Ấm áp những ngôi nhà "Nghĩa tình đồng đội"

05:05, 13/05/2020

Trải qua nhiều hy sinh gian khổ, trở về đời thường, các cựu chiến binh nay đã tuổi cao sức yếu, nhiều người gặp khó khăn trong cuộc sống.

Trải qua nhiều hy sinh gian khổ, trở về đời thường, các cựu chiến binh (CCB) nay đã tuổi cao sức yếu, nhiều người gặp khó khăn trong cuộc sống. Bằng tinh thần tương thân tương ái của đồng chí, đồng đội, những ngôi nhà được xây nên bằng nghĩa, bằng tình đã tiếp thêm động lực giúp những CCB vươn lên ổn định cuộc sống.
 
Vợ chồng CCB Bùi Văn Tín quây quần bên các cháu trong ngôi nhà Nghĩa tình đồng đội.
Vợ chồng CCB Bùi Văn Tín quây quần bên các cháu trong ngôi nhà Nghĩa tình đồng đội.
 
Ngôi nhà xây khang trang rộng hơn 60 m2 là niềm mơ ước cả đời của cựu chiến binh Bùi Văn Tín (Thôn 5, xã Triệu Hải, Đạ Tẻh). Gần 70 tuổi, người lính năm xưa từng “xẻ dọc Trường Sơn” vào sinh ra tử ở chiến trường Đắc Tô - Tân Cảnh (Kon Tum). May mắn sống sót, ông trở về quê Nam Định sau ngày đất nước thống nhất, lập gia đình, sinh con (4 đứa), vùng quê nghèo quanh năm thiếu cái ăn. Năm 1986, ông đưa vợ và các con vào xã Triệu Hải lập nghiệp, ngôi nhà nhỏ bằng ván gỗ được dựng lên. Cả gia đình sống nhờ vào 5 sào ruộng, quanh năm quần quật trồng lúa, bắp cũng chỉ đủ nuôi lớn các con. Ông Tín mỗi ngày thêm già yếu, mắt mờ dần đi, sức khỏe cũng suy giảm, 30 năm, ngôi nhà cũng mỗi ngày thêm cũ nát, ẩm thấp khi mùa mưa đến. Từ 50 triệu đồng của Hội CCB huyện hỗ trợ xây nhà “Nghĩa tình đồng đội”, vợ chồng ông Tín dồn tiền tích cóp được, vay mượn được 100 triệu đồng nữa, xây dựng ngôi nhà khang trang, ấm cúng, là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi, là nơi để một đàn cháu nội ngoại sớm tối đi về quây quần bên ông bà, có chỗ chạy nhảy chơi đùa. Ngôi nhà cũ, ông tu sửa lại chuyển đổi qua trồng dâu, nuôi tằm, mỗi lứa chỉ một hộp trứng, cuộc sống của hai vợ chồng người CCB già ổn định dần lên. Ông Bùi Văn Tín xúc động: “Nhờ có đồng đội mà tôi có nhà mới, cuộc sống như sang trang mới”. 
 
Trước ngôi nhà còn thơm mùi vôi vữa, tấm bảng “Nhà nghĩa tình đồng đội” được treo trang trọng bên tường trái, ai qua lại cũng dễ dàng nhìn thấy, vợ chồng CCB Nông Văn Hiệu (Tổ dân phố 4A, thị trấn Đạ Tẻh) ngồi bóc vỏ hạt điều. Ông Hiệu nhớ về những tháng ngày cách đây 45 năm, khi ấy ông vừa tròn 20 tuổi, sau khi giải phóng Xuân Lộc - Đồng Nai, ngày 30/4 chưa kịp tiến đến Sài Gòn thì miền Nam hoàn toàn giải phóng; những ngày sau đó là những ngày cùng đồng đội ăn mừng chiến thắng. Đất nước đã thống nhất, trong niềm vui lớn ai cũng mong ước trở về quê lấy vợ, sinh con; nhưng rồi cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc lại “kéo” ông đi. Chiến tranh biên giới phía Bắc kết thúc, ông về công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng, rồi về phục viên năm 1982. Vất vả mà không đủ ăn đủ mặc, năm 1997 ông cùng vợ và 2 con vào Đạ Tẻh cùng nhau nấu rượu, chăn nuôi. Để hai người con được học hành đến nơi đến chốn, cuộc sống của hai vợ chồng CCB già không hết khó khăn. Ngôi nhà cấp 4 ngày càng xập xệ, nền sâu hơn mặt đường, mùa mưa đến, lụt ngập tới lưng tường nhà qua bao năm mà không có điều kiện cải tạo. Từ 50 triệu đồng do Hội CCB tỉnh hỗ trợ xây nhà “Nghĩa tình đồng đội” và 10 triệu đồng do Hội CCB và các đoàn thể trong huyện Đạ Tẻh giúp đỡ, cùng tiền dành dụm được, CCB Nông Văn Hiệu đã xây nên ngôi nhà khang trang trị giá 120 triệu đồng. Căn nhà rộng 50 m2 không còn ngập nước khi mưa. Đó là tình cảm ấm áp của anh em đồng đội dành tặng cho ông. Các con đi làm ăn xa cũng yên tâm khi bố mẹ già có nơi ăn chốn ở ổn định, an cư, lạc nghiệp. 
 
