Nâng cao hiệu quả công tác tuyên giáo trong tình hình mới

09:08, 01/08/2017

Cách đây 87 năm, vào ngày 1/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam cho xuất bản cuốn tài liệu "Ngày quốc tế đỏ 1/8" nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô - viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân, hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc. Bản tài liệu này có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công - nông nước ta đứng lên đấu tranh. 

Cách đây 87 năm, vào ngày 1/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam cho xuất bản cuốn tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1/8” nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô - viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân, hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc. Bản tài liệu này có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công - nông nước ta đứng lên đấu tranh. 
 
Từ đó, ngày 1/8 trở thành cột mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng. Xuất phát từ Bản tài liệu và sự kiện lịch sử có ý nghĩa chính trị to lớn đó, năm 2000, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 1/8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác Tư tưởng - Văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1/8 làm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.
 
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Bác Hồ luôn khẳng định công tác tư tưởng chính trị, khoa giáo là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là vũ khí sắc bén, sức mạnh to lớn trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “công việc thành hay là bại một phần lớn là do tư tưởng đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí”, do đó “toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm tròn nhiệm vụ của Đảng” và Người yêu cầu công tác tuyên giáo phải: “Tuyên truyền để làm cho những người đã yêu quý thì yêu quý chúng ta hơn, những người chưa hiểu thì hiểu đúng và đi đến yêu quý chúng ta, thậm chí làm cho những người chống đối chúng ta thì bớt hung hăng đi ”. 
 
Thấm nhuần lời dạy của Bác, 87 năm qua, công tác tuyên giáo đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, góp phần quan trọng vào việc hình thành cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn của Đảng; đề ra những khẩu hiệu hành động sát hợp với nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng; truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến quần chúng nhân dân, biến đường lối, chủ trương của Đảng thành hành động tự giác của hàng triệu triệu quần chúng, thành cao trào cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Công tác tuyên giáo cũng góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các thế hệ cán bộ kiên trung, có đức, có tài của Đảng và Nhà nước để từ đội ngũ này mà giáo dục, giác ngộ, tập hợp, tổ chức, cổ vũ, động viên quần chúng tiến hành các hoạt động cách mạng. 
 
Ngày nay, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng không chỉ lớn mạnh về lực lượng và binh chủng, dạn dày về kinh nghiệm mà còn có hệ thống tổ chức chặt chẽ và rộng khắp từ Trung ương xuống cơ sở với những phương tiện và điều kiện hoạt động ngày càng tốt hơn và là chỗ dựa về hoạt động tinh thần của toàn xã hội. 
 
Trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc khó lường; đặc biệt, do toàn cầu hóa và mặt trái của kinh tế thị trường… đã tác động đến tư tưởng cán bộ, đảng viên, nhân dân cả chiều thuận lẫn chiều nghịch, dẫn đền tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ diễn biến phức tạp... Điều đó đòi hỏi công tác tuyên giáo phải tiếp tục kế thừa, phát huy truyền quý báu để không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động; thực hiện tốt phương châm đi trước, đón đầu, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”… hoàn thành sứ mạng cao cả mà Đảng và nhân dân giao phó. 
 
Trước hết, cần đổi mới và tạo đột phá trong công tác tư tưởng, lý luận theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Trong đó tập trung đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tuyên giáo nói chung, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên nói riêng; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, phản động, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”của các thế lực thù địch… Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tư tưởng, công tác báo chí, xuất bản, hoạt động văn học, nghệ thuật theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước...
 
Thứ hai, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận nhằm lý giải có sức thuyết phục con đường đi lên CNXH của Việt Nam; coi trọng việc nâng cao chất lượng nghiên cứu, giáo dục  và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm đổi mới của Đảng nhằm kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, tăng cường sự thống nhất ý chí, hành động trong Đảng, trong xã hội. Đổi mới tư duy, phát triển lý luận về đạo đức, xây dựng hệ thống các giá trị, chuẩn mực đạo đức phù hợp với yêu cầu của đất nước trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
 
Thứ ba, góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện về phai nhạt lý tưởng cách mạng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, lối sống cơ hội, thực dụng, kèn cựa địa vị, tham nhũng, lãng phí, vô nguyên tắc, vô tổ chức, kỷ luật… Qua đó, đẩy lùi tư tưởng hoài nghi, bi quan, tiêu cực; phát huy mặt tích cực, tiến bộ, tinh thần đoàn kết, đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ.
 
Thứ tư, bám sát các nhiệm vụ chính trị; tuyên truyền cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; chú trọng nêu bật mặt tích cực, những thành tựu đạt được, đồng thời thẳng thắn nêu lên những mặt yếu kém, những vấn đề nổi cộm, bức xúc được xã hội quan tâm… Nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị một cách nghiêm túc, đạt hiệu quả thiết thực.
 
Thứ năm, chủ động trong việc nắm bắt, dự báo chính xác tình hình tư tưởng, từ đó cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, đúng đắn, đa chiều, có định hướng đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ, chạy theo dư luận; đồng thời, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả những quan điểm, tư tưởng sai trái, chống phá Đảng và Nhà nước ta... Phương pháp tuyên truyền đa dạng, phong phú, hấp dẫn, phù hợp từng đối tượng; phát huy mạnh mẽ hệ thống thông tin đại chúng, tuyên truyền miệng…
 
Thứ sáu, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của nhân dân, các đoàn thể chính trị - xã hội, báo chí và dư luận xã hội; tạo điều kiện để nhân dân tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến về các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, nhất là những vấn đề có liên quan, tác động đến đông đảo nhân dân; tạo dư luận xã hội để đánh giá, điều chỉnh sai trái, đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. 
 
Trước yêu cầu mới, đòi hỏi công tác tuyên giáo phải thực hiện có hiệu quả chức năng tham mưu và phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị do cấp ủy đề ra; khơi dậy và phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; mở rộng dân chủ, tăng cường đối thoại; thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước của quần chúng…; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra.
 
NGUYỄN VĂN HƯƠNG