"Vốn quý" của xã hội xây dựng "nông thôn mới"

09:08, 18/08/2015

Hơn 47 ngàn ngày công lao động, hơn 53 ngàn cây xanh được trồng là đóng góp không nhỏ của người cao tuổi tỉnh Lâm Đồng trong 5 năm 2010 - 2015 đối với phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh. 

Hơn 47 ngàn ngày công lao động, hơn 53 ngàn cây xanh được trồng là đóng góp không nhỏ của người cao tuổi tỉnh Lâm Đồng trong 5 năm 2010 - 2015 đối với phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh. 
 
Người cao tuổi tham gia làm “xanh - sạch - đẹp” môi trường
Người cao tuổi tham gia làm “xanh - sạch - đẹp” môi trường

Hơn thế, người cao tuổi đã cùng với gia đình, vận động con cháu hiến trên 260 ngàn m 2 đất, ủng hộ hàng chục tỷ đồng, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới trên khắp các địa phương trong tỉnh. Từ tinh thần “Tuổi cao gương sáng”, các cấp Hội Người cao tuổi trong tỉnh đã tích cực tham gia các phong trào thi đua “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường,… Điển hình như ở xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương, Hội Người cao tuổi đã vận động cán bộ, hội viên, người cao tuổi trong xã hiến 2.000m 2 đất, ủng hộ 5 tỷ đồng, đóng góp 150 ngày công lao động, trồng 150 cây xanh bóng mát; 125 cán bộ, hội viên tham gia 50 lần giám sát tại cơ sở nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm, đảm bảo chất lượng các công trình công cộng, được nhân dân tin tưởng. Với chi hội vùng sâu, vùng xa Liêng Bông thuộc xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, người cao tuổi trong thôn đã tham gia hiến 3.500m 2, đóng góp 300 triệu đồng, 150 ngày công và trồng 100 cây xanh trong thôn. Rất nhiều điển hình tập thể người cao tuổi làm tốt công tác xây dựng nông thôn mới ở khắp các địa phương như xã Lộc An - huyện Bảo Lâm, xã Hòa Bắc - huyện Di Linh, xã Phú Hội - huyện Đức Trọng, xã Đông Thanh - huyện Lâm Hà… bằng những việc làm, hành động thiết thực được nhân dân ghi nhận và đánh giá rất cao. Có 4.063 người cao tuổi trong toàn tỉnh hiện đang là chủ trang trại, chủ doanh nghiệp, là những điển hình làm kinh tế giỏi, phát triển kinh tế, tạo thu nhập, việc làm cho rất nhiều lao động địa phương, được lớp trẻ tìm đến học tập kinh nghiệm. Họ đã khẳng định lớp “Người cao tuổi” không phải là gánh nặng cho xã hội, mà còn là “vốn quý” của xã hội, được cộng đồng tôn vinh, con cháu noi gương. 
 
Nhìn lại quá trình 5 năm người cao tuổi tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, ông Đàm Xuân Đêu - Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Lâm Đồng nhận định: Thông qua phong trào xây dựng nông thôn mới - gắn với bảo vệ môi trường đã xuất hiện nhiều tổ chức Hội, cán bộ, hội viên và người cao tuổi tiêu biểu trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhân dân làm - Nhà nước hỗ trợ”. Họ trở thành những tấm gương sáng trong gia đình, trong khu dân cư luôn đi đầu tham gia giám sát, hiến đất, góp công sức, tiền của của cá nhân, gia đình vào mục tiêu chung đưa Lâm Đồng sớm hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thay đổi đáng kể diện mạo vùng nông thôn Lâm Đồng nhiều năm qua.
 
Theo ông Bùi Văn Tân - Phó Ban Đại diện chuyên trách Hội Người cao tuổi huyện Đức Trọng: Phong trào Hội Người cao tuổi không chỉ dừng lại ở “Sống vui - sống khỏe - sống có ích” mà chúng tôi còn chung sức, đồng lòng cùng với huyện tham gia tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tham gia đóng góp vào xây dựng nghị quyết, tham mưu cho Huyện ủy về việc thăm hỏi những hội viên 90 tuổi, 100 tuổi thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi. Chúng tôi còn vận động con cháu trong gia đình, dòng họ chung tay góp sức người, sức của cùng địa phương hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới sớm hơn dự kiến.
 
Ngoài ra, Hội Người cao tuổi tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức in 600 bộ tài liệu về chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2010 - 2020, tài liệu về “Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới thể hiện qua “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát”, tài liệu “Hỏi đáp về xây dựng nông thôn mới”… cấp phát tới các xã, phường, thị trấn làm tài liệu học tập, tuyên truyền. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ, nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trong quá trình vận động chung tay xây dựng nông thôn mới.
 
Kết quả, đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 117 xã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới, 112 xã đã được phê duyệt, đã có 23 xã đạt 19 tiêu chí và được UBND tỉnh ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Góp nên thành công đó, từ cấp cơ sở thôn, buôn đến xã, phường, thị trấn, người cao tuổi đều có đóng góp không nhỏ. Họ không quản ngại tuổi cao - sức yếu mà còn tiếp tục nhận được uy tín trong nhân dân tham gia vào hệ thống chính trị ở cơ sở. Với 5.783 người cao tuổi đang tham gia công tác xã hội, là bí thư, phó bí thư chi bộ, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, trưởng - phó thôn, trưởng - phó ban công tác Mặt trận, ban giám sát đầu tư cộng đồng, ban thanh tra nhân dân… đã  góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới bền vững, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
 
Nguyệt Thu