Đảm bảo an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ phục vụ sản xuất

06:02, 02/02/2021

Cùng với sự phát triển, Lâm Đồng là địa phương có nhiều thành tựu trong ứng dụng năng lượng nguyên tử và kỹ thuật hạt nhân vào các lĩnh vực đời sống...

Cùng với sự phát triển, Lâm Đồng là địa phương có nhiều thành tựu trong ứng dụng năng lượng nguyên tử và kỹ thuật hạt nhân vào các lĩnh vực đời sống, đặc biệt trong điều chế đồng vị phóng xạ, chẩn đoán và điều trị bệnh, ứng dụng công nghệ bức xạ trong công nghiệp, nông nghiệp và soi chiếu an ninh hải quan. Tuy nhiên, việc sử dụng bức xạ hạt nhân (BXHN) cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, gây hại đối với môi trường và sức khỏe con người nếu không được quản lý chặt chẽ để xảy ra sự cố đáng tiếc. 
 
Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân tại Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng tăng khả năng ứng phó nhanh chóng khi có sự cố, thực hiện “An toàn để sản xuất - Sản xuất phải an toàn”
Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân tại Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng tăng khả năng ứng phó nhanh chóng khi có sự cố, thực hiện “An toàn để sản xuất - Sản xuất phải an toàn”
 
Theo đó, nhận thức rõ sự nguy hại của sự cố BXHN và nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào, 5 năm qua Ban Chỉ huy Ứng phó sự cố BXHN tỉnh Lâm Đồng (Ban Chỉ huy) đã chỉ đạo sâu sát các sở, ngành, địa phương cùng phối hợp đảm bảo an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ với tinh thần "An toàn để sản xuất - Sản xuất phải an toàn". 
 
Kiểm kê nguồn phóng xạ là cơ sở để quản lý chặt chẽ
 
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 1.108 nguồn phóng xạ (chiếm khoảng 30% nguồn phóng xạ của cả nước), trong đó có 225 nguồn đang sử dụng và 883 nguồn đang lưu giữ; 132 thiết bị bức xạ đang sử dụng. Hiện Lâm Đồng có 2 cơ sở nghiên cứu, đào tạo hạt nhân (Viện Nghiên cứu hạt nhân, Trường Đại học Đà Lạt); 1 cơ sở soi chiếu an ninh hải quan (Cảng Hàng không Liên Khương); 3 cơ sở ứng dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ trong công nghiệp (Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng, Công ty Bia Sài Gòn, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp); 3 cơ sở ứng dụng phân tích huỳnh quang tia X nhằm xác định tuổi vàng (Chi cục TCĐLCL, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Công ty Vàng bạc đá quý Vạn Kim); 59 cơ sở chẩn đoán và điều trị y tế. 
 
Cụ thể, 42/225 nguồn phóng xạ và 7/132 thiết bị bức xạ đang được sử dụng trong công nghiệp; 10/132 thiết bị soi chiếu an ninh hải quan; 5/132 thiết bị phân tích huỳnh quang tia X (đo vàng). Các cơ sở đều thực hiện tốt việc đăng ký cấp phép sử dụng và lưu trữ nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử như: nhân viên phụ trách vận hành thiết bị đều được đào tạo, huấn luyện về an toàn bức xạ theo định kỳ, thực hiện kiểm soát liều chiếu xạ cá nhân cho các nhân viên bức xạ 3 tháng/lần, khám sức khỏe định kỳ để theo dõi sức khỏe của nhân viên bức xạ; xây dựng kế hoạch ứng phó với sự cố bức xạ tại cơ sở; thường xuyên đo kiểm xạ tại khu vực sử dụng thiết bị; kiểm đếm nguồn phóng xạ theo định kỳ, trang bị hệ thống camera đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ kết hợp với bảo vệ 24/24 giờ và kiểm soát hành chính; trang bị đầy đủ hệ thống cảnh báo bức xạ; xây dựng và áp dụng nội quy an toàn, quy trình vận hành và nhật ký vận hành đến toàn bộ các nhân viên bức xạ; lưu hồ sơ ghi chép đầy đủ hoạt động vận hành và bảo dưỡng nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ.
 
Tại các cơ sở y tế, hiện cả tỉnh có 5/225 nguồn phóng xạ và 105/132 thiết bị bức xạ đang sử dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh. 100% cơ sở y tế thực hiện tốt việc chấp hành các quy định quản lý nhà nước về BXHN. Các cơ sở nghiên cứu và đào tạo hạt nhân trên địa bàn tỉnh hiện đang sử dụng 131 nguồn phóng xạ và 5 thiết bị bức xạ; trong đó Trường Đại học Đà Lạt đang sử dụng 14 nguồn phóng xạ và 2 thiết bị bức xạ, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đang sử dụng 117 nguồn phóng xạ và 3 thiết bị bức xạ. Lò phản ứng hạt nhân (Viện Nghiên cứu hạt nhân) có công suất 500 kW được Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) cấp phép vận hành phục vụ sản xuất đồng vị phóng xạ, phân tích kích hoạt nơtron, nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực. Các hệ thống công nghệ được kiểm tra, bảo dưỡng và hiệu chuẩn định kỳ theo đúng các yêu cầu về kỹ thuật. Công tác đảm bảo an toàn bức xạ được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định như: kiểm soát sự phát thải sinh ra từ hoạt động của lò phản ứng; kiểm soát liều khu vực và nhiễm bẩn phóng xạ bề mặt; kiểm soát liều cá nhân cho các nhân viên vận hành, nhân viên nghiên cứu, điều chế đồng vị phóng xạ và cán bộ, công nhân viên của Viện.
 
