“Quả ngọt” từ niềm đam mê nông nghiệp

HƯƠNG LY 06:59, 22/01/2024

Kiên trì và nỗ lực - là hành trang chính mà chàng thanh niên Phạm Quốc Anh (thôn Thạnh Nghĩa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương) đã sử dụng trong suốt hành trình hiện thực hoá ước mơ khởi nghiệp từ nghề nông ngay trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Anh Phạm Quốc Anh nỗ lực khởi nghiệp,
làm giàu từ nông nghiệp
Anh Phạm Quốc Anh nỗ lực khởi nghiệp, làm giàu từ nông nghiệp

Là một người có nhiều đam mê với nông nghiệp và hơn hết là tình yêu với mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, nên ngay từ khi vẫn còn là chàng sinh viên tuổi đôi mươi, Phạm Quốc Anh đã xác định mục tiêu học tập cho bản thân là “đi để trở về” - về quê lập nghiệp, đóng góp cho quê hương. Chính vì vậy, sau khi hoàn thành chương trình học tập và tốt nghiệp tại hai ngôi trường là Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh và Cao đẳng Công nghệ thông tin TP Hồ Chí Minh, năm 2013, Quốc Anh đã quay về quê nhà Đơn Dương để bắt đầu thực hiện những ý tưởng ấp ủ bấy lâu. 

Trở về địa phương, với sức trẻ, sự nhiệt tình luôn hăng hái đi đầu trong mọi công việc của thôn, xã, Quốc Anh được bầu làm Bí thư Chi đoàn thôn Thạnh Nghĩa, thị trấn Thạnh Mỹ và được kết nạp vào Đảng cùng năm 2013. Vinh dự, tự hào khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng nhưng bản thân Quốc Anh cũng nhận thức được vai trò, trách nhiệm lớn khi là một người đảng viên, từ đó, anh càng nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đồng thời, gương mẫu đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương.

Có kiến thức, sức khoẻ và ý chí vươn lên của tuổi trẻ, Quốc Anh chọn đi lên từ những công việc lao động tay chân, kinh doanh nhỏ lẻ để đúc rút cho mình những bài học, kinh nghiệm về cuộc sống cũng như tích trữ cho mình một nguồn vốn để chuẩn bị cho những dự án sắp tới. 

Tiếp tục bền bỉ với lý tưởng của bản thân, đến năm 2017, Quốc Anh chính thức kinh doanh vườn hoa lan rừng tại thôn Tân Lập, xã Lạc Lâm. Đến đầu năm 2021, khi có thêm nguồn lực, anh mở rộng trồng thêm các loại sen đá và dâu rừng, với mong muốn biến ý tưởng vườn lan ban đầu thành mô hình trang trại nhỏ, trở thành một điểm đến thu hút người dân, du khách đến tham quan, trải nghiệm. Hiện nay, vườn có diện tích 1.240 m2, được bố trí các khu trồng dâu tây, lan, sen đá phù hợp và sẽ miễn phí cho các đoàn trường mầm non tổ chức cho các em nhỏ tham quan, học tập.

Cũng trong năm 2021, anh Quốc Anh còn mở thêm một trang trại nuôi heo rừng với diện tích 600 m2 tại xã Pró. Trung bình một tháng xuất 5 tạ heo thành phẩm, bán với giá thị trường trung bình 100 ngàn đồng/kg. Khách hàng chủ yếu là người dân địa phương, và TP Hồ Chí Minh.

Hào hứng chia sẻ về dự án gần đây nhất của mình, Quốc Anh cho biết thêm: “Cùng với sự động viên của gia đình, địa phương và sự hỗ trợ, kết nối của Đoàn Thanh niên, mình được biết đến vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và trong năm 2022, được hỗ trợ cho vay vốn khởi nghiệp với số tiền 50 triệu đồng. Từ đó, mình tiếp tục mạnh dạn đầu tư mở trang trại dâu tây trên giá thể theo quy trình công nghệ cao vào giữa năm 2023, với diện tích 2.800 m2 tại Phường 10, TP Đà Lạt. Đây là công trình mình tập trung nhiều sức lực nhất, bởi lẽ, trồng dâu tây công nghệ cao đòi hỏi phải trang bị cho mình một vốn kiến thức, sự hiểu biết, kỹ thuật tốt; bên cạnh đó, còn là sự chuẩn bị một nguồn vốn đầu tư khá lớn. Và sau một thời gian dài nghiên cứu, vườn dâu tây sạch của mình cũng đã chính thức đi vào hoạt động, chủ yếu trồng các loại dâu Nhật Sky, dâu Nhật Sachi. Đến nay, vườn dâu đã có thể cho thu mỗi ngày và được khách du lịch biết đến, ghé thăm. Đến thời điểm hiện tại, sau khi đã trừ chi phí, mỗi tháng thu nhập bình quân từ 3 trang trại của gia đình sẽ từ 40-50 triệu đồng”.

Trong chuyến hành trình khởi nghiệp của Phạm Quốc Anh đang theo đuổi, Quốc Anh cũng thật lòng tâm sự, giai đoạn đầu là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với anh. Từ những lo lắng bản thân chưa đủ khả năng để có thể đứng ra độc lập, tự chủ kinh tế để lập nghiệp, cho đến những trăn trở làm sao để tìm ra hướng đi phù hợp cho bản thân hay là những nỗi sợ bản thân sẽ thất bại... Những lúc như thế, anh đã luôn tự nhắc nhủ bản thân rằng, đã dám nghĩ là phải dám làm, có gục ngã mới biết cách đứng dậy. Đó cũng vừa là lời khẳng định cũng vừa là lời cổ vũ bản thân mình của Phạm Quốc Anh.

Theo anh Nguyễn Bảo Kiên - Bí thư Huyện Đoàn Đơn Dương, Phạm Quốc Anh là một trong những đoàn viên, tiêu biểu trong phong trào lập nghiệp, khởi nghiệp trên quê hương. Nhờ những điển hình như Quốc Anh, đã góp phần lan toả mạnh mẽ hình ảnh người thanh niên Việt Nam sống có bản lĩnh, trí tuệ. Để tiếp tục làm tốt vai trò đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, thời gian tới, bằng nhiều hình thức, Huyện Đoàn Đơn Dương sẽ tăng cường sự quan tâm, đầu tư, chăm lo, triển khai nhiều chương trình cho đoàn viên, thanh niên nhiều hơn nữa. Thông qua đó, thúc đẩy các phong trào thi đua, nâng cao chất lượng hoạt động và xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh tại địa bàn.