Ông Hoàng Đình Tuấn (Chủ tịch Hội CCB huyện Đạ Tẻh) cho biết: Sau 7 năm phát động xây dựng “Nhà nghĩa tình đồng đội” (2013 - 2019), đến nay toàn huyện đã có 9 CCB nghèo được trao tặng nhà với tổng số tiền hỗ trợ là 405 triệu đồng. Các cựu chiến binh được trao nhà Nghĩa tình đồng đội như Đồng Huy Cồn, Phạm Văn Hùng, Nguyễn Văn Thìn (xã Mỹ Đức), Đỗ Văn Đen (xã Quốc Oai), Bùi Văn Tín (Triệu Hải), Lê Xuân Triều, Lương Thanh Ngân (xã Đạ Pal)... đều dần có cuộc sống ổn định, khá dần, làm cho anh em đồng đội rất vui lòng. Qua rà soát, toàn huyện hiện nay vẫn còn 19 hộ hội viên CCB nghèo (1,04%), 33 hộ CCB cận nghèo (1,81%); ngoài 9 căn nhà “Nghĩa tình đồng đội” trao tặng cho các CCB, Hội CCB đã phối hợp cùng Ủy ban MTTQ huyện trao tặng 13 nhà “Đại đoàn kết” cho các hội viên CCB nghèo trong phong trào xóa nhà tạm. Đến nay, toàn huyện chỉ còn 3 hội viên CCB còn khó khăn về nhà ở; Hội CCB huyện đang tập trung vận động hỗ trợ xây nhà “Nghĩa tình đồng đội” để không CCB nào phải ở trong những ngôi nhà tạm bợ. 
 
Toàn tỉnh hiện có 28.796 hội viên CCB, phần lớn các CCB vươn lên làm giàu chính đáng bằng ý chí của người lính, nhưng còn một phần rất nhỏ CCB vì những lý do riêng vẫn không thoát khỏi cái nghèo. 
 
Qua 7 năm phát động phong trào trao tặng nhà “Nghĩa tình đồng đội”, đến nay, toàn tỉnh đã có 117 ngôi nhà “Nghĩa tình đồng đội” được trao cho các CCB tuổi cao sức yếu, không có điều kiện xây dựng, cải tạo nhà ở, trong đó, nhiều hội viên có hoàn cảnh rất đặc biệt. Tổng trị giá các ngôi nhà được trao tặng là gần 6 tỷ đồng. 
 
Riêng năm 2020, Tỉnh Hội CCB dự kiến hỗ trợ xóa 12 căn nhà tạm bợ, dột nát cho các CCB khó khăn; từ đầu năm đến nay, Hội đã khởi công 6 căn nhà “Nghĩa tình đồng đội”. Ông Vũ Công Tiến - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lâm Đồng tâm sự, những lần đến thăm gia đình các hội viên, thấy hoàn cảnh đồng đội khó khăn, nhà ở dột nát, thậm chí có hội viên trải qua biến cố, bạo bệnh, cháy nhà phải ăn ở tạm bợ, ông cùng đồng đội không khỏi xót xa, không thể yên lòng. Chỉ có 40 - 60 triệu đồng hỗ trợ cho mỗi hoàn cảnh hội viên, nhưng đó là tấm lòng, là nghĩa, là tình. Nhận thấy rõ những ngôi nhà đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của các CCB nghèo, nên Hội thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cấp Hội cùng bám sát cơ sở và nắm bắt cuộc sống của từng hội viên, kịp thời giúp đỡ để sao cho đồng đội của mình không còn phải ở trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát.
 
Từ sự phát động của Hội, nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã cùng chung tay xây dựng “Nhà nghĩa tình đồng đội” tặng các cựu chiến binh như Công ty Hồng Phát, Golf Long Thành, Điện lực Lâm Đồng, Xổ số kiến thiết Lâm Đồng, Ngân hàng Công thương, Tập đoàn Dầu khí... Trong số những nhà hảo tâm, doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp có nhiều chủ doanh nghiệp là CCB. Hơn ai hết, họ hiểu giá trị của hai chữ “hy sinh” và sự sâu nặng của tình đồng đội. Những ngôi nhà “Nghĩa tình đồng đội” vừa là tình cảm của những người lính, vừa là đạo lý, là cách đền đáp cho những đóng góp của các thế hệ CCB với đất nước, quê hương. 
 
QUỲNH UYỂN