Ngôi nhà ấm áp yêu thương

VIỆT QUỲNH 07:08, 31/12/2023

“Ngôi nhà yêu thương và chia sẻ” là tên của một cơ sở giáo dục đặc biệt nằm trên đường Hoàng Hoa Thám, Phường 10, TP Đà Lạt, nơi mà mỗi góc nhỏ đều thơm lừng mùi cà phê, bánh ngọt và rực rỡ sắc màu bởi những món đồ thủ công đẹp mắt. Tất cả không gian đó được làm nên từ đôi bàn tay của người khuyết tật, với sự hỗ trợ cùng rất nhiều tình cảm ấm áp của những người trong ngôi nhà chung.

Các em khuyết tật được học vẽ trên các sản phẩm lưu niệm
Các em khuyết tật được học vẽ trên các sản phẩm lưu niệm

Những ngày cuối năm của Nguyễn Thị Lan Tiên rộn ràng hơn bình thường, bởi cô cùng các bạn, các cô giáo tất bật trang trí cho Ngôi nhà yêu thương và chia sẻ chuẩn bị đón năm mới. Tết này sẽ là một cái Tết thật đặc biệt với cô gái không may bị khiếm thính từ lúc sinh ra, bởi lần đầu tiên trong đời, Tiên được đi làm và nhận lương từ chính nơi mà cô đã gắn bó hơn 2 năm qua để học nghề. Trong suốt thời gian đó, Tiên được học vẽ, học may, thêu nên các sản phẩm thủ công, học làm bánh, làm sô cô la, phục vụ quán cà phê nhỏ,... Bằng ngôn ngữ ký hiệu, Tiên chia sẻ rằng: “Em mới làm việc nên lương còn thấp, nhưng vẫn đủ để em mua những món mình thích và cả mua quà cho ba mẹ bằng tiền do chính mình làm ra, vì vậy mà em rất vui và háo hức. Em sẽ cố gắng để tay nghề nâng cao hơn trong thời gian tới, để có những sản phẩm đẹp, tốt hơn và pha chế đồ uống ngon hơn”.

Niềm vui của Tiên, My và bạn khi được học làm bánh và pha chế
tại tiệm cà phê nhỏ
Niềm vui của Tiên, My và bạn khi được học làm bánh và pha chế tại tiệm cà phê nhỏ

Niềm vui của Tiên cũng là niềm hạnh phúc và mong mỏi chung của các cô giáo, tình nguyện viên, cũng như người sáng lập ra Ngôi nhà yêu thương và chia sẻ - doanh nghiệp xã hội đầu tiên được thành lập trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, hoạt động trên lĩnh vực giáo dục đặc biệt và hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật. Chị Trần Thị Thanh Lan - Giám đốc Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội Ngôi nhà yêu thương và chia sẻ cho biết: “Khi có cơ hội đồng hành với Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng tham gia các chương trình thiện nguyện, tôi nhận thấy vẫn còn rất nhiều trường hợp gia đình có con em khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa cần sự giúp đỡ từ cộng đồng. Chính vì vậy mà chúng tôi thành lập doanh nghiệp xã hội với các hoạt động đồng hành, hỗ trợ trẻ khuyết tật, đồng thời đóng góp 51% lợi nhuận vào việc xây dựng xã hội và phát triển cộng đồng”. 

Tại Ngôi nhà yêu thương và chia sẻ hiện có các lớp học can thiệp sớm và giáo dục đặc biệt cho 14 trẻ khuyết tật trí tuệ dưới 6 tuổi; cũng như hướng nghiệp, dạy nghề cho các em khuyết tật. Bên cạnh đó, nhằm tạo môi trường để các trẻ khuyến tật đang học nghề có môi trường thực hành, cũng như tạo dựng giá trị cho bản thân, nơi đây còn có không gian trưng bày, kinh doanh các sản phẩm thủ công handmade phong cách Hàn Quốc do các em cùng cô giáo làm ra.

