Tạo dư địa cho người trẻ sáng tác văn học nghệ thuật

TRIỀU KA 05:47, 23/03/2023

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng vừa đánh dấu một chặng đường quan trọng trong hoạt động của Hội thông qua Đại hội VII, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Từ những gì thực tiễn đã chứng minh, một trong những vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay, chính là tìm kiếm những gương mặt văn học nghệ thuật trẻ để nối tiếp thế hệ đi trước.

Ngày Thơ Việt Nam năm 2023 đã hướng về những đối tượng trẻ khi tổ chức tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: NVCC
Ngày Thơ Việt Nam năm 2023 đã hướng về những đối tượng trẻ khi tổ chức tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: NVCC

Báo cáo trình bày tại Đại hội VII chỉ rõ, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng hiện có 11 chi hội, với 284 hội viên. Nhưng lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật trẻ trong Hội lại khá mỏng. Thậm chí, những hội viên có tuổi đời dưới 36 (độ tuổi được gọi là tác giả trẻ, theo quy định của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện, độ tuổi trung bình của hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng rất cao (59 tuổi). Số tuổi khiến những ai quan tâm đến lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật kế cận đều tỏ rõ sự băn khoăn, lo ngại về nguy cơ “già hóa” đội ngũ hội viên. Một số người đã đặt câu hỏi: “Phải chăng ngày nay người trẻ không còn tha thiết với văn học nghệ thuật?”. Nhà thơ Trần Ngọc Trác, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ: “Trên thực tế, không hẳn như vậy! Nhiều người trẻ vẫn có những sân chơi văn học nghệ thuật riêng. Tuy nhiên, việc người trẻ không xin gia nhập Hội lại từ nguyên nhân khác, họ e ngại có những ràng buộc”.

Theo nhà thơ Trần Ngọc Trác, người trẻ bây giờ đa phần được học hành bài bản, kiến thức chuyên môn chuyên sâu, tính bứt phá trong sáng tác khá rõ rệt. Có điều, người trẻ coi việc sáng tác văn học nghệ thuật chỉ là một cuộc chơi, để giãi bày cảm xúc cá nhân, chứ chưa coi nó như một nhu cầu tự thân, xa hơn nữa là thể hiện ý thức công dân sáng tác văn học nghệ thuật để góp phần làm đẹp cuộc sống. Nhà thơ Dương Thành Thái, Chi hội Văn học Nghệ thuật Lâm Hà - Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, tâm sự: “Tôi thấy rằng, mỗi hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng phải có trách nhiệm xây dựng lực lượng văn nghệ sĩ trẻ kế cận, bằng cách quan tâm, tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng những người trẻ có năng khiếu văn học nghệ thuật. Qua đó, chúng ta đề xuất với Hội tạo điều kiện in ấn các tác phẩm của người trẻ, tạo cho họ sự tự tin, niềm cảm hứng với văn học nghệ thuật. Coi những người trẻ đó là lực lượng tiềm năng để kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, khi đủ điều kiện”. Nhà thơ Trần Ngọc Trác nói thêm: “Hội phải chủ động duy trì Câu lạc bộ Sáng tác Văn học Nghệ thuật Trẻ, bên cạnh việc đầu tư thời gian, kinh phí, tạo ra những cuộc thi để khuyến khích người trẻ tham gia. Cùng với đó, Hội cũng phải tạo thêm các sân chơi khác như tổ chức cho Câu lạc bộ Sáng tác Văn học Nghệ thuật Trẻ giao lưu với những Câu lạc bộ Sáng tác Văn học Nghệ thuật Trẻ tỉnh bạn để người trẻ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, mở rộng tầm mắt. Đây cũng là nơi những người trẻ được nghe những góp ý chân thành từ bạn nghề đồng trang lứa. Đặc biệt, Hội cần lưu ý chấp nhận tất cả các phong cách của người trẻ, tìm cách giúp họ phát huy hết khả năng”.

Tất nhiên, sáng tác văn học nghệ thuật là sự thôi thúc từ nội tâm của người nghệ sĩ, trẻ cũng như già. Nhưng nếu được quan tâm, tạo môi trường, dư địa tốt, nhất là với người trẻ, thì sự thôi thúc nội tâm đó càng thêm phần mãnh liệt. Bởi trên con đường sáng tác văn học nghệ thuật của người trẻ có sự đồng hành của những người đi trước, và nút thắt về nguồn nhân lực kế cận cũng sẽ được gỡ bỏ.