Phát huy tinh thần đổi mới và sáng tạo của thanh niên, các thành viên Dự án Amazing Eco-chain thuộc Công ty TNHH Đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp Lâm Viên những năm qua đã nỗ lực xây dựng giải pháp giúp liên kết, hỗ trợ và cộng sinh lẫn nhau giữa các đơn vị sản xuất, phân phối, tiếp thị và bán hàng. Qua đó, dự án góp phần thúc đẩy sự hợp tác, tối ưu dòng chảy của hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Đội ngũ Dự án Amazing Eco- chain tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng giải pháp |
Những năm qua, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng đã có nhiều hoạt động, chương trình hỗ trợ thiết thực giúp đoàn viên, thanh niên phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, đổi mới, tiếp sức nhiều thanh niên tự tin khởi nghiệp. Nhiều mô hình, dự án khởi nghiệp, cải tiến khoa học, kỹ thuật có giá trị thực tiễn của thanh niên cũng nhờ thế mà xuất hiện, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy quá trình đổi mới chung của địa phương. Tiêu biểu có thể kể đến dự án Chuỗi liên kết giá trị Amazing do Công ty TNHH Đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp Lâm Viên thực hiện. Được thành lập cuối năm 2019, dưới mô hình hỗ trợ và quản lý vốn, đến nay, công ty đã bước đầu thiết lập được hệ sinh thái gồm các dự án, công ty liên quan giúp liên kết chuỗi sản xuất, vận chuyển, hậu cần (logistics), tiếp thị và bán hàng cho các hộ và đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Nói về khởi nguồn cho ý tưởng khởi nghiệp này, anh Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp Lâm Viên cho biết, cá nhân anh có hơn 10 năm làm trong các lĩnh vực kiểm toán, tư vấn bán lẻ và tư vấn giải pháp phần mềm quản lý doanh nghiệp (ERP). Thời gian này, anh nhận ra nhiều tiềm năng để cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn. Anh cho rằng, do đặc điểm địa lý, truyền thống sản xuất, kinh doanh, nên các kết nối thương mại trên địa bàn chưa được tối ưu thành chuỗi, nhiều công đoạn còn vận hành thủ công, liên kết và cộng hưởng giá trị giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị chưa lớn. Dự án của công ty ra đời nhằm cải thiện những mặt hạn chế này.
“Giải pháp mà đội ngũ phát triển dự án đưa ra tập trung vào bốn trọng điểm trong chuỗi cung ứng và thương mại, bao gồm trạm trung chuyển, sàn thương mại điện tử giới thiệu sản phẩm địa phương, hệ thống phần mềm quản trị bán hàng và hệ thống hỗ trợ vận chuyển hàng hóa”, anh Cường cho biết. Các trạm trung chuyển đóng vai trò vừa là điểm dừng chân của khách hàng trên các tuyến đường huyết mạch chính của tỉnh, vừa đóng vai trò giới thiệu sản phẩm, tập kết hàng hóa. Bước đầu, công ty đã triển khai được một điểm dừng chân ở Đạ Huoai. Kế hoạch thời gian tới, công ty sẽ mở thêm các điểm trên các tuyến đường ở Bảo Lâm, Đà Lạt và Đức Trọng. Qua đó, giúp hình thành một trục luân chuyển và tập kết hàng hóa xuyên suốt trên địa bàn tỉnh.
Để tối ưu hóa vận chuyển và bán hàng cho các doanh nghiệp thuộc chuỗi liên kết, công ty sử dụng phần mềm để số hóa các công đoạn quản lý hàng hóa, đơn hàng, công nợ. Hiện tại, có hơn 1.000 nhà phân phối, bán lẻ, hộ kinh doanh sử dụng hệ thống phần mềm này. Các đơn vị tham gia liên kết tiết kiệm được nhân công, điều hành quản lý mọi lúc, mọi nơi nhờ giao diện trên máy tính và điện thoại di động. Ngoài ra, hệ thống báo cáo, thống kê, phân tích giúp nhà quản lý nắm rõ thực trạng sản xuất, kinh doanh của đơn vị; qua đó, dự báo và tối ưu hóa chi phí, kênh phân phối, kênh quảng bá phù hợp cho các quý, năm tiếp theo. Nhờ vậy, các đơn vị trong mạng lưới dù có lượng đơn hàng, khối lượng hàng hóa tăng lên nhưng yêu cầu về nhân công, chi phí vận hành giảm, giảm áp lực cho nhà quản lý, gia tăng lợi nhuận.
Không dừng lại ở khâu sản xuất, vận chuyển và phân phối, thông qua việc hợp tác với đơn vị thiết kế, truyền thông, quảng cáo, các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết của dự án sẽ được hỗ trợ thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, bản giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử và khu trưng bày sản phẩm tại các trạm dừng chân. Hiện tại có hơn 46 nhãn hiệu, 27 khách hàng sử dụng các tiện ích này từ hệ sinh thái của công ty.
Nhờ các giải pháp toàn diện này mà bước đầu dự án đã khẳng định được tính thực tiễn, được khách hàng, đối tác tin tưởng hợp tác và gắn bó sử dụng. Đặc biệt, trong “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng - Techfest Lamdong 2021” do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị trong hệ sinh thái khởi nghiệp tổ chức, dự án đã vượt qua hàng chục ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo hấp dẫn khác để đoạt giải Nhì tại cuộc thi. Từ bước đệm này, đội ngũ phát triển vững tin triển khai các công đoạn và kế hoạch tiếp theo cũng như mở rộng phạm vi hoạt động của dự án. Vì vậy, theo anh Nguyên, thời gian tới, công ty sẽ mở thêm các trạm dừng chân, tập kết hàng hóa và giới thiệu sàn bán lẻ trực tuyến để tiếp cận thêm nhiều nhà sản xuất, phân phối và đa dạng các đối tượng khách hàng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin