Cảm xúc dồn nén suốt ba mươi năm

UÔNG THÁI BIỂU 08:53, 28/04/2024

Trong cuộc đời sáng tạo không mệt mỏi của mỗi nghệ sĩ, có những tác phẩm được sinh thành khi cảm xúc dồn nén bất chợt trào lên. Cũng như lịch sử, có những ngày chứa đựng biết bao sự kiện để chuẩn bị bước sang trang mới. Tôi muốn nói lời mào đầu như vậy trước khi hồi tưởng cảm xúc cùng nhạc sĩ Phạm Tuyên - người sáng tác ca khúc "Như có Bác trong ngày vui đại thắng" vào những ngày này 49 năm trước...

Nhạc sĩ Phạm Tuyên trong một chuyến thực tế sáng tác tại huyện Lạc Dương - Lâm Đồng.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên trong một chuyến thực tế sáng tác tại huyện Lạc Dương - Lâm Đồng

Tháng ngày cuối xuân đầu hè này, khắp mọi miền đất nước đang rạo rực trong niềm xúc động kỷ niệm ngày nước nhà thống nhất. Ở căn hộ nhỏ trong khu nhà yên tĩnh ở phố Vạn Bảo (Hà Nội), nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng đang hồi tưởng lại những phút giây xúc động khi hình thành những nét nhạc đầu tiên của ca khúc mà giờ đây đã trở thành một trong những bài hát được phổ biến nhất của ông và của người dân Việt Nam. Tôi đã hỏi chuyện nhạc sĩ Phạm Tuyên về sự ra đời và lần đầu tiên bài hát "Như có Bác trong ngày vui đại thắng" phát trên làn sóng điện đã tạo nên sức lan tỏa cực nhanh đến với công chúng.

Ông kể: Tháng 4/1975, tin chiến thắng dồn dập từ chiến trường báo về: Buôn Ma Thuột rồi Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng; Huế, Đà Nẵng, Phan Rang và Xuân Lộc thất thủ, địch tan rã khắp toàn miền Nam. Chiều 24/4, quân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với năm cánh quân tiến về Sài Gòn. Vào đầu ngày 28/4/1975, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin một viên phi công của Quân lực Việt Nam cộng hòa là Nguyễn Thành Trung đã lái máy bay tiêm kích ném bom phi trường Tân Sơn Nhất. “Nghe bản tin, tôi có ngay cảm giác: Miền Nam sắp giải phóng rồi! Rồi tự đặt và trả lời câu hỏi, khi đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối thì mọi sự ra sao? Chắc chắn một điều, tất cả người dân Việt Nam sẽ chào đón trong niềm hân hoan tột độ! Trước đó, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam giao nhiệm vụ cho tôi sáng tác một bản hợp xướng hoành tráng dành cho sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc và tôi đã hình thành đề cương cho bản hợp xướng 4 chương: Miền Bắc lũy thép, miền Nam thành đồng, Tiến công và nổi dậy và Toàn thắng. Nhưng cuối cùng, tôi đã ngừng việc hoàn thành bản hợp xướng vì cho rằng: Dựng lên như vậy nhưng vẫn cảm thấy có cái gì đó gờn gợn trong lòng. Hơn nữa, nếu đất nước thống nhất thì người dân sẽ đổ ra đường chứ chẳng ai ở nhà mà nghe hợp xướng cả”, người nhạc sĩ lão thành hồi tưởng.

Thay vì bản hợp xướng như dự định, đêm 28/4/1975, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã ôm cây đàn ghi ta từ 21 giờ 30 đến 23 giờ 30 để ký âm và viết lời ca khúc "Như có Bác trong ngày vui đại thắng". Sáng 29/4, ông mang tác phẩm lên trình hội đồng duyệt âm nhạc. Hội đồng trả lời: "Ông Phạm Tuyên sáng tác như bài hát thiếu nhi". Họ nói như thế vì thấy bài hát quá ngắn. Anh em định để đến ngày kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thì dàn dựng, phát sóng...

