Quản lý trật tự xây dựng ở Ðà Lạt: Nỗ lực và những tồn tại

NGUYỄN NGHĨA 01:56, 12/03/2024

Mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể để quản lý trật tự xây dựng, cảnh quan và sự phát triển đô thị mang tính bền vững cho thành phố, tuy nhiên, công tác quản lý trật tự xây dựng ở Đà Lạt vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức và một số vấn đề còn tồn tại.

Một góc trung tâm Đà Lạt
Một góc trung tâm Đà Lạt

NỖ LỰC CỦA CHÍNH QUYỀN

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý trật tự xây dựng, trong những năm qua, UBND TP Đà Lạt đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị và UBND các phường, xã nâng cao hiệu quả công tác quản lý xây dựng. Công tác phối hợp, nắm bắt thông tin và xử lý vi phạm cũng được tăng cường và thực hiện kiên quyết hơn. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát của cấp ủy, chính quyền và các cá nhân người đứng đầu cũng được đẩy mạnh. Công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật trong công tác quản lý nhà nước cũng được thực hiện để nâng cao ý thức và tuân thủ quy định của người dân và chủ đầu tư.

UBND thành phố đã tổ chức làm việc định kỳ với các phòng, ban và đơn vị liên quan để chỉ đạo xử lý các vi phạm trật tự xây dựng và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thực hiện trong từng giai đoạn. Các quy chế và phân cấp do UBND tỉnh và UBND thành phố ban hành cũng được áp dụng một cách nghiêm túc. Cụ thể, định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và năm, UBND thành phố tổ chức làm việc với Phòng Quản lý đô thị, Đội Quản lý Trật tự đô thị và các phòng, ban, đơn vị để chỉ đạo xử lý và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thực hiện giai đoạn. Chỉ đạo, yêu cầu thực hiện nghiêm theo các quy chế, phân cấp do UBND tỉnh, UBND thành phố ban hành gắn với quán triệt quan điểm, tinh thần và nguyên tắc thực hiện theo các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy, Thành ủy trên phương châm: “Phát hiện kịp thời, hành động kiên quyết, xử lý triệt để” với nguyên tắc: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Trong năm 2023, thành phố đã lập biên bản vi phạm hành chính và ngưng thi công là 68 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trong đó vi phạm không phép 32/68 trường hợp; vi phạm sai phép 36/68 trường hợp. Ban hành 68 quyết định xử lý, xử phạt. UBND các phường, xã đã tổ chức tháo dỡ ngay từ ban đầu 231 trường hợp. 

Cũng trong năm 2023, Đội Quản lý trật tự đô thị tổ chức kiểm tra 2.789 công trình trên toàn địa bàn; tổ chức đôn đốc hoặc đề xuất UBND thành phố chỉ đạo UBND các phường, xã thực hiện xử lý đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng; tập trung xử lý các trường hợp còn tồn đọng các năm trước đây.

• VẪN CÒN TÌNH TRẠNG "NỂ NANG" VÀ THIẾU QUYẾT LIỆT TRONG QUẢN LÝ

Tuy nhiên, việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý và phối hợp xử lý vi phạm trật tự xây dựng vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Một số địa phương và đơn vị chưa thực sự kiên quyết và triệt để trong công tác này, dẫn đến việc xử lý chậm trễ và kéo dài, và các công trình vi phạm vẫn tiếp tục được thi công hoặc tái vi phạm.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là sự nể nang, làm ngơ, sợ trách nhiệm của một số cá nhân và tổ chức đối với các hành vi vi phạm. Công tác giám sát và đình chỉ thi công các công trình vi phạm cũng chưa được thực hiện đầy đủ và quyết liệt. Việc xử lý và khắc phục hậu quả đối với các chủ đầu tư cũng chưa được thực hiện dứt điểm.

UBND thành phố cũng thừa nhận rằng, trong công tác quản lý, một số chủ tịch UBND các phường, xã còn chưa thật sự quyết liệt trong công tác quản lý, dẫn đến việc xảy ra các công trình vi phạm lớn và nổi cộm. Công tác đình chỉ thi công và đeo bám các công trình vi phạm cũng chưa đạt hiệu quả cao, thậm chí có trường hợp vi phạm tái diễn. Một số địa phương cũng chưa thực hiện đúng quy chế, quan điểm và nguyên tắc đã đề ra. 

Quản lý trật tự xây dựng là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo vệ cảnh quan, môi trường và phát triển bền vững của Đà Lạt. Để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, cần có sự chung tay góp sức của chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng và người dân. Đặc biệt, cần thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân và chủ đầu tư; Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý trật tự xây dựng; Sớm hoàn thiện hệ thống quy hoạch xây dựng, đảm bảo tính khoa học, đồng bộ và phù hợp với đặc điểm của thành phố. Trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng, cần nghiêm minh, công khai, và thực hiện nghiêm theo quan điểm không có vùng cấm, không có ngoại lệ.