Cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

09:08, 30/08/2019

(LĐ online) - Hai mươi năm trước, khi Bộ Chính trị chính thức ban hành thông báo về "một số vấn đề liên quan đến Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh", từ đó đến nay, các thế lực thù địch, phản động tuyên truyền xuyên tạc rằng trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề nhắc đến con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, điều đó chứng tỏ Hồ Chí Minh đi theo chủ nghĩa dân tộc thuần túy...

(LĐ online) - Hai mươi năm trước, khi Bộ Chính trị chính thức ban hành thông báo về “một số vấn đề liên quan đến Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, từ đó đến nay, các thế lực thù địch, phản động tuyên truyền xuyên tạc rằng trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề nhắc đến con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, điều đó chứng tỏ Hồ Chí Minh đi theo chủ nghĩa dân tộc thuần túy. Việc Đảng Cộng sản Việt Nam đi theo đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội là cố tình đi ngược lại ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Chúng còn cho rằng, Đảng và Nhà nước ta không nghiêm túc thực hiện Di chúc của Người, trong đó có chuyện không thực hiện một năm miễn thuế nông nghiệp; không hỏa táng thi hài mà lại xây lăng mộ gây tốn kém tiền của Nhân dân; việc cố tình công bố sai ngày mất của Hồ Chí Minh là bản chất thiếu trung thực của Đảng Cộng sản… Những luận điệu đó không ngoài mục đích xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. 
 
Không nhắc nhiều đến cụm từ “chủ nghĩa xã hội” không có nghĩa là từ bỏ con đường đi lên CNXH.
 
Trước hết phải hiểu CNXH là gì? Trên nền tảng lý luận Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra nhiều khái niệm: CNXH là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, trước hết là Nhân dân lao động”, để “ai cũng được làm việc, được ăn no mặc ấm, được học hành, người già yếu được giúp đỡ, các cháu bé thì được chăm sóc”; CNXH là: “…Ai làm nhiều thì ăn nhiều, ai làm ít thì ăn ít, ai không làm thì không ăn, tất nhiên là trừ những người già cả, đau yếu và trẻ em”. Hồ Chí Minh cũng định nghĩa CNXH bằng cách xác định mục tiêu, “CNXH là mọi người được ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do”. Cũng có lúc Người nói: CNXH là no ấm, là đoàn kết, vui khỏe”; “CNXH là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của Nhân dân và do Nhân dân tự xây dựng lấy”. Có khi Hồ Chí Minh trả lời một cách trực tiếp về mục đích của chủ nghĩa xã hội: “Mục đích của CNXH là không ngừng nâng cao mức sống của Nhân dân”… Hồ Chí Minh luận giải CNXH theo cách không phải ở trên mây mà chính bằng thứ ngôn ngữ đời thường nhất ai cũng hiểu, ai cũng biết, ai cũng hình dung được. 
 
Có thật là trong Di chúc, Người đã không đề cập đến CNXH không? Những kẻ phát tán thông tin xuyên tạc tư tưởng của Bác, có lẽ là những kẻ đui mù, bởi trong Di chúc, ít nhất có hai đoạn Hồ Chí Minh trực tiếp nói về CNXH, đó là đoạn Bác nói về Đoàn Thanh niên, Hồ Chí Minh căn dặn:… “Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Và trong bản Di chúc do Bác chỉnh sửa năm 1968, Người khẳng định những chiến sĩ trẻ tuổi và thanh niên xung phong “là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Như vậy, dù không nói nhiều đến cụm từ CNXH, nhưng chỉ cần 2 đoạn trong Di chúc nói trên cũng đủ cơ sở khẳng định rằng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng CNXH ở nước ta là bất biến, là mục tiêu cuối cùng Bác gởi gắm cho thế hệ mai sau. 
 
Trong Di chúc, Hồ Chí Minh còn đặc biệt nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng. Tất nhiên Đảng ở đây là Đảng Lao động Việt Nam (Đảng Cộng sản); phải hiểu rằng mục tiêu không bao giờ khác của Đảng Cộng sản là lãnh đạo Nhân dân xây dựng thành công CNXH. 
 
Đừng nghĩ rằng Di chúc của Bác phải thật nhiều cụm từ CNXH thì mới là tư tưởng CNXH, bởi trong nghệ thuật hành văn không nhất thiết phải lặp đi lặp lại một từ hay một cụm mà người viết có quyền sử dụng những câu, những từ có ý nghĩa tương đồng để biểu thị nhất quán về một ý nghĩa nào đó. Nên nhớ rằng, Hồ Chí Minh là bậc thầy ngôn ngữ, vì vậy, đừng lấy cái non nớt, kém cỏi trong lối hành văn của mình mà quy chụp, xuyên tạc Hồ Chí Minh là người dân tộc chủ nghĩa, xa rời CNXH. 
 