Thật bất ngờ, sáng 30/4, có cán bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam đến tận nhà Phạm Tuyên và báo tin như reo: “Sài Gòn giải phóng rồi! Tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện! Anh lên đài ngay, đài đang cần bản hợp xướng cho sự kiện trọng đại này...”. Nhạc sĩ Phạm Tuyên vội vã lên đài ở 58 Quán Sứ. Vừa lên tới cầu thang thì ông gặp Tổng Giám đốc Trần Lâm. Cứ đứng ngay giữa cầu thang, ông hát: "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng. Ba mươi năm đấu tranh giành trọn vẹn non sông. Ba mươi năm Dân chủ Cộng hòa kháng chiến đã thành công. Việt Nam - Hồ Chí Minh! Việt Nam - Hồ Chí Minh!...". Phạm Tuyên vừa hát xong, ông Tổng Giám đốc ôm lấy ông xoay vòng và reo to: "Trúng rồi!". Lập tức 40 anh chị em dàn đồng ca và dàn hợp xướng được triệu tập, dàn dựng và tập gấp gáp, đầy hứng khởi. Đến 17 giờ ngày 30/4/1975, sau bản tin thời sự đặc biệt thông báo miền Nam hoàn toàn giải phóng, lần đầu tiên làn sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi khắp mọi miền Tổ quốc bài hát "Như có Bác trong ngày vui đại thắng". Với giai điệu giản dị, gần gũi, lời ca ngắn gọn, súc tích, cả nhan đề và lời chưa tới 60 từ; chính vì vậy, bài hát dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hát, được phổ biến rộng rãi khắp mọi miền quê Việt Nam. “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” cũng đã vượt biên giới Việt Nam để lan tỏa đến với nhiều quốc gia trên thế giới như Nga, Đức, Cu Ba, Trung Quốc...

 
“Không có giải thưởng nào lớn bằng chỗ đứng của ca khúc trong lòng Nhân dân. Tôi cố gắng tìm sự giản dị khi sáng tác vì tôi muốn ghi lại cảm xúc của mọi người trong hoàn cảnh xã hội đương thời. Giản dị và trung thực với cảm xúc của chính mình sẽ đạt điều mong muốn là hòa nhịp được với tiếng lòng của Nhân dân. Ca khúc "Như có Bác trong ngày vui đại thắng" được Nhà nước tặng Huân chương Lao động và được Nhân dân tặng danh hiệu sống mãi với thời gian...”. - Nhạc sĩ Phạm Tuyên

Nhạc sĩ Phạm Tuyên rất vui khi kể rằng, năm 1979, trong dịp đoàn nghệ sỹ Việt Nam sang Nhật Bản biểu diễn, mọi người hết sức bất ngờ và xúc động khi ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” đã có mặt trên 49 tỉnh, thành của đất nước hoa anh đào bởi Hội Âm nhạc lao động Nhật Bản xuất bản và phát hành. Tờ Lette du Caef của Pháp cũng đã in nguyên bản nhạc này. Nói về bài hát của mình, nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm sự: “Lời bài hát như là tấm lòng, là ước vọng bao nhiêu lâu mình mong ước, có không biết bao nhiêu người cảm động và khóc khi hát vang ca khúc này. Và cảm giác bài hát như có sẵn rồi, không phải là tôi viết thì sẽ là một nhạc sĩ khác của dân tộc sẽ viết ra nó”. Quả đúng vậy, ca khúc này đã đạt cả hai điều cần thiết là tính cụ thể và tính khái quát. Chỉ vài dòng ngắn gọn với giai điệu giản dị, nhưng bài hát đã khái quát về Thời đại Hồ Chí Minh, Con người Hồ Chí Minh và cuộc đấu tranh dành độc lập, tự do, là thể hiện khát vọng thống nhất của dân tộc và Nhân dân Việt Nam...

