Mô hình xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh dựa trên 4 trụ cột chính: quản trị, đời sống, môi trường và kinh tế. Trong đó Y tế thông minh là bộ phận hợp thành quan trọng của mảng trụ cột về đời sống.
Mô hình xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh dựa trên 4 trụ cột chính: quản trị, đời sống, môi trường và kinh tế. Trong đó Y tế thông minh là bộ phận hợp thành quan trọng của mảng trụ cột về đời sống.
Lộ trình thực hiện được chia làm 2 giai đoạn cụ thể và phù hợp với định hướng chung về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Lạt, đó là giai đoạn 2018 - 2020: Thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung cho thành phố thông minh và triển khai các lĩnh vực ưu tiên (chính quyền số, quy hoạch đô thị); giai đoạn 2021 - 2025: Triển khai đồng bộ các giải pháp trên nền tảng dùng chung, mở rộng, cải tiến theo hướng ngày càng thông minh hơn.
|
Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Hiếu Hòa - Giám đốc Trung tâm Y tế Đà Lạt kiểm tra khâu nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý tiêm chủng ở Trạm Y tế Phường 4 |
Ngành Y tế Đà Lạt xác định 6 nhóm hoạt động
Ngành Y tế thành phố Đà Lạt xác định 6 nhóm hoạt động chính đó là: Xây dựng và duy trì phần mềm quản lý bệnh viện và khám chữa bệnh; xây dựng và duy trì phần mềm quản lý y tế cơ sở; xây dựng y bạ điện tử hướng đến hồ sơ sức khỏe cho người dân thành phố; cổng tích hợp dữ liệu ngành Y tế; hệ thống đào tạo trực tuyến (E-learning) để bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa trên nền tảng vạn vật kết nối (IoT). Đồng thời xác định đối tượng sẽ thụ hưởng y tế thông minh đó là: người dân, các cơ sở y tế và công tác quản lý nhà nước của ngành y tế.
Bám sát yêu cầu nhiệm vụ và lộ trình thực hiện xây dựng Y tế thông minh tại thành phố Đà Lạt, Trung tâm Y tế Đà Lạt đã chủ động tham mưu cho Thành ủy và UBND thành phố các vấn đề về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động khám, lập hồ sơ sức khỏe; từng bước trang bị và nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, trang thiết bị công nghệ thông tin... tại các cơ sở y tế trực thuộc; tổ chức hội thảo, tập huấn chuyên môn cho cán bộ, viên chức đơn vị, đồng thời tiếp tục cử cán bộ tham gia học tập trong các chương trình đào tạo do ngành cấp trên tổ chức.
Đến nay, thành phố Đà Lạt đã lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho hơn 3.000 người; tổ chức 3 lớp đào tạo, tập huấn với thành phần tham gia là cán bộ y tế và các ban, ngành liên quan. Hệ thống phần mềm quản lý sức khỏe đã được triển khai tại tất cả các cơ sở y tế trực thuộc và duy trì hoạt động khai báo thông tin, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho bệnh nhân. Kinh phí hoạt động theo kế hoạch đơn vị xây dựng đã được phê duyệt, đảm bảo điều kiện cho các hoạt động trong thời gian đến.
Một số khó khăn trong quá trình thực hiện cần được giải quyết kịp thời là: cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế cơ sở chưa đáp ứng ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ về chẩn đoán bệnh tật; trang thiết bị công nghệ thông tin chưa đồng bộ, cán bộ y tế không được đào tạo bài bản về xử lý số liệu, ứng phó các sự cố công nghệ thông tin; các phần mềm đang ứng dụng tại y tế cơ sở chưa ổn định, không đồng bộ hóa được dữ liệu...
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Hiếu Hòa - Giám đốc Trung tâm Y tế Đà Lạt cho biết: Đến thời điểm này, y tế thông minh bước đầu được xây dựng, củng cố và từng bước triển khai mở rộng, phát triển để góp phần xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh. Hiện đã cập nhật danh sách, địa điểm các cơ sở khám chữa bệnh, các nhà thuốc trên ứng dụng Du lịch thông minh, cập nhật và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan y tế thuộc thẩm quyền trên ứng dụng Đà Lạt trực tuyến.
