Hướng về nguồn cội

LỆ THỦY 04:35, 18/04/2024

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng Ba”. Câu ca dao ấy từ lâu đi vào tiềm thức, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của mỗi người con đất Việt đối với các vị Vua Hùng đã có công dựng nước. Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng từ lâu đã trở thành một nét văn hóa - tín ngưỡng được người dân tự nguyện thực hiện, gìn giữ, vun đắp và lan tỏa. Từ những ngôi đền thờ Vua Hùng tại Đất Tổ Phú Thọ, việc thờ cúng Vua Hùng lan tỏa rộng khắp cả nước và cộng đồng người Việt Nam trên thế giới với nhiều đền thờ, điểm thờ được xây dựng trang nghiêm.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần đến thăm Đền Hùng. Tại đây, ngày 19/9/1954, Người đã có câu nói nổi tiếng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đến năm 1955, ngày Giỗ Tổ Vua Hùng được Ban Bí thư quy định là một ngày lễ lớn trong năm. Ngày 2/4/2007, Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 Bộ luật Lao động, cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đó, ngày 10/3 âm lịch trở thành ngày quốc lễ, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Ngày 6/12/2012, tại Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban Liên chính phủ bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể diễn ra ở Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Với những giá trị và ý nghĩa đặc biệt đó, cứ mỗi độ tháng 3 âm lịch hàng năm, tại Di tích lịch sử Đền Hùng và nhiều địa phương trong tỉnh Phú Thọ cũng như trên cả nước đã diễn ra nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Tại Lâm Đồng, nhiều năm qua, lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương quy mô cấp tỉnh được tổ chức trang trọng tại Đền thờ Âu Lạc thuộc Khu du lịch thác Prenn, TP Đà Lạt. Ngoài ra, nhiều đơn vị, nhất là các trường học trong tỉnh đã có nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cho các em học sinh. 

Hướng về cội nguồn, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân, cũng là dịp để mỗi chúng ta tự nhắc nhở bản thân cần nỗ lực giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy tinh thần đoàn kết, cùng nhau đóng góp công sức và trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước ngày thêm giàu mạnh.