 Không chỉ nhạc sĩ Phạm Tuyên, Tổng Giám đốc Trần Lâm mà tất mọi người có mặt ở Đài Tiếng nói Việt Nam trong buổi thu thanh hôm đó đều sững sờ và cùng rưng rưng nước mắt. Giai điệu bài hát và lời ca như một tiếng reo vui, một sự vỡ òa cảm xúc sau 30 năm dồn nén, chờ đợi. Người nhạc sĩ ấy đã hòa mình vào đời sống Nhân dân, trọn đời tận hiến sức lực, tâm huyết và tài năng của mình cho sự nghiệp cách mạng, cho đất nước, dân tộc. Ông đã dấn thân theo lý tưởng từ những ngày là học viên khóa V của Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn từ năm 1949. Ông đã thức cùng Hà Nội trong 12 ngày đêm khói lửa. Ông đã đặt chân lên mảnh đất đặc khu Vĩnh Linh và tận mắt chứng kiến cuộc chiến đấu ngoan cường của chiến sĩ và Nhân dân trong những ngày khốc liệt và oai hùng. Ông đã cùng toàn miền Bắc dõi mắt theo dãy Trường Sơn về với nửa nước bên kia dòng Bến Hải đang bị kẻ thù cắt khúc, chia lìa. Ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” chỉ hình thành trong khoảng hai tiếng đồng hồ nhưng lại là cảm xúc của 30 năm, của cả cuộc đời, là nỗi xúc động sâu sắc của người nhạc sĩ yêu thiết tha Tổ quốc, gắn bó máu thịt với Nhân dân trong ngày giang sơn, cõi bờ và nhân tâm Việt cùng thu về một mối. Đặc biệt, đó là những giai điệu nói thay lòng thành kính tri ân của cả dân tộc đối với vị Cha già kính yêu - Người đã mãi mãi về với cõi vĩnh hằng, không kịp đón ngày nước nhà thống nhất.

Việt Nam, Hồ Chí Minh!

Việt Nam, Hồ Chí Minh!...

Bài hát ngắn, tiết tấu gọn, lời ca giản dị và trong sáng. Bắt đầu từ 17 giờ, bài hát được phát đi phát lại suốt đêm 30/4/1975. Đài Tiếng nói Việt Nam hát, Nhân dân Việt Nam hát, quân nhạc thổi và cả Sài Gòn cùng hát trong ngày nước nhà thống nhất...

* * *

Nhạc sĩ Phạm Tuyên ngừng lời trong cơn xúc động. Hơn 49 năm, cảm xúc như vẫn còn tươi nguyên trong đáy mắt người nhạc sĩ đã qua tuổi cửu tuần. Trong giây phút hình thành những giai điệu đầu tiên, ông cũng không thể ngờ, ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” lại có sức lan tỏa, sức sống mãnh liệt đến như thế. Đồng bào Tày ở Cao Bằng có một cách ví thật hay “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” vừa là bài hát “đón khách” vừa là bài hát “giã bạn”, là những lời ca đồng thanh cất lên để tập hợp mọi người, là tiếng hát lưu luyến khi tàn cuộc, chia tay. Có những vị khách quốc tế, dù không biết đến một câu tiếng Việt vẫn có thể nhẩm theo trong mỗi dịp tham gia khánh lễ Việt Nam: “Việt Nam - Hồ Chí Minh! Việt Nam - Hồ Chí Minh!...”.

Năm 2006, nhạc sĩ nổi tiếng người Nhật Bản Takimoto đến Việt Nam với dự định sáng tác một tác phẩm lớn về đất nước chúng ta. Ông đã đi nhiều nơi và đến đâu cũng nghe từ trẻ đến già hào hứng hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Với sự nhạy cảm của một nghệ sĩ lớn, Takimoto đã cảm nhận ra sức sống của những giai điệu này trong tâm hồn người dân Việt Nam. Người nhạc sĩ Nhật Bản đã quyết định xin phép nhạc sĩ Phạm Tuyên dẫn nguyên vẹn “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” vào tác phẩm của ông và làm chủ đề xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, một giai phẩm hoành tráng kết hợp khí nhạc và thanh nhạc. Đó là một sự giao cảm hài hòa, đồng điệu đầy thú vị của hai nhạc sĩ. Cả khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội trong đêm hòa nhạc ấy đã cùng tuôn trào cảm xúc theo dẫn dắt của nhạc sĩ Takimoto. Đặc biệt, khi điệp khúc “Việt Nam - Hồ Chí Minh!” vút lên, bay bổng, đầy kiêu hãnh từ lồng ngực tràn tươi sức sống của hai ca sĩ trẻ Trọng Tấn và Khánh Linh thì cả khán phòng đều đứng dậy cùng vỗ nhịp tay và hát...