Khả năng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước trong mùa khô năm 2024 ở mức trung bình đến cao

NGUYỄN NGHĨA - VÕ TRANG 16:28, 18/01/2024

(LĐ online) - Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng, mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh có khả năng xảy ra hạ hán, thiếu hụt nguồn nước tưới tiêu ở mức trung bình đến cao. Tổng lượng mưa theo dự báo đạt thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5 đến 15%, dòng chảy sông suối thấp hơn trung bình nhiều năm từ 8,0 đến 40,5%.

Mực nước hồ xuống thấp

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, dung tích trữ trong các hồ thủy điện, thủy lợi lớn đến cuối tháng 12/2023 còn khoảng 90% so với thiết kế, mực nước trong hồ thủy lợi phổ biến thấp hơn so với mực nước dâng bình thường từ khoảng 0,1 đến gần 1m, đối với các hồ thủy điện thấp hơn từ 0,2 đến gần 3m.

Diện tích cây trồng nằm ngoài khu vực tưới của các công trình thủy lợi vẫn còn khá lớn, nên luôn tiềm ẩn khả năng xảy ra hạn hán nếu trời không mưa và nắng nóng kéo dài.

Căn cứ dự báo, cảnh báo thời tiết, thủy văn thời hạn mùa của tỉnh Lâm Đồng; trên cơ sở báo cáo của các địa phương, đơn vị thì hiện nay các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn có thể đáp ứng nhu cầu cấp nước, tuy nhiên trong thời gian tới, nếu xuất hiện tình hình nắng nóng kéo dài, hạn hán có khả năng gây ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất.

Cụ thể, đối với cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp dự kiến có khoảng 9.274ha đất sản xuất sẽ bị thiếu nước tại một số khu vực, trong đó đa phần thuộc các khu vực xa nguồn nước; đối với cấp nước sinh hoạt nông thôn dự kiến có khoảng 1.684 hộ dân bị ảnh hưởng do thiếu nước.

Nông dân Đà Lạt chăm sóc hoa Lyly
Nông dân Đà Lạt chăm sóc hoa lily

Để chủ động trong công tác phòng, chống hạn hán thiếu nước mùa khô năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch phân công cụ thể trách nhiệm thực hiện của các địa phương, đơn vị liên quan trong việc triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước. Theo đó, yêu cầu các địa phương chủ động theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, nắm bắt tình hình sản xuất để chủ động trong công tác phòng, chống hạn hán; tăng cường phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước; có những phương án bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng cân đối nguồn nước; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt nông thôn tập trung...

Đối với những khu vực cách xa công trình thủy lợi, khu vực không có công trình thủy lợi, khu vực canh tác dựa vào nước trời, nước hồi quy từ các công trình thủy lợi khuyến cáo người dân canh tác một cách chủ động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang những cây trồng ít dùng nước, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu hạn hán xảy ra, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước năm 2024 trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ cần khoảng trên 63 tỷ đồng.