Khơi nguồn đam mê sáng tạo cho học trò

HỒNG THẮM 05:47, 11/08/2023

Niềm đam mê dành cho các môn như Tin học, Vật lý... đã góp phần giúp thầy và trò Trường THCS Phi Liêng đạt được những kết quả quan trọng trong các cuộc thi về Khoa học kỹ thuật các cấp, lập trình và điều khiển Robot, sáng tạo thanh, thiếu niên. Mới đây, một dự án của học sinh nhà trường đã đoạt giải Ba cuộc thi khởi nghiệp dành cho lứa tuổi thanh, thiếu niên trên toàn quốc.

Thầy Thái (bìa trái) cùng nhóm học sinh tham dự cuộc thi Bệ phóng khởi nghiệp và giành giải Ba
Thầy Thái (bìa trái) cùng nhóm học sinh tham dự cuộc thi Bệ phóng khởi nghiệp và giành giải Ba

Ý TƯỞNG ĐỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CỦA ĐỊA PHƯƠNG

I’MPOSSIBLE - Bệ phóng khởi nghiệp là dự án do Quỹ Dariu (Thụy Sĩ) khởi xướng với mục tiêu xây dựng nền tảng về khởi sự kinh doanh lĩnh vực công nghệ số dành cho thanh, thiếu niên. 
Cuộc thi được sáng lập nhằm thúc đẩy kỹ năng cho học sinh, sinh viên trên khắp cả nước; khuyến khích phát triển các ý tưởng, sáng tạo ứng dụng công nghệ và ươm tạo giải pháp có khả năng thực tiễn giải quyết các vấn đề xã hội, cộng đồng trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường, giao thông, nông nghiệp hoặc các vấn đề của địa phương.

Mùa đầu tiên, ban tổ chức tiếp nhận 50 ý tưởng, sản phẩm công nghệ, mô hình khởi sự kinh doanh từ 187 học sinh, sinh viên đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua vòng loại, sản phẩm Hệ thống kiểm soát độ đục của nước ứng dụng trong nuôi cá tầm của nhóm học sinh Nguyễn Thành Trung (lớp 8A3), Nguyễn Hoàng Thiên Phúc (lớp 9A4), Tăng Chấn Hưng (lớp 7A3) và Âu Gia Hân (lớp 7A3) Trường THCS Phi Liêng đã xuất sắc lọt vào 12 dự án, sản phẩm vòng chung kết và được chấm giải Ba. 

“Nhóm em là đội thi nhỏ tuổi nhất trong Bảng dành cho đối tượng học sinh của cuộc thi. Và chúng em cũng rất tự hào về điều đó. Cả nhóm dưới sự hướng dẫn của thầy giáo đã mất hơn 2 tháng để mày mò, điều chỉnh sao cho sản phẩm được hoàn thiện nhất”, em Nguyễn Hoàng Thiên Phúc chia sẻ.

Nói về sản phẩm này, thầy Chu Xuân Thái - giáo viên môn Vật Lý, đồng thời là người hướng dẫn học sinh thực hiện dự án này cho biết, ý tưởng xuất phát từ một chuyến tham quan thực tế các mô hình nuôi cá tầm ở địa phương. Tại đây, các em học sinh có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với những người nông dân và vốn là những cô cậu học trò nhạy bén với công nghệ, hệ thống lọc nước dẫn từ các khe suối đã thu hút các em. 

Và thắc mắc về việc làm thế nào để từ nguồn nước tự nhiên có thể đảm bảo trong suốt, không lẫn tạp chất, tạo thành môi trường an toàn để cá sinh trưởng và phát triển xuất hiện trong đầu các em. Qua tham khảo một số nguồn thông tin trên internet, thầy Thái đã gợi ý để phát triển ý tưởng thành sản phẩm tham gia cuộc thi.

