Ðạ Huoai: Nguy cơ hạn hán nếu nắng nóng kéo dài

TỨ ĐỨC 02:33, 18/03/2024

Nắng nóng kéo dài, tại một số công trình thủy lợi, hồ chứa mực nước đã xuống thấp hơn mực nước dâng bình thường, một số công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy trên địa bàn xuống cấp, gây thất thoát lượng nước và ảnh hưởng đến lưu lượng. Đó chính là thực trạng “khô, khát” mà người dân, cây trồng ở huyện Đạ Huoai đã và đang đối mặt.

Mực nước tại các sông, suối và hồ chứa nước huyện Đạ Huoai đều xuống thấp hơn so với cùng kỳ năm trước
Mực nước tại các sông, suối và hồ chứa nước huyện Đạ Huoai đều xuống thấp hơn so với cùng kỳ năm trước

• ĐỐI MẶT VỚI NGUY CƠ HẠN HÁN

Từ đầu tháng 12 đến nay, trên địa bàn huyện Đạ Huoai xảy ra hiện tượng nắng nóng kéo dài; nhiệt độ trung bình các tháng cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt tháng 2/2024 cao hơn mức trung bình cùng kỳ hàng năm từ 2 độ C đến 3 độ C; lượng mưa thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Đến nay, địa bàn huyện không có cơn mưa nào, dẫn đến mực nước tại các sông, suối và hồ chứa đều xuống thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Toàn huyện có tổng diện tích cây trồng cần tưới là 14.625,42 ha, gồm: cây lương thực 125,2 ha, cây thực phẩm 68,2 ha; cây công nghiệp ngắn ngày 11,2 ha, cây công nghiệp dài ngày 6.687,25 ha, cây ăn quả 7.062,72 ha, cỏ chăn nuôi 94,7 ha, diện tích tre lấy măng 8,7 ha, cây lâm nghiệp 567,45 ha. 2 khu vực dân cư có thể thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt là xã Đoàn Kết ở khu tái định cư Thôn 1 khoảng 38 hộ, khu vực Thôn 2 khoảng 15 hộ; tại xã Mađaguôi khu vực Thôn 4 khoảng 40 hộ dân. 6 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn được nhận định có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước trong giai đoạn mùa khô.

Theo khảo sát của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai, mực nước tại các công trình thủy lợi hầu hết đã xuống thấp hơn so với mực nước dâng bình thường. Cụ thể, 5 hồ chứa nước trên địa bàn huyện mực nước xuống thấp hơn bình thường từ 1,4 m đến 4,3 m. Đập dâng Pu Đa Ngar lượng nước đầu nguồn đã giảm mạnh; công trình thủy lợi cống dâng Mađaguôi và trạm bơm Đạ Goail nguồn nước vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. Mực nước đầu nguồn các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn đã giảm.

Ông Nguyễn Văn Tú - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đạ Huoai cho biết: Dự báo nắng nóng tiếp tục kéo dài thì trên địa bàn có khoảng 335,2 ha cây trồng (gồm cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước tưới. Cụ thể xã Đoàn Kết 55 ha; xã Đạ P’Loa 30 ha; thị trấn Đạ M’ri khoảng 150 ha; xã Hà Lâm 100 ha. Đa phần diện tích này canh tác các loại cây ăn quả, cây công nghiệp. Phòng đã tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, hạn hán, thiếu nước, để kịp thời cung cấp thông tin, cảnh báo đến các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan biết chỉ đạo và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các xã, thị trấn thực hiện kế hoạch, giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước sinh hoạt; tổng hợp, tham mưu UBND huyện báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

Để giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn trong thời gian còn lại của mùa khô 2024, UBND huyện Đạ Huoai chỉ đạo UBND các xã, thị trấn huy động nguồn lực tại chỗ, vận động người dân, huy động dân quân, đoàn viên, thanh niên nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy từ đầu mối đến cuối kênh, đảm bảo đủ nước tới cuối khu tưới; đào ao, đào giếng ở những nơi có điều kiện về nguồn nước để khai thác tối đa nguồn nước. Đối với các vùng có khả năng bị thiếu nước, cần tăng cường tích trữ nước để dành cho sinh hoạt, chăn nuôi, tưới cho cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao. Theo dõi, kiểm tra, xác định cụ thể tình hình khô hạn của từng khu vực, chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng của địa phương để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ chống hạn như: máy bơm nước, xăng dầu, đường ống, nguồn nước dự kiến bơm chống hạn...

