Lâm Đồng triển khai Chương trình phòng chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022 - 2023

12:04, 26/04/2022
(LĐ online) - Ngày 26/4, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Chương trình phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP của Chính phủ bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả, kiểm soát tốc độ lây lan trong cộng đồng, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do dịch Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Lâm Đồng sẽ hoàn thành tiêm văc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9/2022
Lâm Đồng sẽ hoàn thành tiêm văc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9/2022
 
Chương trình này được thực hiện trong thời gian 2 năm 2022 - 2023 phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh và chỉ đạo của Chính phủ theo từng giai đoạn. 
 
Chương trình đã đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Bảo đảm đạt tỷ lệ bao vắc xin phòng Covid-19, đến hết Quý II năm 2022 hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiếp tục triển khai tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm chủng, trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm. Hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9 năm 2022. 
 
Kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19: Tất cả các cấp chính quyền có kịch bản phòng chống dịch Covid-19. Tất cả mọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch phù hợp; tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá. Thực hiện giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn. Giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp hơn mức trung bình của cả nước. 
 
 Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến. 
 
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh và 100% trung tâm y tế các huyện, thành phố, trạm y tế tuyến xã, y tế tại các cơ sở giam giữ, bệnh xá trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang được tăng cường năng lực để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn trong phòng, chống dịch. 
 
 Bảo đảm số giường hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên theo hướng dẫn của Bộ Y tế và có kế hoạch huy động, phân công các cơ sở y tế trên địa bàn (bao gồm cả cơ sở ngoài công lập) tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. 
 
100% người mắc Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch được điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định. Tổ chức triển khai hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa theo quy định để tăng tỷ lệ tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người mắc Covid-19 và người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch bệnh Covid-19. 
 
Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19: Tất cả các đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm lao động di cư... đều được bảo đảm tiếp cận các dịch vụ y tế. 
 
Tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều sử dụng mã QR để quản lý thông tin người ra vào và hướng dẫn người dân thực hiện việc khai báo thông tin theo yêu cầu của cơ quan chức năng để thực hiện phòng chống dịch. 100% các cơ sở tiêm chủng, xét nghiệm, điều trị cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, kết quả điều trị của các cá nhân.
 
 Bảo đảm vừa phòng chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của Nhân dân: 100% người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. 100% các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chủ động thực hiện kế hoạch phòng chống dịch phù hợp. 100% các cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch an toàn; tổ chức học trực tiếp hoặc trực tuyến kết hợp với trực tiếp phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 
 
Chương trình này cũng để ra công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện; trong đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương; bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm; thực hiện quan điểm thống nhất trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện, bảo đảm nguồn lực và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng y tế, các lực lượng tuyển đầu trong phòng, chống dịch. 
 
Thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt là chỉ huy, điều phối, phối hợp tại chỗ để đáp ứng có hiệu quả các tình huống dịch bệnh theo kịch bản phòng, chống dịch; bảo đảm sự phối hợp có hiệu quả giữa các lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường khi cần thiết; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành và điều phối nguồn lực trong tình huống dịch bệnh khẩn cấp cấp tỉnh. 
 
Ngoài ra, còn có các biện pháp về hoàn thiện, thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng chống dịch Covid-19.
 
 Chương trình cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp về y tế; bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn, an sinh xã hội; đảm bảo về tài chính, hậu cần, vận động Nhân dân và huy động xã hội; bảo đảm vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của người dân; nâng cao công tác truyền thông, công nghệ thông tin; cập nhật, xây dựng và triển khai các kịch bản phòng chống dịch Covid-19…
 
AN NHIÊN