Lâm Hà: Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp cuối năm

THÂN THU HIỀN 04:41, 18/01/2024

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, UBND huyện Lâm Hà đã xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh. Từ đó ổn định thị trường hàng hóa, đảm bảo sức khỏe cho người dân vui xuân, đón Tết.

Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm huyện Lâm Hà
tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh vào ngày 16/1/2024
Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm huyện Lâm Hà tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh vào ngày 16/1/2024

QUẢN LÝ CHẶT CHẼ CÁC CƠ SỞ

Huyện Lâm Hà hiện có 2.363 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; trong đó, có 452 cơ sở sản xuất, chế biến; 1.058 cơ sở kinh doanh; 450 cơ sở dịch vụ ăn uống và 403 cơ sở thức ăn đường phố.

Thời gian qua, để kiểm soát chặt chẽ tình hình vệ sinh ATTP trên địa bàn, lực lượng chức năng của huyện Lâm Hà đã chủ động đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền các quy định của pháp luật về vệ sinh ATTP như cấp phát tờ rơi, tuyên truyền lưu động; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn... Đồng thời, thường xuyên điều tra, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và tổ chức ký cam kết bảo đảm ATTP theo quy định. Ngoài ra, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh công khai giấy chứng nhận ATTP và nguồn gốc thực phẩm, danh sách cơ sở cung cấp nguyên liệu thực phẩm... 

Theo số liệu thống kê của Phòng Y tế huyện Lâm Hà, trong năm 2023, UBND huyện đã thành lập 53 đoàn kiểm tra; trong đó, số đoàn thanh, kiểm tra tuyến huyện, thành phố là 5 đoàn và số đoàn thanh, kiểm tra tuyến xã là 48 đoàn.

Trong năm, toàn huyện có 2.105 cơ sở được kiểm tra; trong đó có 1.990 cơ sở đạt. Qua đó, lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm 8 cơ sở; trong đó có 4 cơ sở vừa sản xuất, vừa kinh doanh; kinh doanh thực phẩm 1 cơ sở và 3 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống với tổng tiền nộp phạt là 114 triệu đồng. Ngoài ra, đình chỉ hoạt động, buộc tiêu hủy đối với cơ sở vừa sản xuất, vừa kinh doanh.

Năm 2023, trên địa bàn huyện có 235 cơ sở thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận. Trong năm đã cấp chứng nhận cho 73 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 235 cơ sở có số luỹ tích đã được cấp giấy chứng nhận. Đối với công tác truyền thông, Ban Chỉ đạo đã tổ chức 3 đợt, thu hút hơn 300 người tham gia; phát thanh loa, đài, truyền hình 51 phóng sự; 9 tin, 3 bài. Bên cạnh đó, tổ chức treo 54 băng rôn, khẩu hiệu, 6 áp phích và 2.000 tờ rơi.

Bà Nguyễn Thị Hà - chủ cửa hàng tạp hóa tại xã Tân Hà cho biết: “Qua các lớp tập huấn và được tuyên truyền, chúng tôi ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm vệ sinh ATTP. Các mặt hàng được bày bán có nguồn gốc rõ ràng, không có hàng quá hạn sử dụng. Bản thân tôi luôn quan niệm, muốn kinh doanh bền vững thì phải giữ chữ tín, phải bảo đảm an toàn sức khỏe cho khách hàng”.

Ông Nguyễn Đức Dẫn - Trưởng Phòng Y tế huyện Lâm Hà cho biết: Sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành thành viên đã giúp các hoạt động về bảo đảm vệ sinh ATTP trên địa bàn huyện được triển khai tương đối hiệu quả trong thời gian qua. Cấp huyện và 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức thanh, kiểm tra liên ngành trong dịp Tết Nguyên đán và Tháng hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua kiểm tra cho thấy, đa số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đạt vệ sinh ATTP, trong năm không có vụ ngộ độc xảy ra trên địa bàn huyện.

QUYẾT LIỆT TRONG DỊP TẾT

Là địa bàn rộng, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đa dạng, nên công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm luôn được huyện Lâm Hà chú trọng. Các đơn vị chức năng huyện, các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra theo kế hoạch, hoặc đột xuất nhằm phát hiện và quyết liệt xử lý nghiêm vi phạm, góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng và không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

Ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà nhấn mạnh: Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024 để người dân vui xuân, đón Tết an toàn; đồng thời đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP huyện Lâm Hà đã xây dựng kế hoạch thực hiện từ ngày 28/12/2023 đến hết ngày 20/3/2024 với các mục tiêu cụ thể để làm tốt công tác nói trên.

Trong đó, Ban Chỉ đạo huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành với 8 thành viên sẽ tiến hành kiểm tra tại 16 xã, thị trấn. Trong đó, đoàn sẽ tập trung, chú trọng vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Ngoài ra, đoàn kiểm tra liên ngành chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Trong quá trình kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong bảo đảm an toàn thực phẩm...

Tết Giáp Thìn 2024 đang cận kề, nhu cầu về thực phẩm của người dân tăng cao. Để nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, trước đó, UBND huyện Lâm Hà đã ban hành các văn bản đẩy mạnh tuyên truyền Luật ATTP và các văn bản quản lý về ATTP; tăng cường năng lực quản lý nhà nước về ATTP đến các xã, thị trấn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về ATTP...