• GIẢI HẠN CHO SẦU RIÊNG

Đạ Huoai là vùng trồng sầu riêng lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng; những năm gần đây loại cây trồng chủ lực này đã mang lại thu nhập tiền tỷ cho nhiều nông hộ tại địa phương. Hiện nay, một số diện tích cây trồng có biểu hiện thiếu nước, nếu nông dân không có biện pháp chăm sóc hợp lý sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây trồng, đặc biệt những cây trồng đang trong thời gian ra hoa, đậu quả như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… và cây trồng trong giai đoạn kiến thiết cơ bản năm thứ nhất, thứ hai sau trồng.

Ông Bùi Quang Trung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Lâm cho biết: Hiện tại, địa phương có 27 ha sầu riêng của Thôn 4 đang có nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng. 13 hộ gia đình canh tác ở đây đang dùng hệ thống 3 máy bơm để chuyền nước từ các khe suối về tưới cho cây trồng. Hội đã đi khảo sát thực tế, hướng dẫn người dân cách tưới nước tiết kiệm để đảm bảo cho cây trồng trong mùa khô hạn.

Để giúp nông dân kịp thời phòng, chống hạn cho cây trồng trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là cây sầu riêng. Trung tâm Nông nghiệp huyện khuyến cáo một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng trong giai đoạn này. Đối với sầu riêng giai đoạn kinh doanh đảm bảo tưới đủ nước cho cây sầu riêng trong giai đoạn hiện nay (50-70 lít/ngày), nếu cây bị thiếu nước trong giai đoạn đậu quả non, cây sẽ rụng lá, rụng trái non, chết cành. Sau khi xả nhụy, tưới đều nước bên dưới tán cây (vì nơi đó tập trung rất nhiều rễ tơ hút nước) cho đến khi nước vừa chảy tràn trên mặt đất, những lần tưới nước sau đó tưới tăng dần lượng nước đến mức trở lại bình thường, giúp quả phát triển khỏe, chất lượng cao… Tưới lặp lại khi bề mặt đất khô (tùy theo điều kiện đất đai, giai đoạn của cây trồng có thể từ 1-3 ngày/lần). Cùng với đó là việc bổ sung dinh dưỡng, tỉa quả, phòng trừ sâu bệnh cho sầu riêng.

Đối với các cây trồng giai đoạn kiến thiết cơ bản tủ gốc bằng cách sử dụng dư thừa thực vật như rơm hay cỏ khô… phủ kín mô đất xung quanh gốc cây một lớp dày 5-10 cm với đường kính theo hình chiếu tán lá cây, lớp tủ cách gốc 15-20 cm để tránh bị mối gây hại gốc và rễ cây. Sử dụng thuốc phòng trừ mối Vifu-super 5G, Afudan 3GR super… Tưới nước cho cây khi mặt đất khô (hoặc lá rủ vào lúc trời nắng, cỏ dưới mặt đất héo…). Định kỳ tưới nước 1-3 ngày/1 lần, lượng nước tưới 20-50 lít/cây/lần, tùy đường kính tán lớn hay nhỏ, loại đất: cát, thịt, sét. Đối với các cây trồng giai đoạn kinh doanh khác: cần đảm bảo tưới đủ nước, không tưới dư (kiểm tra thấy bề mặt đất bắt đầu khô mới tưới lập lại lần sau). Chú trọng tưới tiết kiệm nước, tưới nước hợp lý, chu kỳ tưới phù hợp cho từng loại đất, loại cây trồng, tránh lãng phí nguồn nước khan hiếm hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Thu Thắm - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai cho biết: Hiện nay đang là thời điểm nắng hạn cao điểm của mùa khô năm 2024. Nếu nông dân không có biện pháp chăm sóc cây trồng hợp lý, đúng kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển và năng suất thu hoạch của một số cây trồng chính trên địa bàn như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm… Trung tâm Nông nghiệp huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền theo khuyến cáo; chỉ đạo khuyến nông viên, kết hợp với ban thôn, tổ dân phố thường xuyên kiểm tra vườn, nắm bắt tình hình sinh trưởng phát triển của cây trồng, khuyến cáo nông hộ tưới nước, chăm sóc cây trồng đúng kỹ thuật, giúp cây phát triển tốt tránh để cây thiếu nước ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây trồng, bảo vệ năng suất cây trồng năm 2024.