Vượt qua hơn 200 dự án, ý tưởng tại Ngày hội Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và kết nối công nghệ Techfest Lâm Đồng năm 2023, dự án Quản lý phòng nuôi cấy mô - Seedify Biolab của nhóm bạn trẻ Nguyễn Văn Huy Dũng, Phan Trung Tính, Nguyễn Trọng Hiếu, Phạm Huy Đức (Phường 1, TP Đà Lạt) đã xuất sắc đọat giải Ba tại bảng thi dự án khởi nghiệp. Sự sáng tạo của các bạn trẻ đã tạo nên giải pháp công nghệ giúp tối ưu hóa quy trình quản lý, cải tiến ngành nuôi cấy mô; đồng thời, khẳng định sức mạnh của công nghệ trong thời đại 4.0.
Dự án Quản lý phòng nuôi cấy mô - Seedify Biolab của nhóm bạn trẻ đoạt giải Ba tại Ngày hội Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và kết nối công nghệ Techfest Lâm Đồng |
Lâm Đồng là tỉnh đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ sinh học, đặc biệt là công nghệ nuôi cấy mô (invitro) trong sản xuất giống cây rau, hoa. Tuy nhiên, theo bạn trẻ Phan Trung Tính (sinh năm 1998) - Phó Trưởng nhóm dự án “Quản lý phòng nuôi cấy mô - Seedify Biolab”: Hầu như các quy trình quản lý xuất, nhập, sản xuất của các cơ sở nuôi cấy mô trên địa bàn... đều được thực hiện thủ công, hiệu quả quản lý chưa cao. Việc lưu trữ và trao đổi thông tin giữa các công đoạn làm việc, giữa nhân viên và quản lý đều trên giấy, sau mỗi buổi làm việc mới có người thực hiện nhập liệu vào Excel để lưu trữ. Điều này khiến việc truy xuất thông tin về cây giống và nhân công trên giấy mất thời gian và không hiệu quả.
Vì vậy, các giải pháp số hóa dữ liệu, tự động hóa quá trình xuất nhập, quản lý và trích xuất dữ liệu không những góp phần giúp giảm thiểu sai sót, tiết kiệm chi phí in ấn, văn phòng phẩm mà còn tăng hiệu quả quản lý, tinh gọn bộ máy nhân sự giúp việc cho các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nói về quá trình hình thành ý tưởng và triển khai dự án, Tính cho biết, dự án xuất phát từ nhu cầu thực tiễn - trong quá trình Tính tham gia thực tập và hỗ trợ các doanh nghiệp nuôi cấy mô ở Đà Lạt lúc Tính còn là sinh viên (năm 2017). Sau thời gian ấp ủ, năm 2020, dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Tính và các thành viên khác vẫn quyết định triển khai dự án để hiện thực ý tưởng kinh doanh.
Trong quá trình khởi nghiệp, Tính và nhóm của mình đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, rào cản. Dịch bệnh bùng phát đã buộc các thành viên phải làm việc từ xa, và tuổi trẻ cùng với hạn chế về kinh nghiệm cũng như nguồn vốn đã tạo ra áp lực lớn trong việc triển khai dự án. Tuy nhiên, dù gặp nhiều khó khăn, nhóm bạn trẻ vẫn không ngừng nỗ lực và cố gắng vượt qua. Tính tin rằng: “Chỉ cần kiên trì, đam mê và sẵn lòng học hỏi cùng với tinh thần quyết tâm, nhóm sẽ vượt qua được mọi thử thách và đạt được mục tiêu của mình”.
Hiện thực hóa ý tưởng, nhóm đã dành nhiều thời gian khảo sát các cơ sở nuôi cấy mô để xây dựng hệ thống quản lý, giải quyết các vấn đề mà các cơ sở này đang gặp phải. Phần mềm này có khả năng quản lý tổng thể cho một phòng nuôi cấy mô vừa và nhỏ, bao gồm quản lý toàn bộ quá trình hoạt động từ nhân công, quy trình sản xuất, phòng sáng, phòng giống, phòng cấy... đến việc theo dõi quy trình lên giàn, hạ giàn cũng như theo dõi, quản lý phòng môi trường… Việc này, giúp cơ sở nuôi cấy mô có thể cập nhật thông tin, dữ liệu tức thì và truy xuất thông tin cây giống từ giai đoạn đầu chọn vật liệu nuôi cấy đến khi xuất khẩu một cách nhanh chóng. Nó còn cho phép tìm kiếm dữ liệu liên quan trong hàng triệu cây giống, giúp xác định nguyên nhân lỗi và đánh giá hiệu suất làm việc của nhân công qua số liệu trên hệ thống. Có thể nói, đây là một giải pháp ERP (Enterprice Resource Planing - hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp) được tinh chỉnh và tối ưu hóa cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi cấy mô.
Sau gần 1 năm triển khai, thực hiện dự án, phần mềm Quản lý phòng nuôi cấy mô - Seedify Biolab của nhóm đã được hoàn thiện và đưa vào vận hành với phân hệ dành cho sản xuất và đạt được nhiều hiệu quả trong việc giảm chi phí vận hành của doanh nghiệp. Theo Tính, hiện tại, giải pháp của nhóm đã được triển khai thành công tại Công ty TNHH Quang Nguyên Đà Lạt và Công ty TNHH Hoa Mặt Trời - qua đó giúp các đơn vị giảm chi phí vận hành hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Từ những thành công ban đầu này, thời gian tới, nhóm sẽ tập trung nguồn lực để cải thiện và bổ sung tính năng cho sản phẩm. Về khía cạnh tiếp thị và phát triển thị trường, trong tương lai gần, nhóm sẽ quảng bá và giới thiệu giải pháp cho các đơn vị nuôi cây mô trên địa bàn, trước khi mở rộng thị trường sang các tỉnh, thành khác.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin