Tăng cường công tác quản lý bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm

HOÀNG SA 05:57, 16/04/2024

Thời gian qua, công tác quản lý bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không ngừng tiến bộ, một số nông sản, thực phẩm chủ lực như rau, quả, cà phê cơ bản đáp ứng yêu cầu ATTP. Bên cạnh đó, điều kiện ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được cải thiện hơn; số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP càng ngày càng tăng.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh đã chú trọng hơn đến các điều kiện đảm bảo ATTP
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh đã chú trọng hơn đến các điều kiện đảm bảo ATTP

Bà Nguyễn Thùy Quý Tú - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP cho người lao động được tăng cường, triển khai trên địa bàn toàn tỉnh; việc thông tin sản phẩm không an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng nhiều, đa dạng đã góp phần không nhỏ cho người tiêu dùng nhận dạng, đề cao, cảnh giác các sản phẩm không an toàn. 

Cùng với đó, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý chất lượng ATTP đã thường xuyên được tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng trong quản lý. Công tác thẩm định, thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát chất lượng ATTP, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ký cam kết được đẩy mạnh đã góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. 

Nhìn chung, công tác quản lý bảo đảm chất lượng ATTP có tiến bộ, một số nông sản, thực phẩm chủ lực như rau, quả, cà phê cơ bản đáp ứng yêu cầu. Điều kiện ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được cải thiện hơn. Số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP càng ngày càng nâng cao. Mặt khác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp đã có chuyển biến tốt, số cơ sở vi phạm ngày càng ít hơn trước đây. Việc liên kết tiêu thụ nông sản an toàn với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã mang lại kết quả tốt, nhiều sản phẩm Lâm Đồng đã được tiêu thụ rộng rãi trong cả nước đã giúp cho các cơ sở sản xuất phát triển mạnh.

Riêng trong năm 2023, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản đã thực hiện 19 đợt lấy mẫu giám sát đối với sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản với 357 mẫu sản phẩm; trong đó, mẫu có nguồn gốc thực vật là 278 mẫu, nguồn gốc động vật 49 mẫu, mẫu thủy sản 30 mẫu. Kết quả, có 5/278 mẫu có nguồn gốc thực vật không đạt, chiếm tỷ lệ 1,79%; có 17/49 mẫu nguồn gốc động vật giò chả phát hiện có hàm lượng Natribenzoat; 1 mẫu mật ong phát hiện hoạt chất Carbendazim và 3 mẫu thủy sản phát hiện hoạt chất Trichlorfon .

Đồng thời, đơn vị đã tổ chức 13 đợt thẩm định định kỳ theo Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT trên địa bàn toàn tỉnh đối với 188 cơ sở, thực hiện đánh giá xếp loại được 111 cơ sở, 82 cơ sở tạm ngưng hoạt động hoặc ngưng hoạt động. Trong đó, cơ sở loại A đạt 15 cơ sở, loại B đạt 96 cơ sở, số mẫu đã lấy là 50 mẫu. Ngoài ra, đơn vị đã tiến hành thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 234 hồ sơ. Trong đó, cấp giấy chứng nhận cho 153 cơ sở và có 6 hồ sơ xếp loại A, 147 hồ sơ xếp loại B; 81 cơ sở chưa được cấp giấy do chưa đủ điều kiện ATTP cũng như chưa hoàn thiện nhà xưởng để hoạt động. 

Mặt khác, để tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát ATTP trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm, trong năm 2023, đơn vị đã tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật, thông tin, truyền thông về chất lượng ATTP, chế biến nông, lâm, thủy sản cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; tổ chức 1 lớp về thủ tục xuất khẩu, cách thức tiếp cận các thị trường xuất khẩu với hơn 60 người tham dự; tổ chức 1 lớp về phát triển thương hiệu, về các quy định, thủ tục về nhãn hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành với hơn 45 người tham dự; mở 3 lớp về tập huấn kiến thức ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp cho 181 cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tại huyện Lâm Hà, Di Linh.

Ngoài ra, đơn vị đã hỗ trợ 64 cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân thực hiện tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, diện tích rau, củ, quả các loại là 203.3 ha; chăn nuôi gà 38.200 con và lợn 750 con. Sản xuất tiếp tục chuyển dịch theo hướng tuần hoàn - hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo ATTP. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có là 6.282 ha sản xuất áp dụng VietGAP, GlobalGAP tăng 372 ha và 1.415 ha sản xuất áp dụng hữu cơ; trong đó, rau 3.060 ha, chè 637,5 ha, cây ăn quả 1.241,18 ha, lúa 605,19 ha, dược liệu 46,4 ha, cà phê 292,5 ha, tiêu 3 ha. Diện tích sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng đồng bộ, bền vững 4C, UTZ, Rainforest là 86.000 ha, sản lượng đạt 265.000 tấn/năm. Trong chăn nuôi có 4 cơ sở nuôi cá tầm quy mô 140.000 con, 9 trang trại chăn nuôi heo với quy mô 193.000 con, 6 cơ sở chăn nuôi gia cầm 71.500 con, 26 cơ sở chăn nuôi ong với quy mô 5.860 đàn ong; áp dụng quy trình chăn nuôi tốt theo VietGAP nông hộ có 4 vùng chăn nuôi với 50 tổ hợp tác với 718 hộ, quy mô 67.882 con heo, sản lượng khoảng 14.339 tấn; chứng nhận Organic khoảng 1.045 con bò sữa tại Trang trại bò sữa Vinamilk Lâm Đồng.

“Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, thẩm định các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm sản và thủy sản, vật tư nông nghiệp. Tăng cường công tác, thanh tra, kiểm tra, thẩm định để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về ATTP, nhất là vấn đề về sử dụng chất cấm, kháng sinh cấm, chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi nhằm tạo ra những sản phẩm thực phẩm an toàn cho sức khỏe con người. Thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu về ATTP, kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm” - bà Nguyễn Thùy Quý Tú cho hay.