Thanh niên Lâm Đồng với chương trình thanh toán không dùng tiền mặt

DIỄM THƯƠNG 05:33, 12/10/2023

Chỉ trong thời gian ngắn, hoạt động hỗ trợ người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành phong trào ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh. Cùng với các cấp, các ngành, tuổi trẻ tỉnh Lâm Đồng là lực lượng xung kích, góp phần “phủ sóng” thanh toán không dùng tiền mặt, thay đổi thói quen của người dân trong mọi mặt đời sống.

Thanh niên huyện Bảo Lâm với phong trào thanh toán không dùng tiền mặt
Thanh niên huyện Bảo Lâm với phong trào thanh toán không dùng tiền mặt

Ngày 6/10, hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, tất cả các Huyện Đoàn, Thành Đoàn trên toàn tỉnh đã đồng loạt tổ chức triển khai ứng dụng sản phẩm dịch vụ Mobile Banking của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), hoạt động không chỉ tạo dấu ấn trong đoàn viên, thanh niên, phát huy tinh thần xung kích, tiên phong của thanh niên trong chuyển đổi số quốc gia, mà còn lan tỏa nhanh các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Thông qua chương trình nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông về các chương trình chuyển đổi số trên địa bàn và chủ trương của tỉnh về thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ trên nền tảng công nghệ tiên tiến để tăng cường các dịch vụ, tiện ích phục vụ khách hàng là cá nhân, người vay vốn.

Tại chương trình, các đoàn viên, thanh niên đã giới thiệu các dịch vụ tài chính Ngân hàng CSXH cung cấp cho khách hàng gồm: Dịch vụ chuyển tiền (chuyển tiền nội bộ Ngân hàng CSXH cùng chủ tài khoản, khác chủ tài khoản; chuyền tiền nhanh 24/7 đến số tài khoản, đến số thẻ mở tại các ngân hàng khác; chuyển tiền thường đến số tài khoản tại ngân hàng khác; chuyển tiền ủng hộ và các dịch vụ chuyển tiền khác); dịch vụ thanh toán (thanh toán hóa đơn: tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, vé tàu, vé máy bay, học phí, phí bảo hiểm…; nạp tiền điện thoại, ví điện tử; mua thẻ data, thẻ điện thoại; nộp thuế,…); dịch vụ thanh toán QR Pay (thanh toán bằng mã QR trên ứng dụng VBSP Smart Banking, cho phép khách hàng thanh toán cho các nhà cung cấp thông qua tính năng quét mã QR trên ứng dụng Mobile Banking).

Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo chung từ các nghị quyết của Đảng, của Đoàn, ứng với tình hình thực tiễn và xác định rõ vai trò tiên phong, xung kích của đoàn viên, thanh niên trong chuyển đổi số, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn chủ động triển khai sâu rộng các hoạt động tham gia chuyển đổi số, bám sát chủ đề công tác năm: “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”, đặc biệt là trong Tháng Thanh niên “Tuổi trẻ tiên phong trong chuyển đổi số”, chiến dịch tình nguyện hè 2023. Theo đó, các hoạt động của Đoàn Thanh niên gắn với chuyển đổi số được trải đều trên tất cả các mặt công tác. Trên cơ sở đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức Đoàn các cấp đã và đang triển khai mạnh mẽ hoạt động chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn; chú trọng phát triển áp dụng cái mới, cái sáng tạo như tích cực sử dụng mạng xã hội, các ứng dụng trên điện thoại thông minh để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tiếp cận gần hơn với giới trẻ, trao đổi thông tin, quản lý tổ chức; số hóa văn bản và khai thác các ứng dụng trên nền tảng trực tuyến...

Phát huy vai trò xung kích, đảm nhận các công trình, phần việc phù hợp với năng lực, sở trường, hiện, lực lượng đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều mô hình hỗ trợ, hướng dẫn, triển khai mô hình “Chợ 4.0” tại các chợ truyền thống. Các huyện, thị, thành đoàn và các đoàn trực thuộc đã chủ động lựa chọn địa bàn, phối hợp với ban quản lý các chợ và các ngân hàng, nhà mạng cung cấp dịch vụ trong việc lấy thông tin, lập tài khoản, tạo mã QR để thanh toán không cần dùng tiền mặt... Hiện, toàn tỉnh đã có nhiều mô hình “Chợ 4.0” do đoàn viên, thanh niên triển khai thực hiện, hỗ trợ được trên 3.000 hộ kinh doanh tại các chợ truyền thống làm quen và sử dụng thành thạo hình thức thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. 

Thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt cũng là hoạt động để nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên nói riêng và người dân về chuyển đổi số bằng cách chuyển đổi về tư duy, nhận thức, sau đó dần chuyển đổi cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.