Về việc nên miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp sau khi giải phóng thống nhất đất nước.
 
Về nội dung này, Đảng ta trước đây chưa thực hiện theo lời Người căn dặn trong Di chúc, nhưng phải hiểu rằng sau giải phóng, tình hình đất nước chưa yên, bên trong thì thế lực thù địch chống phá; vùng biên cương thì bị quấy nhiễu, xâm lăng; chúng ta hàn gắn vết thương chiến tranh trong tình thế bị bao vây cấm vận. Có thể nói đó là khoảng thời gian cả nước “gồng mình gánh khổ”; vết thương cũ chưa lành đã phải chịu tiếp cảnh thịt nát xương tan ở hai đầu biên giới. Đó là một thực tiễn bất lợi nên không thể thực hiện theo Di nguyện của Người. Nhưng trong tận cùng sâu thẳm, Đảng đã hứa với Bác rằng sẽ thực hiện đúng như lời Người để lại. Thế nên, đến năm 1989, dù đất nước vẫn còn rất nhiều khó khăn nhưng Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã có kế hoạch thực hiện điều mong muốn ấy của Bác. Thực tế, đến nay, nhà nước không những chỉ thực hiện 1 năm miễn thuế nông nghiệp cho nông dân mà đã nhiều năm không thu thuế nông nghiệp và đang còn dự kiến sẽ tiếp tục thêm mấy năm nữa.
 
Việc không hỏa táng thi hài Bác như lời Bác dặn trong Di chúc 
 
Về việc này, trước hết xuất phát từ tình cảm, vì nguyện vọng tha thiết của Nhân dân đối với một con người đức cao tận trời, tình người mênh mông biển rộng; một con người mà ở đó người ta nhìn thấy sự vĩ đại qua sự dung dị rất đỗi đời thường; một con người mà ở đó hiện thân cả trí tuệ, tâm hồn, cốt cách Việt Nam. Có ở đâu trên thế giới này, một vị lãnh tụ khi về cõi vĩnh hằng vẫn nhận thấy mình còn có trách nhiệm đối với non sông, đất nước, Nhân dân! Có ở đâu trên thế giới này, một lãnh tụ mà khi về cõi vĩnh hằng, toàn thể Nhân dân đều coi đó là sự mất mát, không gì bù đắp! Và có ở đâu trên thế giới này, một vị lãnh tụ khi về cõi vĩnh hằng mà “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”? Chính vì sự yêu thương, kính trọng, tôn thờ đó mà Bộ Chính trị đã xin phép Bác được làm khác với lời Bác dặn, không hỏa táng, gìn giữ lâu dài thi hài của Người để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bạn bè quốc tế có điều kiện viếng thăm! Điều này dù trái ý nguyện của Bác nhưng đúng với tiếng nói tự tâm của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. 
 
Thừa nhận rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời lúc 9 giờ 47 phút ngày 2 tháng 9 năm 1969. Ngày mất của Bác trùng vào ngày rất đặc biệt - Ngày Quốc khánh 2/9. Do điều kiện lúc bấy giờ chưa cho phép và Bộ Chính trị nghĩ rằng không nên công bố ngày Bác mất trùng với ngày vui lớn của cả dân tộc, nên đã quyết định công bố lùi một ngày là ngày 3-9-1969. Nhưng trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày Bác qua đời và kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, năm 1989, Bộ Chính trị (khóa VI) đã chính thức công bố lại theo đúng ngày mà Bác về với Các Mác, Lê Nin là 9 giờ 47 phút ngày 2 tháng 9 năm 1969. 
 
Từ những phân tích trên cho thấy Bộ Chính trị lúc bấy giờ đã có những quyết định phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của đất nước. Tất cả sự thật đó đều đã được công khai cụ thể, rõ ràng. Thế nhưng các thế lực thù địch, phản động vẫn cố tình suy diễn sai bản chất nhằm chống Đảng, ly gián lòng tin. Đặc biệt nguy hiểm là chúng lợi dụng Di chúc của Bác để xuyên tạc tư tưởng của Người, gieo rắc sự hoài nghi về con đường đi lên CNXH. Thủ đoạn này không mới nhưng không vì thế mà chúng ta chủ quan, mất cảnh giác.
 
VĂN TÒA