Soi lại những điều Bác Hồ căn dặn trong di chúc về xây dựng đảng

10:06, 26/06/2019

(LĐ online) - Bác Hồ kính yêu trước lúc "đi xa" đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc lịch sử kết tinh những nội dung có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, trong đó có nội dung, tư tưởng về xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh.

(LĐ online) - Bác Hồ kính yêu trước lúc “đi xa” đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc lịch sử kết tinh những nội dung có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, trong đó có nội dung, tư tưởng về xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh.
 
Trong Di chúc, sau phần mở đầu thì điều trước hết Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về Đảng, với 4 nội dung chính: (I) Cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng; (II) Trong Đảng phải phát huy dân chủ, tự phê bình và phê bình thường xuyên và nghiêm túc; (III) Cán bộ phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; (IV) Xây dựng Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ của nhân dân.
 
50 năm qua nhất là trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã lãnh đạo đất nước vượt qua biết bao khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, soi lại những điều căn dăn của Bác trong Di chúc, công tác xây dựng Đảng vẫn còn bao điều băn khoăn, trăn trở, thậm chí là khuyết điểm, yếu kém.
 
Thứ nhất, về tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, Bác nêu: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đây được xem là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong xây dựng Đảng. Bởi đoàn kết trong Đảng không chỉ là nguồn gốc sức mạnh của Đảng, mà còn là cơ sở để xây dựng khối đoàn kết toàn dân; đồng thời phòng ngừa sự chia rẽ, bè phái, làm suy yếu và mất sức chiến đấu của Đảng. Tuy nhiên, hiện nay một số tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị còn tình trạng mất đoàn kết, chia bè kéo cánh, đấu đá lẫn nhau, dẫn đến hậu quả khôn lường, tạo ra cơ hội để kẻ xấu, các thế lực thù địch lợi dụng làm phân hoá nội bộ; tấn công làm cho Đảng ta suy yếu, mất sức chiến đấu, tổn hại đến sự nghiệp cách mạng.
 
Thứ hai, Bác căn dặn trong Đảng phải “thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm túc tự phê bình và phê bình”. Đây được coi là biện pháp quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là yếu tố quyết định giữ gìn uy tín của Đảng, giúp cán bộ, đảng viên sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Thực tế hiện nay, việc thực hành dân chủ, tự phê bình và phê bình trong Đảng đang có nhiều vấn đề phức tạp. Nhiều nơi, nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp còn mang nặng tệ quan liêu, gia trưởng, mệnh lệnh, độc đoán, chuyên quyền, coi thường ý kiến người khác, không chịu sự kiểm soát của tổ chức, dân chủ hình thức; lợi dụng phê bình để đả kích, bôi nhọ, mạt sát đồng chí mình, gây mất đoàn kết nội bộ; thậm chí lợi dụng dân chủ để gây rối, tự do vô chính phủ .... Dẫn đến thủ tiêu đấu tranh, không dám thẳng thắn sử dụng quyền dân chủ theo quy định; không thành thật tự phê bình và phê bình vì sợ mất thành tích, sợ bị thành kiến, ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân... 
 
Thứ ba, Bác yêu cầu cán bộ cần “phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Bởi đạo đức là nền tảng của người cách mạng, người có đạo đức cách mạng thì không sợ sệt, rụt rè, lùi bước trước khó khăn gian khổ; luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; không kèn cựa địa vị, công thần, quan liêu, kiêu ngạo, hủ hóa … Muốn vậy, phải thường xuyên coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân và những tiêu cực, thoái hóa, hư hỏng trong Đảng; giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên thấm nhuần đạo đức cách mạng và xem đây là biện pháp quan trọng nhằm xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh. Hiện nay, tình hình đạo đức của cán bộ, đảng viên đang bị xuống cấp nghiêm trọng, có tác động tiêu cực đến đạo đức xã hội; có không ít cán bộ kể cả cán bộ cấp cao đã không “cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư” như điều Bác căn dặn. Vì quyền lợi cá nhân nên họ rất dễ bị tha hóa, biến chất, tham ô, hủ bại dẫn đến phai nhạt lý tưởng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xa rời nhân dân…, là một trong những nguy cơ lớn của Đảng.
 
Thứ tư, “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đây là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với một Đảng cầm quyền, bởi muốn được dân tin yêu Đảng và đi theo Đảng đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải tận tụy phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân; không được tự cao, tự đại, quan liêu, hách dịch với dân. Thực tế vấn đề này trong Đảng hiện nay còn nhiều khuyết điểm, hạn chế, đúng như  Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Từ đó đã làm mất thanh danh của Đảng, bôi nhọ danh hiệu người đảng viên cộng sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, niềm tin và vai trò lãnh đạo của Đảng trong nhân dân. Và nếu không chặn đứng và đẩy lùi những khuyết điểm đó thì sẽ dẫn đến nguy cơ làm biến chất Đảng, đe doạ sự sống còn của chế độ ta.
 
Để khắc phục tình hình trên đây, đòi hỏi toàn Đảng càng phải kiên quyết, kiên trì, tiến hành đồng bộ 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã đề ra; trong đó cần chú trọng quan tâm đến các vấn đề: (1) Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò đầu tàu, nêu gương của đội ngũ đảng viên, cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ chủ chốt, cán bộ chủ trì các cấp là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng. 
 
(2) Xây dựng và củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng là Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là kim chỉ nam cho hành động của Đảng; trung thành và vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận vào thực tiễn Việt Nam trong điều kiện mới của thời đại… 
 
(3) Tăng cường sức mạnh tổ chức và tính kỷ luật của Đảng, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, uy tín và năng lực tổ chức, lãnh đạo cần thiết.
 
(4) Phải có cơ chế để kiểm soát quyền lực, bởi quyền lực không thể trao cho ai mà không cần kiểm soát. Do một thời gian dài không làm tốt việc kiểm soát quyền lực, dẫn đến nhiều người, nhiều tổ chức đã lợi dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, làm suy thoái đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là những người có chức có quyền.
 
(5) Thực hiện nghiêm minh việc tiến cử, đề bạt, bố trí cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là ở cấp chiến lược những người hội đủ các tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, thực sự có uy tín cao; kiên quyết loại bỏ ngay từ đầu những người cơ hội chính trị, dứt khoát không dùng những người chạy chức, chạy quyền, những người có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, đồng thời xử lý nghiêm những người “tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền”… Đây là công việc cực kỳ phức tạp, bởi hiện nay không ít người đang nắm giữ trọng trách quyết định giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy, đề bạt, bố trí sắp xếp cán bộ vốn đã không đủ tiêu chuẩn, thậm chí suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống… Vì vậy, cần có các chế tài đủ mạnh, phải công khai, minh bạch trong công tác cán bộ và không được coi nhẹ dư luận… 
 
Việc thẳng thắn nhìn nhận những điều băn khoăn, trăn trở trong công tác xây dựng Đảng theo Di chúc Bác Hồ trong thời điểm kỷ niệm 50 năm Người đi xa và chuẩn bị tiến hành đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng là hết sức thiết thực và có ý nghĩa sâu xa. 
                                                                                                                         
 VĂN NHÂN