Không gian ngập tràn màu sắc của những sản phẩm thủ công do chính các em khuyết tật cùng giáo viên làm ra
Không gian ngập tràn màu sắc của những sản phẩm thủ công do chính các em khuyết tật cùng giáo viên làm ra

Những món đồ lưu niệm, túi xách, cài áo,... được vẽ trang trí và thêu tay tỉ mỉ, đẹp mắt là thành quả của những ngày cô kiên trì, nhẫn nại chỉ bảo, trò cố gắng, tập trung để bàn tay bỡ ngỡ, vụng về ban đầu dần trở nên khéo léo thêu hoa, thêu lá. Tại đây còn có lớp workshop vẽ trang trí được tổ chức hàng tháng cho các em học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng tham gia. Những sản phẩm độc đáo đó đã được bán ra thị trường cũng như xuất khẩu sang Hàn Quốc. Cô Phạm Thị Xuân Thu - giáo viên dạy may đã gắn bó với Ngôi nhà yêu thương và chia sẻ từ những ngày đầu, tâm sự: “Bản thân tôi cũng bị khuyết tật ở chân từ nhỏ, thế nên khi vào đây dạy cho các em, tôi rất đồng cảm với những khó khăn mà các em gặp phải. Hạn chế về giao tiếp bằng ngôn ngữ thì cô trò tăng cường giao tiếp bằng cử chỉ. Bản thân các em cũng rất chăm chú và thích thú, tiếp thu cũng rất nhanh. Mỗi sản phẩm được hoàn thành, nhìn các em vui mà bản thân tôi cũng không khỏi cảm thấy tự hào”.

Ở trong khuôn viên của Ngôi nhà yêu thương và chia sẻ còn có một tiệm cà phê nhỏ mang tên Socola Gấu, nơi mà các em khuyết tật được dạy làm bánh, làm socola, pha chế và học cả cách phục vụ, giao tiếp với khách. Dưới sự hỗ trợ của các giáo viên và tình nguyện viên, các em dần linh động và tự tin hơn trong việc giao tiếp với khách hàng tại quán cà phê. Lê Ánh Thảo My - cô bé 15 tuổi xinh xắn đến với Ngôi nhà yêu thương và chia sẻ từ tháng 5 năm nay, sau khi đã hoàn thành việc học ở Trường Khiếm thính Lâm Đồng. Em đặc biệt thích làm việc ở quán cà phê sau giờ học vẽ, học may, hào hứng với mọi món bánh hay món nước được học. My nói bằng ngôn ngữ ký hiệu: “Em thấy rất vui vì được học nghề phù hợp với khả năng và sở thích của mình. Cô giáo, bạn bè và khách đến quán đều rất thân thiện khiến em luôn cảm thấy dễ chịu và cố gắng để làm tốt hơn mỗi ngày”.

Theo chị Trần Thị Thanh Lan, việc hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật là một trong những hoạt động rất cần thiết nhằm giúp trẻ đặc biệt hòa nhập cộng đồng. Chọn những nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và gắn với tạo việc làm trong tương lai sẽ giúp các em tự chủ hơn trong cuộc sống, tự nuôi sống được bản thân, trở thành người có ích để đóng góp cho xã hội sau này. “Khó khăn thì không phải không có, nhưng thật may mắn khi chúng tôi đã luôn nhận được sự đồng hành và chia sẻ từ nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để duy trì hoạt động những ngày đầu mới thành lập, cũng như hỗ trợ nhiều hơn những hoàn cảnh học sinh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa” - chị Lan cho hay.

Cùng đồng hành với Ngôi nhà yêu thương và chia sẻ trong các chương trình chăm lo cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ông Đỗ Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Trong thời gian tới, Hội Khuyến học tỉnh sẽ phối hợp với Ngôi nhà yêu thương và chia sẻ cố gắng tạo thêm nhiều cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp hơn nữa cho các học sinh khuyết tật tại các địa phương, giúp các em có thêm nhiều lựa chọn phù hợp để phát triển trong tương lai, cũng như tự tin hơn và cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương của toàn xã hội dành cho mình để có động lực cố gắng vươn lên trong cuộc sống”.