Người Sình Mây liên kết xuất khẩu sầu riêng

DIỆP QUỲNH 05:34, 14/12/2023

Đạ Huoai, vùng đất khó của Lâm Đồng xưa, hôm nay đang thay da đổi thịt. Cây sầu riêng, thứ trái đặc sản với hương vị đặc biệt của nông dân Đạ Huoai đang theo những chuyến xe xuất ngoại, mang lại no ấm cho người trồng. Và, những người nông dân đang hợp tác, xây dựng các mối liên kết chặt chẽ tại các tổ hợp tác, HTX giúp nhau làm giàu. 

Sầu riêng - trái cây xuất khẩu chủ lực của huyện Đạ Huoai
Sầu riêng - trái cây xuất khẩu chủ lực của huyện Đạ Huoai

Ông Nguyễn Văn Tám, nông dân xóm Sình Mây, thôn Phước Trung, xã Phước Lộc vừa có một vụ thu hoạch sầu riêng hiệu quả. Gia đình ông có 6,5 ha sầu riêng, trong đó có 4 ha đang cho thu hoạch, đều là diện tích sầu riêng trồng thuần, với các giống đạt chuẩn xuất khẩu. Là một trong những nông hộ tiên phong trồng sầu riêng của đất Sình Mây, ông Tám đã có thu nhập tiền tỉ từ trái vườn nhà. Tuy nhiên, không dừng lại ở việc làm kinh tế riêng lẻ, những nông hộ cùng trồng loại cây đặc sản này ở Sình Mây đã tập hợp thành một HTX, với mục tiêu thúc đẩy sức mạnh của những người nông dân, tạo thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế cho trái sầu riêng Sình Mây. 

Ông Tám kể lại, hơn 10 năm trước, Sình Mây từng là vùng đất nghèo, nông dân chuyên trồng điều, chôm chôm của xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai. Từ những cây sầu riêng bén rễ đầu tiên trên vùng đất này, đến nay, toàn xóm đã phủ xanh màu sầu riêng. HTX liên kết sản xuất Phước Trung với 11 thành viên cũng vừa được thành lập năm 2022 với 64 ha chuyên canh sầu riêng. Để thành lập được HTX, các thành viên đã có thời gian chuẩn bị mấy năm nay, với việc chuẩn bị kỹ từng công đoạn thành lập cũng như xác định quy trình sản xuất VietGAP bền vững. Ông Tám bảo, trái sầu riêng xuất khẩu được mới có giá ổn định, vừa thu nhập cao cho nông hộ, vừa mang ngoại tệ về cho Nhà nước. Như HTX Sầu riêng Phước Trung, với diện tích 64 ha, mỗi năm năng suất dự tính cũng phải đạt trên 1.500 tấn trái, việc liên kết thành chuỗi, xây dựng mã số vùng trồng sẽ là tương lai bền vững cho trái sầu riêng. 

Là thành viên HTX ngay từ những ngày đầu, ông Nguyễn Hoàng Vân, xóm Sình Mây canh tác 6,5 ha sầu riêng. Vườn sầu riêng của ông có cây 20 năm tuổi, có cây hơn 10 năm tuổi cho sản lượng khá cao hàng năm, trung bình 50 tấn trái/ha. Tham gia HTX, ngoài việc được hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật... giá trị lớn hơn mà ông tìm được chính là việc liên kết vùng trồng, tạo mã số vùng trồng sầu riêng. Trong bối cảnh ngày nay, việc đoàn kết, xây dựng mã số vùng trồng hứa hẹn sẽ giúp sản phẩm đầu ra của vườn ổn định hơn. Ông Vân cho biết, tham gia HTX, ông được hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, sản phẩm có nguồn gốc, trái sầu riêng có nguồn gốc, có chứng nhận bán ra thị trường rất dễ. 

Việc người xóm Sình Mây đang chú trọng tới là chuyện đảm bảo chất lượng cho trái sầu riêng. Để sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu, HTX Phước Trung luôn định hướng cho nông dân sản xuất sạch, ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học để chăm sóc sầu riêng nhằm đảm bảo chất lượng và hạn chế sâu bệnh hại. Đồng thời, khuyến khích nông dân ứng dụng các tiến bộ mới như phun thuốc tự động tiết kiệm chi phí, để thảm cỏ trên vườn, tưới tiết kiệm, ứng dụng quy trình chăm sóc theo từng giai đoạn của cây, từ đó đảm bảo mỗi vụ mùa đều có những sản phẩm đảm bảo chất lượng cung cấp ra thị trường. Trái sầu riêng muốn xuất khẩu ổn định, cần đảm bảo chất lượng từ đầu vào, chăm sóc đúng tiêu chuẩn quy định để tránh vi phạm các lỗi sai, gây mấy uy tín cho thương hiệu. Đồng thời, không chỉ xuất khẩu trái chín, với những trái sầu riêng không đạt chuẩn xuất khẩu, HTX cũng có thêm những lựa chọn phù hợp. Thành viên trong HTX, anh Phan Văn Dược, người nông dân nổi tiếng vùng sầu riêng Phước Lộc cũng chia sẻ, ngoài xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, thành viên HTX và bản thân anh vẫn tiếp tục cấp đông múi sầu riêng, vừa phục vụ nhu cầu thị trường trong nước, vừa định hướng xuất khẩu sầu riêng múi. Đây là hướng đi căn cơ, đảm bảo thành viên của HTX đa dạng mô hình sản xuất, kinh doanh. 

 Ông Nguyễn Duy Lực - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai cho biết, mục tiêu của xã là đồng hành cùng nông dân, thành lập các chuỗi giá trị tiêu thụ sầu riêng. Chuỗi liên kết là tiền đề để xây dựng các chuỗi xuất khẩu, đảm bảo đường đi của sầu riêng ổn định từ vườn cho tới người tiêu dùng nội địa và người tiêu dùng nước ngoài. Ông Lực cũng cho hay, không chỉ xóm Sình Mây, người nông dân Phước Lộc đang xây dựng nhiều tổ hợp tác, HTX để liên kết sức mạnh tập thể, nhằm mục tiêu mở rộng thương hiệu sầu riêng.