tập xóm khác. 
 
Không chỉ tích cực trong công tác vận động xây dựng NTM, ông K’Krong luôn tuyên truyền đến con cháu, thôn xóm tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Là đảng viên của Chi bộ thôn Đạ R’Koh, ông luôn phát huy vai trò đảng viên ở nông thôn, vùng đồng bào DTTS, theo dõi và quan tâm, giúp đỡ các thanh niên trẻ có nhiệt huyết để giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp. Năm 2018, khi sinh hoạt trong Chi bộ, ông được phân công bồi dưỡng thế hệ trẻ, tạo nguồn kết nạp đảng viên. Qua đó, ông đã giới thiệu cho Đảng đồng chí K’Duyết là thanh niên gương mẫu tại địa phương, có trình độ, năng lực và đạo đức tốt, luôn là yếu tố tiên phong trong các phong trào của thôn, xã.
 
Thực hiện tốt công tác trên mặt trận kinh tế, tư tưởng, xây dựng NTM nhưng cái quý hơn nữa trong con người ông K’Krong chính là luôn nỗ lực, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trở về địa phương, ông tìm lại những người biết về cồng chiêng, thành lập một đội cồng chiêng gồm 6 thành viên do mình làm đội trưởng. Thường xuyên luyện tập và biểu diễn trong thôn xóm, cái chính của công việc này chính là đưa đội đi vào hoạt động chuyên nghiệp rồi mở lớp truyền dạy cho con cháu, thanh niên trong thôn xóm. 
 
Ông K’Krong giới thiệu về cồng chiêng được ông sưu tầm, cất giữ ở gia đình mình như một báu vật của núi rừng. Ông chụm tay, đánh những hồi như sấm vang rền thức dậy núi rừng. Ông miên man nhớ về một triền ký ức ngày xưa khi thôn xóm ai cũng biết đến cồng chiêng nhưng bây giờ thì vắng lắm, nhất là trong thanh niên. Vì thế nên ông quyết tâm tập hợp những người trong độ tuổi của mình lại, thành lập đội, được chính quyền địa phương và người dân đồng tình ủng hộ. 
 
TỨ ĐỨC