Tại Trung tâm Y tế Đà Lạt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh quyết toán bảo hiểm y tế được triển khai từ năm 2017 tại tất cả phòng khám đa khoa khu vực và các trạm y tế trực thuộc. Đến nay, đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu: Kết nối liên thông với cổng giám định của cơ quan Bảo hiểm Xã hội, đưa thông tin trên cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế, hỗ trợ trong công tác quản lý khám chữa bệnh, thanh quyết toán bảo hiểm y tế, theo dõi tình hình bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh, thống kê, đánh giá tình hình bệnh tật, quản lý thuốc... Từ năm 2019 đến nay, tiếp tục phối hợp với đơn vị cung ứng dịch vụ để nâng cấp, hoàn thiện phần mềm, nâng cao chất lượng dữ liệu, đáp ứng các yêu cầu mới trong công tác quản lý; tiếp tục triển khai cho cả các đối tượng không có bảo hiểm y tế và có bảo hiểm y tế.
Trong lĩnh vực y tế dự phòng, nhiều ứng dụng phần mềm đã được triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả trong quản lý các chương trình y tế và phòng, chống dịch bệnh: Phần mềm quản lý bệnh truyền nhiễm, phần mềm quản lý tiêm chủng, phần mềm quản lý các bệnh không lây nhiễm, ứng dụng khai báo y tế trực tuyến phòng, chống dịch... do Bộ Y tế triển khai thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Trong lĩnh vực thống kê báo cáo và quản lý dân số: Phần mềm thống kê báo cáo, quản lý cơ sở dữ liệu dân cư, quản lý nguồn nhân lực, đánh giá mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế, hài lòng của cán bộ y tế, các thống kê báo cáo trực tuyến…
Để góp phần xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh và triển khai Nghị quyết 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới theo kế hoạch chung của tỉnh, Trung tâm Y tế Đà Lạt có kế hoạch sẽ mở rộng phân hệ quản lý y tế cơ sở và quản lý hồ sơ sức khỏe người dân trên cơ sở liên thông các dữ liệu đã có từ hệ thống quản lý khám chữa bệnh và thanh quyết toán bảo hiểm y tế; đồng thời cập nhật và đồng bộ dữ liệu về dân số, thông tin thẻ bảo hiểm y tế, bổ sung các thông tin hành chính, thông tin sức khỏe ban đầu của người dân theo quy định biểu mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe tại Quyết định 831/QĐ-BYT ngày 11/3/2017 của Bộ Y tế. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 95% dân số được quản lý sức khỏe.
Việc triển khai khám, lập hồ sơ sức khỏe người dân đã được thực hiện từ quý IV năm 2018 cho khoảng 700 người cao tuổi tại xã Xuân Trường, Trạm Hành. Cơ sở dữ liệu sức khỏe này hiện đang tiếp tục được cập nhật và quản lý trên phần mềm Hồ sơ sức khỏe do VNPT phát triển, liên thông dữ liệu quản lý khám chữa bệnh đang thực hiện hợp đồng với VNPT Lâm Đồng. Từ tháng 12/2019, triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân thực hiện tiếp tục trên phần mềm EHR do Bộ Y tế triển khai và hướng dẫn. Các cơ sở y tế đang duy trì thực hiện cập nhật dữ liệu thông tin khám chữa bệnh trên hệ thống và phần mềm này đang được tiếp tục hoàn thiện. Đến thời điểm tháng 4/2020, đã cập nhật được gần 50.000 hồ sơ khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn thành phố Đà Lạt trên hệ thống. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để xây dựng và tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân.
Theo định hướng của Bộ Y tế, phần mềm EHR với kiến trúc mở dựa trên tiêu chuẩn trong nước và quốc tế tạo nền tảng kết nối liên thông, từng bước hình thành mạng lưới kết nối đa hình giữa hệ thống EHR với các hệ thống thông tin y tế (phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế, phần mềm bệnh án điện tử, cổng thông tin thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, thông tin, dữ liệu từ các bệnh viện, phòng khám, bác sỹ, nhà thuốc, phòng xét nghiệm...).
Việc xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử là cần thiết, quan trọng và có ý nghĩa thực tiễn, song hiện nay việc triển khai còn một số khó khăn do phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử và các phần mềm hiện đang triển khai chưa liên thông được dữ liệu với nhau. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục xây dựng cơ chế tài chính, quy định về cập nhật phần mềm điện tử, quy định về quản lý phần mềm; xây dựng quy định về an toàn thông tin sức khỏe của người dân... Y tế cơ sở cần tiếp tục nâng cao trình độ công nghệ thông tin, được nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và tham mưu để huy động sự tham gia của hệ thống chính trị, cộng đồng, người dân quan tâm, chung tay để xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử.
AN NHIÊN