Chủ động phòng, chống sạt trượt và ngập lụt

HƯƠNG LY 05:58, 13/12/2023

Đối mặt với thực trạng sạt trượt, ngập lụt diễn biến phức tạp, khó lường, tỉnh Lâm Đồng đã nhận định các yếu tố, nguyên nhân gây ra tình trạng sạt trượt, ngập lụt cục bộ trên địa bàn tỉnh. Từ đó, xác định các giải pháp hiệu quả về phòng, chống sạt trượt, ngập lụt trên địa bàn.

Khu vực Đèo Chuối, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông một số vị trí phía taluy âm 
có nguy cơ sạt lở
Khu vực Đèo Chuối, xã Liêng S'rônh, huyện Đam Rông một số vị trí phía taluy âm có nguy cơ sạt lở

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, một số nguyên nhân gây nên tình trạng sạt lở, ngập lụt trong thời gian qua có thể kể đến như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Theo đó, tại tỉnh Lâm Đồng, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, lượng mưa trung bình từ 1.750-3.150 mm/năm, là tỉnh có lượng mưa luôn cao hơn bình quân chung cả nước (lượng mưa bình quân cả nước dao động khoảng 1.500 mm - 2.000 mm/năm); trong đó một số thời điểm lượng mưa tại TP Đà Lạt và Bảo Lộc rất cao (tháng 6 và tháng 7), đạt từ 100 mm-190 mm/ngày, làm nền đất bị yếu, gây sạt lở.

Bên cạnh đó, diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh khoảng 977.219 ha, địa hình chủ yếu là đồi núi, có độ cao từ 200 -1500 m so với mực nước biển, với các nhóm đất chủ yếu là đất đỏ bazzan, đất phù sa... đất có độ dốc cao (trên 25 độ, chiếm 50%), kết cấu đất yếu nên gây nguy cơ sạt lở đất rất cao khi xảy ra mưa lớn kéo dài. 

Đặc biệt, trong hoạt động xây dựng, các hoạt động san gạt, đào đắp tạo mặt bằng xây dựng để xây dựng công trình tại các vị trí, khu vực sườn dốc, taluy âm/dương cao, có nguy cơ sạt trượt. Qua rà soát cho thấy, đều có hoạt động xây dựng công trình, san gạt mặt bằng. Công tác quản lý chất lượng (thiết kế, thi công, giám sát) của các chủ thể tham gia xây dựng công trình (chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn…) chưa đảm bảo đầy đủ theo quy định.

Ngoài ra, với công tác quản lý Nhà nước, một số địa phương chưa kịp thời rà soát toàn bộ các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, nhất là khu vực đồi dốc, khu vực có taluy âm/dương cao để tăng cường công tác quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng. Một số địa phương chưa làm tốt công tác quản lý chất lượng khảo sát, thiết kế, thẩm định trước và sau khi cấp phép xây dựng; quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất tại khu vực đồi núi dốc, hiểm trở.

Theo báo cáo của Đài Khí tượng thủy văn Lâm Đồng, Lâm Đồng là một tỉnh vùng núi, sự biến đổi của lượng mưa sẽ ảnh hưởng đến chu trình thủy văn và tài nguyên nước trong hệ thống khí hậu, dẫn tới làm thay đổi các giá trị trung bình của nhiệt độ và lượng mưa, làm tăng sự biến động của hiện tượng mưa mạnh lên hoặc yếu đi, gây ra lũ lụt hoặc hạn hán, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sản xuất của người dân. Qua phân tích, đánh giá chuỗi số liệu mưa năm từ năm 1980 đến nay (tại một số trạm khí tượng Đà Lạt, Liên Khương, Bảo Lộc) cho thấy xu thế biến đổi chung về tổng lượng mưa năm tại tỉnh Lâm Đồng (bao gồm TP Đà Lạt) có chiều hướng gia tăng qua từng năm và có xu thế biến đổi khá phức tạp…

Qua quá trình đánh giá thực trạng, nguyên nhân thực tế, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh đề xuất các giải pháp phòng, chống sạt trượt, ngập lụt cục bộ trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, các giải pháp trước mắt, phải thực hiện ngay đó là, tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý trật tự xây dựng và trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh. Tập trung khảo sát kết hợp quan trắc đánh giá khu vực đang có nguy cơ sạt trượt và ngập lụt để có giải pháp phù hợp đối với từng mức độ nguy hiểm của từng trường hợp. Hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho cơ quan quản lý hoạt động xây dựng tại các địa phương tổ chức thực hiện công tác cấp phép xây dựng và quản lý hoạt động xây dựng các công trình tường chắn đất, việc lắp đặt các thiết bị quan trắc. Tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào công tác quản lý trật tự đô thị, quản lý hệ thống thoát nước, bảo vệ môi trường. Ưu tiên vốn để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thoát nước cũ; tăng cường công tác duy tu, duy trì hệ thống thoát nước… 

Đối với giải pháp lâu dài, Sở Xây dựng tỉnh nhận định cần phải thuê tư vấn đủ năng lực chuyên môn để thực hiện khảo sát hiện trạng hệ thống cấp thoát nước, khảo sát địa hình và điều kiện tự nhiên đề xuất giải pháp chống ngập cục bộ. Nâng cao chất lượng công tác dự báo thời tiết, dự báo mưa tại các khu vực trên địa bàn tỉnh. Rà soát, lập mới, điều chỉnh quy hoạch đô thị theo hướng phù hợp với địa hình, điều kiện tự nhiên, trong đó, quy hoạch thoát nước theo hướng thoát nước bền vững thích ứng biến đổi khí hậu. Rà soát các dự án thoát nước trên địa bàn (cần thiết sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh…), với dự án đầu tư xây dựng mới phải đồng bộ (hệ thống thoát nước, đê bao, công trình ngăn triều, hệ thống bơm hỗ trợ) có tính đến biến đổi khí hậu cho từng lưu vực thoát nước phù hợp với khả năng nguồn vốn. Ứng dụng công nghệ về dự báo, cảnh báo sớm, phân vùng rủi ro sạt trượt, ngập lụt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng…