Khai thác cát trái phép, khi nào khởi tố hình sự?

Thực hiện: CHÍNH PHONG 12:08, 18/08/2023

(LĐ online) - Liên quan tới bài điều tra “Đột nhập hầm khai thác cát lậu tại vùng giáp ranh” Báo Lâm Đồng đăng ngày 8/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc kiểm tra việc khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép mà báo nêu.

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về các quy định pháp lý trong xử lý vi phạm đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép cũng như giúp người dân tăng cường việc giám sát, phản ánh kịp thời tới cơ quan chức năng tình hình khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn, Báo Lâm Đồng có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Văn Hoàng thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng về vấn đề này.

* Phóng viên: Những năm gần đây, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đã gây tổn hại về môi trường và gây thiệt hại về kinh tế cho nhà nước. Xin luật sư cho biết những quy định pháp lý liên quan đến vấn đề này?

Luật sư Trương Văn Hoàng
Luật sư Trương Văn Hoàng

LUẬT SƯ TRƯƠNG VĂN HOÀNG: Theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2012, các loại khoáng sản; trong đó, có cát là một trong những loại khoáng sản dùng để làm vật liệu xây dựng thông thường. Nếu khai thác khoáng sản mà không được cấp giấy phép khai thác hoặc thuộc trường hợp không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác mà không nộp tiền cấp quyền khai thác thì đó là hành vi khai thác cát trái phép. Hành vi khai thác cát trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu có dấu hiệu hình sự thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

* Phóng viên: Mức xử phạt hành chính cũng như về mặt hình sự đối với tổ chức, cá nhân bị phát hiện khai thác cát trái phép ra sao, thưa luật sư?

LUẬT SƯ TRƯƠNG VĂN HOÀNG: Về mặt xử lý vi phạm hành chính, căn cứ khoản 1 Điều 48 Nghị định 36/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP) quy định phạt tiền đối với hành vi khai thác cát trái phép, sỏi lòng sông, suối, hồ, cửa sông; cát, sỏi ở vùng nước nội thủy ven biển mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan chức năng sẽ tùy thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi, chủ thể thực hiện hành vi khai thác cát trái phép nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt với các mức phạt hành chính.

Cụ thể, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ phạt từ 20 triệu đồng tới 200 triệu đồng khi xác minh tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm dưới 10 m3 tới 50 m3 trở lên. Đây mức phạt đối với cá nhân.

Đối với hộ kinh doanh, chi nhánh, văn phòng đại diện (gọi chung là tổ chức), mức phạt vi phạm hành chính gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 36/2020/NĐ-CP.

Về mặt xử lý hình sự, ngoài những quy định xử phạt vi phạm hành chính, hành vi khai thác cát trái phép có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 54 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).

Theo đó, Luật quy định người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Cụ thể, đối với các trường hợp thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; khoáng sản trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;…

Đối với pháp nhân thương mại, tổ chức tuỳ theo mức độ vi phạm, chủ thể thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.

Một chiếc xe bán tải được cho rằng của lực lượng công an trưng dụng của một doanh nghiệp để đi kiểm tra hầm khai thác cát lậu mà Báo Lâm Đồng phản ảnh ngày 8/8. Tuy nhiên, chỉ sau vài phút tiếp xúc giữa 2 bên, 3 chiếc xe đào từ hầm cát đi ra thản nhiên rời đi trước sự chứng kiến của những người trên xe bán tải. Ảnh cắt từ clip
Một chiếc xe bán tải được cho rằng của lực lượng công an "trưng dụng" của một doanh nghiệp để đi kiểm tra hầm khai thác cát lậu mà Báo Lâm Đồng phản ảnh ngày 8/8. Tuy nhiên, chỉ sau vài phút tiếp xúc giữa 2 bên, 3 chiếc xe đào từ hầm cát đi ra thản nhiên rời đi trước sự chứng kiến của những người trên xe bán tải. Ảnh cắt từ clip

* Phóng viên: Thông tin ghi nhận được bằng video clip và hình ảnh mà phóng viên Báo Lâm Đồng phản ánh trong bài viết “Đột nhập hầm khai thác cát lậu tại vùng giáp ranh”, theo luật sư thì cơ quan chức năng có thể xem xét, xác minh để xử phạt hành chính cũng như khởi tố vụ án hình sự không?

LUẬT SƯ TRƯƠNG VĂN HOÀNG:

Có thể hiểu là nội dung và hình ảnh để minh họa chứng cứ, số liệu… mà Báo Lâm Đồng đăng tải được coi là tin báo về tội phạm giúp cơ quan thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự nếu xác minh được các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân.

Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Điều 143 quy định rất rõ cơ quan điều tra chỉ khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ: Tố giác của cá nhân; tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước; cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm và người phạm tội tự thú.

Như tôi đã đề cập ở trên, từ nguồn tin báo chí, người dân cung cấp, cơ quan có thẩm quyền nếu xác minh được khối lượng cát mà cá nhân khai thác trái phép, thu lợi bất chính quy ra giá trị tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì đủ cơ sở để khởi tố vụ án để điều tra làm rõ theo Điều 227, Bộ luật Hình sự 2015.

Đối với tổ chức nếu thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 700 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, cơ quan có thẩm quyền sẽ đủ điều kiện để khởi tố vụ án để điều tra theo khoản 1 Điều 227, Bộ luật Hình sự 2015.

Phóng viên: Xin cám ơn luật sư!