“Vào vòng chung kết, thuyết trình trực tiếp trước Ban giám khảo, mình vô cùng lo lắng vì sợ rằng các em sẽ run khi bước ra một sân chơi lớn. Nhưng không ngờ các em lại rất tự tin, trả lời rành mạch từng câu hỏi của Ban giám khảo về cả thực tiễn lẫn các kiến thức về lập trình, tường tận về hoạt động của sản phẩm. Giám khảo đánh giá rất cao khả năng của các em dù là những thí sinh nhỏ tuổi nhất cuộc thi”, thầy Thái cho biết thêm.

NƠI NUÔI DƯỠNG ĐAM MÊ

“Những thành tích này là bước khởi điểm để các em tiếp cận những giảng đường, sân chơi mai sau này. Và sẽ là nền tảng để các bạn có thể đạt đến những ước mơ”, thầy Nguyễn Văn Vũ - Hiệu trưởng Trường THCS Phi Liêng khẳng định.

Cũng theo thầy Vũ, để có được những thành tích đáng ghi nhận như hiện tại, có sự đóng góp, nỗ lực rất lớn của cả thầy và trò. Có những em học sinh chỉ vừa vào trường đã bộc lộ năng khiếu cũng như niềm đam mê với các bộ môn Vật lý, Tin học... và dành nhiều thời gian tham gia các cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp trường, cấp tỉnh.

Người đứng sau thành công của các em chính là thầy Chu Xuân Thái - giáo viên bộ môn Vật Lý. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Vũ, với nhiệt huyết của một giáo viên trẻ, thầy Thái luôn chủ động tìm kiếm các cuộc thi phù hợp với lứa tuổi và khuyến khích các em tham gia, thử sức mình ở những sân chơi lớn. Cùng với đó, Hội phụ huynh học sinh cùng nhà trường cũng tạo điều kiện hết mức, hỗ trợ kinh phí để thầy trò phát triển các sản phẩm, phù hợp với các cuộc thi. 

“Bản thân mình là giáo viên trẻ, trưởng thành từ ngôi trường này nên biết được các em vẫn còn nhiều thiệt thòi hơn so với bạn bè các nơi. Nhưng dẫu vậy thì mình cũng chỉ là người hướng dẫn phía sau, quan trọng nhất là các em thực sự yêu thích và có quyết tâm để tìm tòi, nghiên cứu. Đó hoàn toàn là sản phẩm của các em, chính vì thế mà các em luôn tự tin trong mọi cuộc thi”, thầy Thái khẳng định. 

Còn đối với Trung, Phúc, Hưng và Hân, dù là các môn học trên lớp hay các cuộc thi lớn, nhỏ mà mình tham gia, đó đều là những sự chăm chỉ, nghiêm túc. Cả 4 em đều duy trì thành tích học sinh giỏi, chăm ngoan nhiều năm liền. Cũng nhờ đó mà nhóm bạn đã liên tục giành được nhiều giải thưởng như: Giải Tư Cuộc thi Lập trình và điều khiển robot lần thứ I, năm 2023; Giải Ba Ngày hội STEM lần thứ nhất năm 2023 do Sở GD&ĐT tổ chức; Giải Khuyến khích cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên tỉnh Lâm Đồng năm học 2022-2023; Giải Ba cuộc thi khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng năm học 2021-2022; Giải Nhì cuộc thi robot cấp trường...

“Dù có được giải gì thì chúng em cũng đều rất vui vì qua mỗi cuộc thi chúng em lại cùng nhau học thêm được nhiều thứ và cũng có nhiều trải nghiệm mà em nghĩ là không phải ai cũng có cơ hội. Mỗi người trong chúng em đều có những thế mạnh riêng, được thầy hướng dẫn phân chia công việc để phát huy khả năng đó”, em Nguyễn Thành Trung chia sẻ.

Bên cạnh đó, Trường THCS Phi Liêng cũng duy trì hoạt động của 1 câu lạc bộ Robot, tổ chức sinh hoạt thường xuyên để giúp các em học sinh có môi trường phát huy tính sáng tạo của mình. Đây cũng là một trong những cơ hội để các em ứng dụng kiến thức được học vào thực tiễn, thực hành những kỹ năng cần thiết để từ đó các em có thêm động lực nuôi dưỡng ước mơ của mình.