Với 883 nguồn phóng xạ đang được lưu giữ tại: Viện Nghiên cứu hạt nhân 878 nguồn, Trung tâm Ứng dụng hạt nhân trong công nghiệp 4 nguồn, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng 1 nguồn. Ba đơn vị này đều đảm bảo các yêu cầu theo quy định từ việc bảo vệ nghiêm ngặt, kiểm đếm, tiếp nhận, đến việc di chuyển nguồn phóng xạ vào - ra các kho được ghi chép rõ ràng vào sổ theo dõi. 
 
Thường xuyên diễn tập tăng khả năng ứng phó nhanh
 
Hoạt động thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên, liên tục, trong 5 năm Sở KHCN đã thực hiện 4 đoàn thanh tra, 10 đoàn kiểm tra với tổng số 68 cơ sở; phối hợp với Cục An toàn BXHN (Bộ KHCN) thực hiện 3 đoàn thanh tra. Qua đó, đã phát hiện và xử lý 5 cơ sở vi phạm, phạt 16 triệu đồng; đồng thời chấn chỉnh, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về năng lượng nguyên tử tại các cơ sở. 
 
Trong 5 năm, Ban Chỉ huy đã tổ chức 3 lần diễn tập ứng phó sự cố BXHN cấp tỉnh. Năm 2018 tình huống đặt ra là “Ứng phó sự cố đối với vận chuyển nguồn phóng xạ kín” nhằm nâng cao khả năng ứng phó sự cố khi xảy ra sự cố tai nạn dẫn đến cháy nổ trong lúc vận chuyển nguồn phóng xạ kín. Năm 2019, diễn tập ứng phó sự cố đối với tình huống phát hiện, thu gom nguồn phóng xạ nằm ngoài sự kiểm soát nhằm nâng cao khả năng ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân của các điểm thu mua phế liệu khi phát hiện nguồn phóng xạ tại cơ sở. Năm 2020, diễn tập ứng phó sự cố bức xạ đối với tình huống cháy nổ có liên quan đến nguồn phóng xạ tại Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng nhằm nâng cao khả năng ứng phó tại chỗ của cơ sở và khả năng phối hợp trong xử lý thông tin, chỉ đạo điều hành, huy động, phối hợp lực lượng khi sự cố xảy ra. Quy mô diễn tập tăng lên qua các năm đã nâng cao nhận thức về an toàn bức xạ và ứng phó của các tổ chức, cá nhân tham gia; nâng cao khả năng chỉ huy của Ban Chỉ huy khi sự cố xảy ra, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị, địa phương. Qua đó, các đơn vị còn tăng khả năng sử dụng thành thạo trang thiết bị và hiểu biết về quy trình thông tin liên lạc trong ứng phó sự cố. 
 
Ngoài ra, công tác đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó sự cố được quan tâm, trong 5 năm tỉnh đã mua sắm 63 thiết bị chuyên dụng phục vụ hoạt động ứng phó với kinh phí đầu tư 2,54 tỷ đồng. Công tác thông tin tuyên truyền không ngừng được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức để mọi người nhận thức được sự nguy hại của sự cố BXHN. Công tác đào tạo được quan tâm, đã tổ chức 7 lớp tập huấn với hơn 400 học viên là những người trực tiếp làm quản lý nhà nước về an toàn BXHN, nhân viên các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ. 
 
TS.Phạm S - Trưởng ban Chỉ huy Ứng phó sự cố BXHN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Lâm Đồng vinh dự là nơi có Viện Nghiên cứu hạt nhân với Lò phản ứng hạt nhân duy nhất của cả nước, có Trường Đại học Đà Lạt là trường đại học duy nhất có chuyên ngành đào tạo về vật lý hạt nhân, đã đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Sản xuất mà không an toàn thì không còn ý nghĩa, vì vậy với tinh thần tuyệt đối không để xảy ra sự cố, trong 5 năm tới, Ban Chỉ huy tiếp tục chỉ đạo sát sao công tác quản lý nhà nước về kiểm soát an toàn BXHN, an ninh nguồn phóng xạ trên địa bàn tỉnh, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xảy ra sự cố; nâng cao năng lực phát hiện kịp thời và khả năng ứng phó nhanh chóng, giảm thiểu hậu quả cho xã hội, người dân và môi trường khi có sự cố, thực hiện "An toàn để sản xuất - Sản xuất phải an toàn". 
 
QUỲNH UYỂN