Ngày xuân đọc câu đối tết truyền thống của người Nùng

09:02, 08/02/2018

Tết đến, xuân về nhà nhà đều trang trí, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, trang hoàng để đón tết. Sở dĩ mọi người muốn rằng năm mới thì cái gì cũng mới. Người Nùng ở huyện Đức Trọng cũng không ngoại lệ, không những chỉ dọn dẹp nhà cửa mà những ngôi nhà truyền thống còn có dán những cặp câu đối đỏ trước cửa nhà để chào đón năm mới.

Tết đến, xuân về nhà nhà đều trang trí, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, trang hoàng để đón tết. Sở dĩ mọi người muốn rằng năm mới thì cái gì cũng mới. Người Nùng ở huyện Đức Trọng cũng không ngoại lệ, không những chỉ dọn dẹp nhà cửa mà những ngôi nhà truyền thống còn có dán những cặp câu đối đỏ trước cửa nhà để chào đón năm mới.
 
Miếu Thổ công Hồ Đá Đại vương
Miếu Thổ công Hồ Đá Đại vương
Theo ông Vi Văn Dèn, người được người Nùng nơi đây coi là thầy Pháp, bởi lẽ ông am hiểu văn hóa của dân tộc mình, giỏi chữ Hán - Nôm Nùng, am tường nghi lễ ma chay, cưới hỏi... Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp được ông đưa đi tham quan những ngôi nhà truyền thống của người Nùng nơi đây xây dựng từ những năm 1954, khi mà họ từ tỉnh Bắc Giang di cư vào Lâm Đồng, xây nhà lập ấp, dựng miếu thổ công.
 
Ông cho biết, trên cửa những ngôi nhà truyền thống thường được treo những cặp câu đối để mừng năm mới. Câu đối được viết bằng chữ Hán, viết trên nền giấy đỏ, theo quan niệm của người dân, màu đỏ là màu của sự may mắn. Ngoài ra, trên các bàn thờ Thổ công trong từng gia đình cũng được treo câu đối.
 
Ông cho chúng tôi xem những cặp câu đối xuân mà ông đã sưu tầm ghi chép lại trong nhiều năm. Những câu đối thể hiện ước vọng, niềm mong mỏi của người dân sau một năm. Đó là niềm mong mỏi cho những điều may mắn đến nhà, tài lộc sức khỏe, vận may, niềm vui khi đất nước được thái bình yên ổn. Chính vì vậy mà nội dung của các câu đối tết rất phong phú, cũng tùy thuộc vào gia cảnh của từng nhà để thầy giỏi chữ viết cho. Ví như năm đó có người lớn mừng thọ thì gia chủ sẽ viết câu đối để chúc mừng thọ. Hay năm đó có gia đình buôn may bán đắt thì thầy lại viết cho câu đối để mong may mắn buôn bán được thuận lợi.
 
Hãy xem một số cặp câu đối dưới đây để cùng suy ngẫm về những ước mong của những người dân nơi đây khi mà tết đến xuân về. Lòng người như rạo rực để đón một mùa xuân mới đầy mong ước, được thể hiện qua những câu đối đỏ.
 
Như đã nói ở trên, câu đối được gia chủ dán ngay hai bên cửa chính của ngôi nhà. Nhưng câu đối này, sau một năm sẽ được gia chủ bóc đi để thay lại câu đối mới và giấy mới.
 
門迎春夏秋冬福 
戶納東南西北財 
Môn nghinh xuân hạ thu đông phúc
Hộ nạp đông nam tây bắc tài
(Cửa nhà đón phúc khắp bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông,
Nhà thu của cải khắp bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc).
 
生意得應貴人接 
財源廣進有客扶 
Sinh ý đắc ứng quý nhân tiếp
Tài nguyên quảng tiến hữu khách phù
(Buôn bán ăn nên nên được quý nhân tiếp đãi,
Tiền tài rộng mở thăng tiến là nhờ có khách giúp đỡ).
 
年到春回春起色 
歲逢月氣月光明 
Niên đáo xuân hồi xuân khởi sắc
Tuế phùng nguyệt khí nguyệt quang minh
(Năm đến xuân về sắc xuân sang,
Năm tháng khí lành ánh trăng soi sáng tỏ).
 
一門天賜平安福 
四海人同富貴春 
Nhất môn thiên tứ bình an phúc
Tứ hải nhân đồng phú quý xuân
(Trời ban bình an phúc lành cho cửa nhà,
Khắp nơi người cùng mong đón nhận phú quý khi xuân về).
 
門前迎福隨運至 
家庭賀壽送加丁 
Môn tiền nghinh phúc tùy vận chí
Gia đình hạ thọ tống gia đinh
(Trước cửa nhà đón phúc tùy vào vận may đến,
Gia đình chúc thọ tặng cho người trong nhà).
 
Dán câu đối đỏ là truyền thống của người Việt xưa, ngày nay nhiều vùng ở Việt Nam đã không còn giữ được. Song ở một số làng quê, vẫn còn nhiều gia đình giữ được nét văn hóa này. Không những chỉ là câu đối được viết trên giấy đỏ, mà còn được trạm khắc cầu kì, tinh xảo để treo trong nhà.
 
Đối với những người Nùng nơi đây, mặc dù những tiếp biến văn hóa đã có nhiều thay đổi so với truyền thống, nhưng nhiều người vẫn duy trì phong tục dán câu đối, cũng bởi lẽ họ có một niềm tin vào những điều may mắn đến với gia đình trong năm mới. Ước vọng về tương lai, họ cố duy trì nét văn hóa truyền thống để không những vận may đến nhà, mà còn qua đó dạy cho con cháu về tín ngưỡng của cha ông họ đã từng mang theo khi đến đây xây làng lập ấp. Những mong kết nối đời xưa và đời nay, để không phụ những tấm lòng đã gửi vào thiên cổ.
 
HUY KHUYẾN - ĐAN TÂM